Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định hình dáng vóc một đô thị xanh - văn minh - hiện đại

Đặng Vũ Nhật Thăng| 31/07/2014 06:20

(HNM) - Sơn Tây đi vào lịch sử dân tộc với vị thế một vùng đất



Theo suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là từ dấu mốc giải phóng thị xã Sơn Tây ngày 3 tháng 8 của 60 năm trước đến nay, mảnh đất nằm ở trung tâm xứ Đoài này đã tụ hội được nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để trở thành một đô thị xanh - văn minh - hiện đại.

Thị xã Sơn Tây đang dần định hình là một đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh: Trung Hiếu


Kết tinh truyền thống văn hóa, anh hùng

Nhắc đến Sơn Tây là nhắc đến mảnh đất đã sản sinh ra những người con ưu tú, làm rạng danh quê hương, đất nước như Phùng Hưng, Ngô Quyền; Thám hoa Giang Văn Minh - nhà ngoại giao xuất sắc, văn tài thao lược; danh nhân Phan Kế Toại… Sơn Tây cũng là địa danh hội tụ nền "văn hóa xứ Đoài" với những di tích có giá trị lịch sử, văn hóa như Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, Đền Và…; nét văn hóa ẩm thực phong phú được nhiều người biết đến như bánh tẻ Phú Nhi, tương Mông Phụ, gà Mía, kẹo bột Đông Sàng, chè Cam Lâm… Truyền thống yêu nước kết hợp với nét văn hóa đậm chất làng quê Việt đã hun đúc nên những thế hệ người Sơn Tây tài hoa, dũng cảm, kiên cường trước khó khăn, thử thách và không lùi bước trước những thời khắc cam go nhất.

Tinh thần quật cường cách mạng được thể hiện qua các giai đoạn lịch sử mà cao trào là cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, giải phóng thị xã Sơn Tây vào mùa thu năm 1954. Trong những ngày lịch sử hào hùng, ngay tại sào huyệt của kẻ thù, nhân dân Sơn Tây với hình thức đấu tranh biến hóa, tổ chức thành công những trận chống càn quét, phục kích, tập kích ở các địa danh: Bến xe, Mai Trai, Sơn Lộc, Mía… đã làm quân địch hoang mang, lo sợ. Chỉ riêng xã Đường Lâm và phường Viên Sơn đã tổ chức được 66 trận đánh, tiêu diệt hơn 200 tên địch… Những chiến công của quân và dân Sơn Tây đã góp phần cùng cả nước hỗ trợ, chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ mau chóng giành thắng lợi. Ngày 20-7-1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết ở Gienève (Thụy Sĩ). Sự kiện này đánh dấu thắng lợi to lớn cuộc kháng chiến chống Pháp và quan trọng là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta được các nước, kể cả nước Pháp cam kết tôn trọng. Trước tình hình này, quân địch co cụm về trung tâm thị xã Sơn Tây chờ ngày 5-8-1954 rút quân theo quy định. Nhưng, trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, với sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, các huyện trong tỉnh Sơn Tây đã lần lượt được giải phóng. Quân đội viễn chinh Pháp buộc phải rút khỏi Sơn Tây vào ngày 3-8-1954, chấm dứt 71 năm kể từ khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược đất Sơn Tây (1883-1954).

Ngay sau giải phóng, quân và dân thị xã Sơn Tây tiếp tục bắt tay vào hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược vừa sản xuất, vừa chiến đấu với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả cho tiền tuyến lớn, cho miền Nam thân yêu", góp phần đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Những thành tựu sau đổi mới

Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, nhân dân Sơn Tây đã dồn sức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, cùng với thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn Tây đã phát huy tiềm năng, lợi thế và tranh thủ các nguồn lực để phát triển bền vững. Kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 12%/năm. Chỉ trong 5 năm, được sự quan tâm của TP Hà Nội, sự giúp đỡ có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể đã tạo những thời cơ và vị thế mới cho thị xã, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thị xã giai đoạn 2008-2013 đã đạt hơn 8.200 tỷ đồng, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước là hơn 1.700 tỷ đồng, triển khai 760 công trình; còn lại hơn 6.500 tỷ đồng là đầu tư ngoài ngân sách chủ yếu để xây dựng hạ tầng đô thị, các khu đô thị, nhà ở... Các công trình này, cộng với việc thường xuyên chỉnh trang đô thị, cải tạo hạ tầng kỹ thuật các tuyến phố, vườn hoa, công viên, hệ thống đèn chiếu sáng…, thực sự tạo nên diện mạo sáng - xanh - sạch đẹp cho bộ mặt đô thị của Sơn Tây.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thị xã Sơn Tây và xã Đường Lâm, phường Viên Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thị xã Sơn Tây được tặng thưởng 7 Huân chương Kháng chiến; 3 Huân chương Lao động; 3 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong thời kỳ đổi mới, thị xã Sơn Tây được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba.

Nếu như khu vực đô thị có nhiều điểm nhấn thì khu vực nông thôn cũng được đầu tư một cách đồng bộ. Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, Sơn Tây đã có thêm hơn 91km đường bê tông xi măng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, kinh doanh, sản xuất. Ngoài ra, hơn 814,116 triệu đồng đã được huy động từ các cấp cùng với sự đóng góp tiền của, ngày công lao động dồn sức thực hiện các tiêu chí để đến năm 2018, Sơn Tây cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sơn Tây hôm nay đã trở thành địa phương năng động của Thủ đô. Thế mạnh về du lịch - thương mại đã, đang được khai thác hiệu quả với 581 doanh nghiệp, 3.110 hộ đang hoạt động mang lại giá trị từ 401 tỷ đồng (năm 2008) tăng lên gần 900 tỷ đồng (năm 2013). Ngành nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân. Công tác văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm chăm lo. Hiện, thị xã có 23/50 trường đạt chuẩn quốc gia; trên 99% đội ngũ giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn; số học sinh giỏi và học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng hằng năm đạt trên 40%. 15/15 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, cơ sở vật chất tuyến cơ sở từng bước đầu tư hiện đại, bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Hệ thống chính trị được củng cố và ngày càng trong sạch vững mạnh. Đảng bộ thị xã từ một chi bộ với 3 đảng viên, đến cuối năm 2013 có 75 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 8.000 đảng viên. Nhiều năm trở lại đây không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Chính quyền các cấp tập trung đổi mới tác phong, lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành công việc… Đây chính là những thành tựu đặc biệt quan trọng sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 6 năm trở thành một đơn vị hành chính của Thủ đô.

Sẽ trở thành đô thị loại II trong tương lai

Nhìn lại 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Sơn Tây, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ trách nhiệm xây dựng, phát triển thị xã trong tình hình mới. Ở thời điểm kỷ niệm ngày giải phóng, thị xã Sơn Tây vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, cũng tròn 6 năm Sơn Tây trở thành đơn vị hành chính của TP Hà Nội. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của đô thị Sơn Tây cũng như trách nhiệm lớn lao của thị xã đối với Thủ đô hơn 1000 năm tuổi.

Với vị thế và trách nhiệm mới, thị xã Sơn Tây đang nỗ lực triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, với mục tiêu trở thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc TP Hà Nội. Định hướng phát triển thị xã Sơn Tây đã được xác định rất rõ là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế, gắn với bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, các di tích lịch sử, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển đô thị đồng bộ, bền vững, văn minh, hiện đại; bảo đảm an ninh - quốc phòng. Thị xã phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế theo giá trị gia tăng trên địa bàn thời kỳ 2016 - 2020 bình quân đạt 17 - 17,5%/năm, thời kỳ 2021 - 2030 là 16 - 17%/năm. Cơ cấu kinh tế sẽ phát triển theo hướng, giảm nhóm ngành công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và tăng nhóm ngành dịch vụ. Đến năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên khoảng 0,7- 0,8% và ổn định ở thời kỳ 2021 - 2030; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo giai đoạn đến năm 2030 đạt 65 - 70%. Thị xã tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc học để đến năm 2020, có 100% trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp tiểu học và THCS, 80% trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp THPT, đến năm 2030 có 100% trường đạt chuẩn các cấp; phát triển các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ cho người dân.

Thời cơ mới, vị thế mới sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn Tây tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, xứng đáng là trung tâm của xứ Đoài và trở thành đô thị loại II, một đô thị xanh - sạch - đẹp, văn minh, hiện đại trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hình dáng vóc một đô thị xanh - văn minh - hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.