Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác cai nghiện tập trung: “Gặp khó” vì thủ tục

Linh Chi| 28/08/2014 06:18

(HNM) - Từ ngày 1-1-2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, dẫn đến việc xác định và thủ tục đưa người nghiện ma túy vào các trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội để chữa trị, giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Nguyễn Kim Hùng cho biết, Nghị định 111/2013/NĐ-CP về giáo dục người nghiện tại xã, phường, thị trấn và Nghị định 221/2013/NĐ-CP về việc đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc thông qua quyết định của tòa án theo Luật Xử lý vi phạm hành chính có quá nhiều quy định phức tạp, khó khả thi. Trong khi đó, đến thời điểm này mới có Bộ LĐ-TB&XH ban hành thông tư; các bộ, ngành khác chưa có hướng dẫn cụ thể việc đưa người vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau 8 tháng luật có hiệu lực, quy định về kinh phí thực hiện giáo dục tại xã, phường, thị trấn chưa có, các văn bản và biểu mẫu hướng dẫn lập hồ sơ theo nghị định mới chưa được ban hành. Việc lập hồ sơ theo mẫu cũ để đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc không được chấp nhận. Vì những vướng mắc này, từ đầu năm 2014 đến nay, Hà Nội chưa đưa được trường hợp nào vào trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội theo quy định của Nghị định 221.

Theo báo cáo của BCĐ Phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2013, số người nghiện được đưa vào trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội giảm 947 trường hợp, chỉ đạt 19,7% chỉ tiêu năm. Điều này khiến nhiệm vụ phòng chống ma túy tại cộng đồng càng nặng nề hơn.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giao cho tòa án cấp huyện xem xét, quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc theo quy định của Nghị định 221 là khó khả thi. Trong khi đó, công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng không được quan tâm đúng mức. Tại hầu hết các quận, huyện, thị xã, không có hệ thống dữ liệu về tình trạng tái nghiện sau cai. Việc làm cho người sau cai không được chú trọng, nhiều gia đình không có khả năng bố trí việc làm cho con em sau cai nghiện. Trên toàn quốc, việc nghiên cứu tìm biện pháp ngăn chặn sử dụng ma túy tổng hợp, cải thiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai hiệu quả còn rất thấp… Điều này cho thấy, nếu không có giải pháp kịp thời, số người nghiện tại cộng đồng sẽ tăng lên đáng kể.

Tại hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây, Hà Nội đã đưa ra sáng kiến tháo gỡ vướng mắc. Theo đó, trong các trường hợp bị công an bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma túy, có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy, có hồ sơ từng đi cai nghiện bắt buộc từ 2 lần trở lên, hoặc tự nguyện viết đơn xin đi cai nghiện bắt buộc, tự công nhận hoặc có người thân thông báo bằng văn bản về tình trạng nghiện… sẽ đủ điều kiện đưa vào trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội... Đây là giải pháp tình thế trong lúc chờ đợi tháo gỡ khó khăn. Về lâu dài, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cần được chú trọng hơn. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề trong các trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội phải được nghiên cứu cụ thể, lựa chọn những ngành nghề thiết thực, giúp người cai nghiện có thể kiếm sống sau khi ra khỏi trung tâm.

Trong khi chờ tháo gỡ khó khăn, TP Hà Nội đang tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh các đợt cao điểm trấn áp tội phạm ma túy; thí điểm thực hiện trung tâm mở; xã hội hóa công tác cai nghiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và giúp đỡ những người lầm lỡ.

Trước đây, việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp huyện. Từ ngày 1-1-2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, thẩm quyền về lĩnh vực này chuyển cho TAND cấp huyện. Trình tự đưa người nghiện đi cai tập trung gồm: CA cấp xã tiến hành thu thập tài liệu, lập hồ sơ người nghiện chuyển cho trưởng phòng tư pháp cấp huyện, đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, gửi cho trưởng phòng LĐ-TB&XH cùng cấp. Trong 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, trưởng phòng LĐ-TB&XH cấp huyện ra quyết định chuyển hồ sơ đề nghị TAND cấp huyện áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác cai nghiện tập trung: “Gặp khó” vì thủ tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.