Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không phải giải pháp vạn năng

Hà Phạm| 19/09/2014 06:54

(HNM) - Theo các chuyên gia việc xây hồ điều tiết nước rất cần thiết nhưng chưa phải là giải pháp vạn năng...

UBND TP Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố chủ trì phối hợp cùng với Trung tâm Quản lý nước và biến đối khí hậu (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch không gian điều tiết nước, trong đó có giải pháp quan trọng là xây dựng các HĐT nước.

Một trong những biện pháp giải quyết ngập nước là xây dựng hồ điều tiết trong các khu vực dân cư.


Theo PGS.TS Hồ Long Phi, Phó Trưởng ban Điều hành chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (BĐKH), việc xây bao nhiêu hồ điều tiết nước và xây ở đâu sẽ được tính toán cụ thể hơn trong Quy hoạch không gian điều tiết nước đang được Trung tâm Quản lý nước và BĐKH hoàn thiện. Trước mắt, những khu vực nào có điều kiện thì làm ngay, ví như: Ở ngoại thành, đất còn rộng rãi, có thể nghiên cứu khoanh vùng làm hồ. Ở nội thành, việc xây dựng HĐT sẽ gắn với quá trình chỉnh trang đô thị.

Theo cơ quan chức năng, đến thời điểm hiện tại, có 3 HĐT được đăng ký vốn để thực hiện là HĐT tại Công viên Khánh Hội (quận 4), tại khu vực Gò Dưa (quận Thủ Đức) và khu vực Bàu Cát (quận Tân Bình). Đánh giá về vai trò của HĐT, PGS.TS Hồ Long Phi khẳng định: Mục đích chính của HĐT là hỗ trợ hệ thống chống ngập trong việc ứng phó với các trận mưa vượt tần suất thiết kế đang xảy ra ngày một phổ biến trên địa bàn. Mặt khác, việc xây dựng hệ thống HĐT sẽ góp phần khôi phục và phát triển không gian dành cho nước đã bị lấn chiếm liên tục trong quá trình đô thị hóa.

"Tuy nhiên, HĐT không phải là giải pháp vạn năng và cũng không thay thế cho công tác chống ngập truyền thống đang được thực hiện mà phải tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp này để mang lại hiệu quả trước mắt" - PGS.TS Hồ Long Phi khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để chống ngập toàn diện, lâu dài cho thành phố thì cần sự tham gia của cả cộng đồng dân cư, doanh nghiệp xây thêm bể chứa nước mưa trong nhà hoặc trong công sở. Bể chứa nước mưa vừa làm chức năng chứa nước, chia tải cho hệ thống cống thoát nước, vừa dùng làm nơi trữ nước mưa và người dân có thể dùng nước này cho một số nhu cầu của mình như tưới cây, rửa xe…

Đặc biệt, yếu tố quan trọng để quy hoạch không gian điều tiết nước (trong đó bao gồm cả HĐT) thành công là phải được tích hợp với các đồ án quy hoạch khác, đặc biệt là đồ án xây dựng đô thị và quy hoạch giao thông thành phố.

Đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu

Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh), để giải quyết bài toán ngập nước, một trong những giải pháp quan trọng là phải xây dựng các HĐT chống ngập trong các khu vực dân cư nhằm tiêu thoát nước nhanh khi có mưa hay triều cường dâng cao đột ngột. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc và tính toán thật kỹ bởi xây HĐT trong dân cư không hề đơn giản, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân; đặc biệt, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không phải giải pháp vạn năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.