Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhập nhèm thực phẩm chức năng với thuốc: Người tiêu dùng gánh hậu quả

Thu Trang| 31/08/2014 06:08

(HNM) - Những ngày qua, thông tin về sản phẩm thực phẩm chức năng An Cung ngưu Hoàng Hoàn do Công ty TNHH Thương mại Mannyon Việt Nam nhập khẩu từ Triều Tiên bị phát hiện có hàm lượng kim loại độc cao hơn nhiều lần so với mức cho phép khiến dư luận lo lắng.



Nỗi ái ngại càng tăng bởi phía sau sự việc này rõ bóng dáng của sự nhập nhèm giữa thuốc và TPCN - điều dễ khiến người dùng rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang".

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm đếm thực phẩm chức năng nhập lậu bắt giữ tại phường Trung Liệt. Ảnh: Hoài Nam


Sự mập mờ tai hại

Ngoài loại TPCN An Cung ngưu Hoàng Hoàn vừa bị cơ quan chức năng ra quyết định tiêu hủy, hiện có 3 sản phẩm cùng tên đã công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Điều đáng nói là tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng có 4 sản phẩm An Cung ngưu Hoàng Hoàn được cấp số đăng ký lưu hành, nhưng là dưới dạng thuốc. Theo các chuyên gia y tế, đó là sự khác biệt đáng kể bởi nếu sản phẩm là thuốc thì sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn, phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ; còn nếu đăng ký dưới dạng TPCN thì sản phẩm không phải đối diện với quy trình kiểm tra chất lượng gắt gao. An Cung ngưu Hoàng hoàn là thuốc hay TPCN, vì thế, trở thành câu hỏi quan trọng, cần phải được làm rõ nhằm tạo cơ sở cho người tiêu dùng lựa chọn chính xác sản phẩm mà mình cần.

Theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện (BV) Trung ương quân đội 108, An Cung ngưu Hoàng hoàn là một bài thuốc quý trong Đông y, đã có từ rất lâu, nếu quy trình sản xuất chuẩn, chỉ định đúng, sử dụng đúng thì sẽ đem lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, hiện nay, do nguồn sản xuất và cung ứng không chuẩn nên có sản phẩm tuy mang tên An Cung ngưu Hoàng Hoàn nhưng thành phần và công thức không bảo đảm, ngay cả thầy thuốc cũng không thể phân biệt thật - giả. Thậm chí, các sản phẩm này có thể mang danh nhà sản xuất nước ngoài nhưng vẫn có hàng nhái, liều lượng, thành phần thuốc không bảo đảm. "An Cung ngưu Hoàng Hoàn là thuốc, định danh TPCN là điều nguy hiểm bởi trong thành phần của nó có thủy ngân, asen, không được phép dùng tùy tiện", bác sĩ Hoàng Khánh Toàn khẳng định.

Vấn đề là tại sao với một sản phẩm thuốc mà cơ quan quản lý lại cho nhập khẩu và đăng ký dưới dạng TPCN? Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Quang Trung, chúng ta dựa vào thông tin từ quốc gia sản xuất, xem họ coi đó là thuốc hay TPCN. An Cung ngưu Hoàng Hoàn được bán ở Hàn Quốc, Triều Tiên dưới tên gọi TPCN thì khi sản phẩm vào nước ta, nó được định danh TPCN. Tuy nhiên, sau việc tiêu hủy lô hàng An Cung ngưu Hoàng Hoàn có chứa độc tố, Cục An toàn thực phẩm sẽ lên kế hoạch kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn, chỉ định đối với toàn bộ TPCN cùng tên với sản phẩm này, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia về việc có tiếp tục cho lưu hành sản phẩm này dưới dạng TPCN hay không.

Theo quy định của Bộ Y tế, TPCN không được ghi hay chỉ định để điều trị bất cứ loại bệnh nào, mà bắt buộc phải có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". TPCN nên dùng phù hợp với thể trạng của từng người, với liều lượng hợp lý. Theo các chuyên gia y tế, cũng như việc ăn uống thừa chất thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng, người dùng không nên uống quá 3 loại TPCN cùng lúc.

Theo các nhà chuyên môn, việc đối chiếu các thành phần cho thấy, về cơ bản, thuốc và TPCN An Cung ngưu Hoàng Hoàn đều như nhau. Nhưng việc được quyền đưa thuốc hay TPCN ra thị trường thì rất khác. Muốn được cấp số đăng ký thuốc thì sản phẩm cần có hồ sơ thử nghiệm lâm sàng, bằng chứng khoa học liên quan đến tác dụng của thuốc, được phê duyệt bởi Hội đồng xét duyệt. Trong khi đó, nếu là TPCN thì không nhất thiết phải có cứ liệu nêu trên, chỉ cần công bố chất lượng và có xét nghiệm chất lượng sản phẩm phù hợp với hồ sơ công bố mà thôi. Bởi thế, sự "nhập nhèm" giữa thuốc và TPCN được cho là giải pháp "lách luật" một cách cố tình của một số doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và giúp việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn.

Sự "nhập nhèm" ấy có thể dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại. Theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, hiện có một số loại thuốc Đông dược được bào chế với những vị độc tính nhưng được cấp phép là TPCN. Đó là điều cần phải được xem xét lại bởi ngay cả với Đông y, nếu trong sản phẩm thành phẩm có dược liệu độc tính thì không thể cấp phép như với TPCN, mà phải là thuốc. Việc An Cung ngưu Hoàng Hoàn được cho nhập với tên gọi TPCN có thể là một sai lầm lớn.

Không thể thả nổi thị trường

Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm TPCN đang được "thả nổi", được quảng cáo quá mức. Nhiều nơi "khoe" TPCN như thần dược, có khả năng chữa bách bệnh nhằm đẩy giá bán lên cao. Không ít người nhẹ dạ đã dốc hầu bao mua "thần dược"... rởm để rồi "tiền mất tật mang", phải nhập viện điều trị vì ngộ độc, dị ứng.

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm liên tục "thổi còi" các sản phẩm TPCN được quảng cáo theo kiểu "thổi phồng". Theo Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam - PGS.TS Trần Đáng, thị trường TPCN hiện đang bị thả nổi. Khác với thuốc - người bán phải có bằng chuyên môn y tế ở cấp độ khác nhau khi quy mô kinh doanh khác nhau, TPCN thì ai bán cũng được, ai kinh doanh cũng được, ai sản xuất cũng được. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh TPCN cấp mã số thẻ cho người không có chuyên môn về tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng, y dược và cử họ đến các địa bàn dân cư để bán sản phẩm. TPCN được bày bán tràn lan trong hiệu thuốc, dễ gây hiểu nhầm; một số bác sĩ thậm chí kê luôn TPCN vào đơn thuốc mà không hướng dẫn cho bệnh nhân biết đó chỉ là TPCN nên dùng chứ không bắt buộc phải dùng. Trong thực tế, nhiều bệnh nhân thiếu hiểu biết đã đánh đồng TPCN với thuốc.

Cũng theo PGS.TS Trần Đáng, một số TPCN được cấp phép nhưng chất lượng rất "tù mù". Có cái sự "lơ tơ mơ" ấy là bởi ta chưa có quy định về tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất TPCN, công thức và thành phần TPCN hết sức tùy tiện, điều kiện lưu hành sản phẩm quá dễ dàng. Do việc cấp phép chủ yếu căn cứ trên hồ sơ nên việc đánh giá chất lượng sản phẩm thiếu cơ sở khoa học, cả về nguyên liệu, hàm lượng hoạt chất, độ tinh khiết…

Liên quan tới TPCN, công tác quản lý không tốt sẽ để lọt sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Việc kiểm soát quảng cáo mang tính chiếu lệ gây ra sự hiểu sai cho người tiêu dùng. Khâu kiểm soát giá được thực hiện không tốt khiến dân mất tiền oan. Đáng nói là sự nhập nhèm giữa TPCN với thuốc, cùng với sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã để "lọt lưới" nhiều sản phẩm TPCN kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Đã đến lúc chúng ta cần nhanh chóng xây dựng quy chế riêng về quản lý TPCN, tạo cơ sở pháp lý để loại trừ bệnh "nhập nhèm" của nhà sản xuất, kinh doanh TPCN, tránh để người dân bị lừa.

Ngày 30-8, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Trần Quang Trung cho biết, Cục vừa ra quyết định thu hồi 3 giấy tiếp nhận đăng ký quảng cáo đã cấp cho các sản phẩm TPCN (gồm: Định Xuyễn Hoàn; Kim Thận Bảo số 2; Kim Thận Bảo số 1) của Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Nam Á. Trước đó, công ty này đã vi phạm quảng cáo các sản phẩm TPCN trên có nội dung không đúng với nội dung đã đăng ký. Ngoài ra, Cục ATTP cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH BZT USA với mức phạt 15 triệu đồng; buộc công ty này chấm dứt hành vi vi phạm và phải tháo gỡ toàn bộ nội dung quảng cáo sai quy định.

Xuân Lộc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhập nhèm thực phẩm chức năng với thuốc: Người tiêu dùng gánh hậu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.