Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tấm gương về nhân cách và trách nhiệm nghề nghiệp

Thọ Cao| 25/07/2014 06:23

(HNM) - Một trang đời và sự nghiệp đã khép lại với Nguyễn Hồng Lĩnh - tên khai sinh: Hoàng Báu Hoằng, người huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh - nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố. Trái tim của nhà báo Nguyễn Hồng Lĩnh đã ngừng đập vào hồi 3 giờ 28 phút ngày 24-7-2014,


Tôi nhớ tới lần trò chuyện cùng anh bên ly cà phê, được anh kể cho nghe một kỷ niệm khó quên. Đó là cuối năm 1969, khi đang làm Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, anh được cử làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới thay anh Dương Ngà, trong hoàn cảnh chưa học qua một trường, lớp báo chí nào. Đây là một bất ngờ không với riêng anh mà cả với nhiều người. Quyết định như thế có lẽ vì Thường vụ Thành ủy thấy anh đã có quá trình làm công tác thông tin - tuyên truyền: Phụ trách tổ biên tập Sở Tuyên truyền Bắc bộ (1946), Trưởng ban Tuyên truyền khu Hoàn Kiếm, Trưởng ty Thông tin Hà Nội (thời kháng chiến chống Pháp).

Nhà báo Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ hai từ trái sang) với các đồng nghiệp.


Khi đã mạnh dạn nhận là người nhạc trưởng, cầm chiếc đũa chỉ huy, anh dành ra 3 tháng để đọc văn kiện của Đảng, Nhà nước về báo chí, báo cáo, tài liệu nghiệp vụ, các bài báo, tranh thủ đi thực tế và học việc làm báo diễn ra ngày đêm ở tòa soạn. Với một phong cách điều hành tự tin, anh lắng nghe ý kiến, khiêm tốn học hỏi anh chị em trong nghề, cống hiến cho độc giả những thông tin nóng hổi, những trang báo hừng hực sức chiến đấu trong những năm chống Mỹ tới ngày thống nhất non sông. Có thể nói những gì anh có chính là nhờ vào trí tuệ của đồng nghiệp mà anh hấp thu được qua những năm tháng gắn bó máu thịt với anh chị em trong tòa soạn.

Anh làm việc cần mẫn, gương mẫu trong sinh hoạt, sống liêm khiết. Chỉ xin kể một chuyện. Giữa lúc chúng ta ăn thịt theo tem phiếu tính từng lạng mỗi tháng trong thời bao cấp, thì trong một chuyến đi công tác ngoại thành về, khi ô tô nhà báo đã nổ máy, anh Hồng Lĩnh còn lệnh cho anh em đem trả lại Trạm máy kéo Gia Lâm rổ xề thịt lợn khoảng vài chục cân để khỏi mang tiếng. Mà không phải chỉ có một chuyện ấy. Ứng xử ấy, tinh thần ấy không thể có, nếu không có một bản lĩnh dám chịu trách nhiệm đến cùng, khiến anh chị em trong cơ quan ngày càng hiểu và mến phục anh. Ai cũng biết gây được lòng tin đâu phải dễ.

Anh còn là nhân tố đoàn kết anh chị em trên dưới một lòng, không phân biệt phóng viên, nhân viên, bất cứ ai gặp khó khăn trong công tác, ốm đau hoặc có việc vui, buồn, anh đều tìm cách giúp đỡ.

Hôm nay, nghĩ về anh, tôi vẫn chưa quên nhiều chuyện cũ. Nhớ khi mới về, Ban Tổ chức Thành ủy chuyển tới anh một danh sách cán bộ, phóng viên xét cần thì chuyển sang cơ quan khác và sẽ giúp anh thực hiện. Anh nghĩ đây là những nhà báo có tay nghề nên đề nghị giữ anh em lại một thời gian, nếu không phát huy được khả năng, lại gây khó khăn cho cơ quan thì sẽ giải quyết cũng không muộn. Được Ban Tổ chức đồng ý, anh gặp từng người, nói rõ thái độ của Ban Biên tập, động viên, khuyến khích. Số anh em này làm việc ngày càng tốt, có người đến tuổi nghỉ hưu, vẫn được mời ở lại làm thêm khá lâu.

Trong chiến tranh chống Mỹ và trước thời kỳ đổi mới, cơ sở vật chất kỹ thuật của báo và nhà in quá nghèo nàn. Anh đã đề nghị, được báo Người Berlin (Cộng hòa dân chủ Đức) trang bị một phòng ảnh khá hiện đại, Báo Nhân Dân nhường cho một máy in Trung Quốc và Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhường cho hai máy in ốp-sét mới của Mỹ. Nhờ vậy, kỹ thuật in được đổi mới, bộ mặt Báo Hànộimới đẹp hơn trước nhiều.

Kết thúc 19 năm làm Tổng Biên tập, anh Hồng Lĩnh kể cho tôi nghe về "cú" điện thoại lúc sáng sớm của đồng chí Trường Chinh, phê bình Báo Hànộimới đã dùng chữ "sen 8" (chữ nhỏ) để đăng Thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sai nguyên tắc đưa tin về các hoạt động của Quốc hội và Chính phủ. Anh xin nhận khuyết điểm, hứa sẽ họp rút kinh nghiệm. Và anh kết luận: "Khi Tổng Biên tập thực sự là một nghề thì người được giao việc phải biết nghề và có thể thấy nghề Tổng Biên tập không đơn giản".

Tới 10 năm nhận trách nhiệm làm Chủ tịch đầu tiên Hội Nhà báo thành phố. Đối diện với những thách đố, anh chọn khâu đột phá, tập trung mở lối ra, xây dựng Hội từ không đến có. Liên tiếp đạt được thành công chính là do anh biết lắng nghe và vững tin vào tiếng nói từ cơ sở, những cơ quan báo, đài của Hà Nội. Và nét nổi bật ở anh là sự gắn bó mật thiết với hội viên. Anh đã quy tụ được sức mạnh của làng báo Thủ đô với gần 200 hội viên, có những hoạt động phong phú, thiết thực đến quyền lợi và đời sống người làm báo. Đó là việc mở nhiều khóa đại học báo chí tại chức, hàng chục lớp nhiếp ảnh cho hàng trăm nhà báo; tổ chức Giải báo chí Ngô Tất Tố, giải chuyên ngành hằng năm; tổ chức hội thảo và thực hiện 10 đề tài khoa học về báo chí, trong đó có Lịch sử báo chí Thủ đô; thành lập Ban liên lạc nhà báo cao tuổi Hà Nội; tổ chức Hội khỏe truyền thống, được nhiều báo bạn ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố tham gia. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt hằng năm vẫn là việc Hội phối hợp với Ban Biên tập, Chi hội các báo và cơ quan quản lý báo chí thành phố, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho các nhà báo - nhất là những cây bút trẻ mới vào nghề - bằng nhiều hình thức sinh động.

Trong một câu chuyện hàn huyên với tôi, anh Hồng Lĩnh nói: "So với thời tôi là Chủ tịch Hội, tình hình đổi mới nhiều. Số hội viên lên tới gần 800 gồm mấy thế hệ nhà báo, trong đó khoảng một nửa là lớp nhà báo trẻ. Các mặt phong trào đi vào chiều sâu, đạt chất lượng, hiệu quả. Tôi cũng vui mừng thấy Báo Hànộimới có những đổi mới mạnh mẽ, những giải pháp đột phá, ghi ấn tượng, trở thành tờ báo Anh hùng của TP Anh hùng. Tôi biết từ khi rời khỏi trọng trách người đứng đầu Hội Nhà báo thành phố, con người ấy chẳng hề ngưng nghỉ, vẫn nhận việc của thành phố giao với tuổi đời, tuổi Đảng đã vượt cái ngưỡng thời gian cho công việc để nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già. Tôi còn biết ngày nào cũng thế, cứ sáng, chiều anh đi bộ hai vòng hồ Thiền Quang. Tới ngày Hội khỏe do Hội Nhà báo thành phố tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, anh lại tham gia môn đi bộ điền kinh. Nếu tôi không lầm thì những năm làm Tổng Biên tập, anh không năm nào nghỉ phép năm.

Giờ đây, nhà báo lão thành họ Hoàng mang bút danh Hồng Lĩnh - một vùng đất địa linh nhân kiệt ở Hà Tĩnh - đã đi xa!

Chiều 24-7-2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tấm gương về nhân cách và trách nhiệm nghề nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.