Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để quy định cản trở chính sách

Hà Phong| 24/07/2014 06:01

(HNM) - Ngày 23-7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công.



Cùng với việc thảo luận giải pháp từng bước nâng cao mức sống của người có công, các ý kiến tại phiên họp đã làm rõ những chính sách chưa phù hợp, cản trở tiến độ giải quyết hồ sơ đối với thương binh, bệnh binh, đối tượng nhiễm chất độc hóa học…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Hà Nội có 800.000 người có công, chiếm 10% dân số. Xác định không sự tri ân nào hữu ích hơn việc chia sẻ, chăm lo hỗ trợ đời sống, sức khỏe đối với người có công, thời gian qua, việc khám chữa bệnh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có công đã được tiến hành đồng bộ, kịp thời. Cùng với đó, thành phố đã điều chỉnh, nâng mức trợ cấp, phụ cấp với gần 98 nghìn đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng cao hơn mức quy định hiện hành. Với những đối tượng khó khăn, UBND TP Hà Nội yêu cầu chính quyền các cấp không chỉ hỗ trợ bằng cách tặng sổ tiết kiệm, thẻ đi xe buýt miễn phí mà còn tạo công ăn việc làm cho người có công và cả thân nhân người có công. Đến nay, Hà Nội không còn hộ người có công thuộc diện nghèo, bảo đảm người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công số 2 TP Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Nhung


Qua khảo sát thực tế, số gia đình người có công trên địa bàn thành phố có nhà ở đã xuống cấp, có nguyện vọng được nâng cấp, sửa chữa không nhỏ. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công về nhà ở trên địa bàn. Theo đề án, mức hỗ trợ cho người có công với cách mạng về nhà ở có nhiều dạng, phù hợp với nhu cầu thực tế. Kinh phí thực hiện từ ngân sách TƯ, ngân sách thành phố; ngoài ra huy động từ cộng đồng, dòng họ và đóng góp của chính các hộ gia đình được hỗ trợ... Trong năm 2014, thành phố dự kiến sẽ hỗ trợ, xây mới 1.062 nhà, sửa chữa 1.362 nhà với tổng kinh phí là 69.720 tỷ đồng. Năm 2015, tiếp tục hỗ trợ xây mới nhà ở cho 1.680 hộ gia đình, hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 2.066 hộ…

Song song với kế hoạch tu bổ, xây mới nhà cho người có công, Hà Nội đã chủ động tổ chức chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong xác nhận, giải quyết chế độ theo đúng quy định và thẩm quyền từng cấp. Qua thực tế giám sát, không có tiêu cực trong lĩnh vực này. Dù vậy, phản ánh của quận Hà Đông, huyện Gia Lâm cho thấy, có một số văn bản còn vướng mắc, gây khó khăn cho cơ sở trong thụ lý hồ sơ, phải chỉnh sửa để bảo đảm quyền lợi người có công.

Từ thực tiễn giải quyết hồ sơ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành nhận định: Chính sách đối với bệnh binh hoặc công nhân viên chức nghỉ mất sức lao động; đồng thời là thương binh còn chưa hợp lý. Cụ thể, theo quy định hiện hành, thương binh là bệnh binh có thời gian công tác 15 năm trở lên trong quân đội hoặc thương binh nghỉ mất sức lao động có thời gian công tác từ 20 năm trở lên được hưởng chế độ thương tật và chế độ bệnh binh hoặc mất sức lao động. Nhưng số thương binh có thời gian công tác dưới 15 năm (đối với bệnh binh) và dưới 20 năm (người nghỉ mất sức lao động) chỉ được hưởng một trong hai chế độ. Hầu hết người có công trên địa bàn Hà Nội rơi vào trường hợp thứ 2, nên chỉ được hưởng một chế độ, trong khi sức lao động không còn.

Tương tự, việc điều chỉnh trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dưới 81% cũng đang gây nhiều thắc mắc. Theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các chế độ ưu đãi mới được áp dụng từ ngày 1-1-2013, nhóm chưa xác định được tỷ lệ suy giảm khả năng lao động vẫn được bảo lưu mức trợ cấp đang hưởng đến hết ngày 31-12-2013, không phải điều chỉnh và truy thu trợ cấp. Trong khi đó, nhóm xác định được tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21 đến 60% phải truy thu số tiền chênh lệch trợ cấp đã lĩnh theo mức trợ cấp mới (thấp hơn mức cũ). Sự bất hợp lý trong việc chuyển đổi chính sách nêu trên đã gây thắc mắc, thậm chí phát sinh đơn thư khiếu nại. Vì vậy, ông Khuất Văn Thành đề xuất không nên thực hiện.

Ở góc nhìn khác, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Hà Nội Đỗ Quốc Phong cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã yêu cầu các cấp trực thuộc tháo gỡ những tồn đọng khi thực hiện chính sách đối với cựu thanh niên xung phong, nhưng cũng có không ít việc ngoài tầm với. Nguyên nhân do một số văn bản ban hành của TƯ Đoàn chưa nhất quán. Vì vậy đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề phiên hiệu thanh niên xung phong và các chế độ liên quan.

Văn bản do Bộ Xây dựng soạn thảo quy định về tiến độ làm nhà ở cho người có công trên địa bàn Hà Nội năm 2013 cũng cần xem xét lại về tính hợp lý. Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, trong hai tháng, Hà Nội phải làm xong 500 căn nhà cho người có công là việc không tưởng. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, có sự chênh lệch quá lớn về tiến độ thực hiện và công tác rà soát, tính toán nguồn kinh phí đối ứng. Chính sách chăm lo đến người có công sẽ hiệu quả, thiết thực hơn nếu công tác chuẩn bị được thực hiện sớm, có cơ sở khoa học, do đó rất cần tính đến tính khả thi khi ban hành văn bản.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Để xảy ra tình trạng chính sách lỗi hẹn nêu trên là lỗi của cơ quan ban hành văn bản. Không chỉ vấn đề nhà ở cho người có công, chính sách khám chữa bệnh, thụ lý hồ sơ cũng có những điểm cần chỉnh sửa. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan giải quyết một số vướng mắc của Hà Nội trong thời gian qua. Với thể chế làm phát sinh hệ lụy, bất cập sẽ nghiên cứu chỉnh sửa, thậm chí loại bỏ nếu cần.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để quy định cản trở chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.