Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ bị bỏ ngỏ?

Quỳnh Anh| 23/09/2014 08:00

(HNM) - Thời gian qua, liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em xảy ra. Có em bị hành hạ bắt đi ăn xin; có em bị bạo hành đến chấn thương sọ não phải nhập viện… Đau xót hơn, có em bị đánh đập đến tử vong.

Câu hỏi đặt ra là tổ chức chính quyền, đoàn thể địa phương ở đâu, làm gì khi các cháu bé bị bạo hành? Phải chăng công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) đang bị bỏ ngỏ?

Gần 74% trẻ bị bạo hành

Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ và đau xót trước vụ việc bé Kim Ngân, 4 tuổi (trọ tại khu phố Nội Hóa 2, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị bạo hành đến mức mặt mũi thâm tím. Ai cũng xót xa khi nhìn những hình ảnh mặt bé sưng húp, máu đọng quanh hai mắt... Những kẻ dã man gây ra tội ác với bé là Đỗ Trọng Minh (SN 1987, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1988, quê Vĩnh Long). Đáng buồn hơn, Trang lại chính là mẹ ruột của bé Kim Ngân… Trước đó không lâu, cháu Đỗ Doãn Lộc, ở phố Nhà Chung, phường Tiền An, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cũng phải nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mặt sưng phù, có nhiều vết bầm tím trên người do bị đánh đập dã man. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cháu Lộc vẫn không qua khỏi. Nguyên nhân là Lộc bị chính bố đẻ mình là Đỗ Văn Lợi dùng điếu cày đánh đến chấn thương sọ não. Người cha tàn ác này đã bị bắt giữ và bị Hội đồng xét xử án tuyên phạt 20 năm tù.

Trẻ em cần được tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện. Ảnh: Sơn Hà



Trong những năm qua, công tác BVCSTE đã được quan tâm, đầu tư về mọi mặt, nhờ đó cuộc sống và các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị xâm hại về thể chất và tinh thần. Theo Bộ LĐ-TB&XH, bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 3.000-4.000 vụ bạo hành trẻ em. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho thấy có tới 73,9% trẻ em từ 2 tuổi đến 14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; 23,7% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết họ phải chứng kiến chồng mình có hành vi bạo lực đối với con cái…

Hiện đội ngũ làm công tác BVCSTE thiếu về số lượng và yếu về kinh nghiệm. Cấp tỉnh chỉ có 370 người (bình quân 5,87 người/tỉnh, thành phố); cấp huyện có 1.075 người kiêm nhiệm và chuyên trách; cấp xã có 11.522 người, trong đó 10.280 người kiêm nhiệm, 1.242 người chuyên trách.

Làm gì để chấm dứt?

Qua các vụ hành hạ, ngược đãi trẻ em như vụ bé Ngân, cháu Lộc có thể thấy các nạn nhân đều bị bạo hành trong một thời gian rất dài. Thế nhưng chỉ đến khi các cháu bị đánh đập đến thập tử nhất sinh, thân thể đầy thương tích thì vụ việc mới được đưa ra ánh sáng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó không thể không kể đến sự nhận thức không đầy đủ của các bậc cha mẹ và của cộng đồng. Với quan niệm "thương cho roi cho vọt", nhiều cha mẹ đã tự cho mình quyền dạy dỗ con cái bằng bạo lực. Họ biện minh "con hư thì phải dạy", hay "con tôi sinh ra tôi có quyền đánh". Nhận thức không đầy đủ cũng khiến các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố thờ ơ, coi việc trẻ bị đánh đập là việc riêng của mỗi gia đình.

Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Bộ LĐ-TB&XH, những vụ bạo hành trẻ em xảy ra liên tiếp với tính chất ngày càng nghiêm trọng là do đội ngũ những người làm công tác BVCSTE quá thiếu về số lượng và hạn chế về kinh nghiệm; việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá về BVCSTE bị buông lỏng; việc xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin về trẻ bị xâm hại chưa được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm đúng mức, dẫn tới việc can thiệp, trợ giúp khi trẻ em bị bạo hành không kịp thời. "Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí đủ số cán bộ cần thiết làm công tác BVCSTE cấp huyện và cơ sở, đặc biệt thiếu hụt mạng lưới cộng tác viên tại thôn, khu, xóm, ấp. Do đó, việc thu thập thông tin về tình hình trẻ em, trong đó có việc phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc đã bị bạo lực gặp nhiều khó khăn, thiếu kịp thời", ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Ngoài nhận thức của cộng đồng, hệ thống bảo vệ trẻ em mỏng và yếu, điểm yếu hiện nay của nước ta là có nhiều luật nhưng vẫn không bảo vệ được trẻ em bởi thiếu quy định chặt chẽ, chế tài xử phạt nhiều khi không tương xứng. Chỉ thị 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trong đó quy định địa phương nào để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm, nhưng có một thực tế cho đến nay vẫn chưa có người đứng đầu nào chịu trách nhiệm và bị xử lý dù có những vụ việc nghiêm trọng dẫn tới tử vong.

Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, bởi vậy mà việc tìm ra các biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa và bảo vệ để các em thoát khỏi nạn bạo hành là rất quan trọng. Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra các giải pháp bảo vệ trẻ em như: Củng cố và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên BVCSTE; phát triển hệ thống dịch vụ BVCSTE; xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin, quản lý, giám sát đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Những giải pháp này được đánh giá là hết sức thiết thực, tuy nhiên để đi được vào cuộc sống thì cần sự phối hợp triển khai của nhiều cơ quan chức năng. Bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bạo hành là trách nhiệm không của riêng ai mà là của cả cộng đồng và toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ bị bỏ ngỏ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.