Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lao động trở về từ Lybia: Bao giờ được hỗ trợ?

Kim Vũ| 21/10/2014 06:22

(HNM) - Đã hơn 2 tháng kể từ đợt sơ tán đầu tiên, hầu hết người lao động đều chưa được hỗ trợ từ doanh nghiệp và Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước như thỏa thuận ban đầu.

Người lao động và doanh nghiệp: Cùng chờ đợi!

Là người được trở về đợt đầu tiên trong chiến dịch di dời (ngày 17-7), anh Nguyễn Đình Hiệp ở xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An vẫn chưa thoát khỏi trạng thái hụt hẫng. Là lao động chính của gia đình nên trừ ngày mưa to, dù sức khỏe không tốt anh vẫn cố gắng đi làm phụ hồ để trang trải cuộc sống. Anh Hiệp mong muốn tiếp tục được đi lao động tại một quốc gia nào đó để cải thiện cuộc sống nhưng do Công ty cổ phần Simco Sông Đà giữ hộ chiếu, chưa thanh lý hợp đồng, chưa hỗ trợ cho lao động về nước trước thời hạn như thỏa thuận nên mọi việc vẫn "giẫm chân tại chỗ". Cùng hoàn cảnh như anh Hiệp là anh Nguyễn Văn Oanh, Nguyễn Văn Nhạn (ở Hà Tĩnh) cũng trong tình trạng "nóng như lửa đốt" khi vẫn chưa có thông báo gì từ Công ty cổ phần Nhân lực và thương mại Vinaconex.

Những lao động từ Libya trở về.


Trường hợp anh Nguyễn Đình Sang (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cũng tương tự. Hằng ngày phụ giúp bố mẹ với 4 sào ruộng, có việc thì đi làm phụ hồ (130.000 đồng/ngày công) và chờ công ty gọi điện để thanh lý hợp đồng hoặc có phương án đi làm việc ở nước khác hay không. Tuy nhiên, dù đã về nước từ giữa tháng 8, đã điện thoại cho Công ty cổ phần Simco Sông Đà nhưng chỉ nhận được trả lời là "chờ đợi". Phía công ty cũng chưa có phương án đưa lao động đi làm ở nước khác. Số tiền lương của một năm vất vả nơi xứ người chỉ đủ trả nợ ngân hàng nên trở về nhà là… tay trắng. Hàng xóm của anh Sang là Nguyễn Văn Tiến cũng chung cảnh ngộ. Cho đến thời điểm này, số tiền mà các anh được nhận chỉ là khoản tạm ứng 1 triệu đồng/người ngay khi xuống sân bay, cả anh Sang và anh Tiến đang ngóng chờ tin từ phía công ty để sớm ổn định cuộc sống.

Anh Hiệp, Sang, Tiến, Oanh… chỉ là số nhỏ trong 1.753 lao động từ Lybia trở về nước đang mong mỏi chờ đợi các phương án hỗ trợ, thanh lý hợp đồng cũng như dự định cho tương lai. Tuy nhiên, các công ty XKLĐ cũng bày tỏ những khó khăn chưa thể giải quyết. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực và thương mại Vinaconex khẳng định: Đúng là công ty chưa thanh lý hợp đồng hay hỗ trợ cho lao động nào. Phía công ty không gặp khó khăn gì nhưng do phải rà soát lại hồ sơ từng lao động, đồng thời chờ chủ sử dụng lao động ở Lybia chuyển trả tháng lương cuối cùng (380 USD/tháng) và 3 tháng bồi dưỡng (550 USD/lao động), chờ chi hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Cục Quản lý lao động ngoài nước), do vậy sau khi hoàn tất các thủ tục này thì công ty sẽ mời lao động đến nhận một lần để hạn chế tốn kém tiền tàu xe cho người lao động. Về vấn đề này, đại diện Công ty Simco Sông Đà cho biết do chủ sử dụng lao động ở Lybia gặp nhiều khó khăn nên họ chưa chi trả khoản lương tháng cuối cùng, cộng với Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước chưa chi tiền hỗ trợ nên công ty vẫn chưa giải quyết được cho người lao động.

Sẽ sớm có hỗ trợ

Như vậy, những khó khăn, chậm trễ trong việc hỗ trợ cho người lao động đã rõ. Đó là chủ sử dụng lao động tại Lybia chưa chi trả tháng lương cuối cùng như đã hứa. Tuy nhiên, đáng trách hơn cả là sự chậm trễ của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) trong việc triển khai các phương án hỗ trợ cho lao động Lybia theo Quyết định 1012/ QĐLĐTBXH ngày 11-8-2014.

Theo ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc điều hành Công ty Vinamex, ngay từ khi di dời 732 lao động về nước, công ty đã tính phương án ưu tiên những lao động này đi làm việc theo các đơn hàng khác. Cụ thể là đang làm thủ tục nộp visa cho 220 lao động đi làm việc tại Arab Saudi với mức lương cơ bản là 330 USD/tháng, tổng thu nhập khoảng 500 USD/tháng người lao động được trả chi phí ăn ở). Công ty đã thanh lý hợp đồng cho 120 lao động. Gần 400 lao động khác sẽ được giải quyết ngay sau khi có tiền hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Có thể thấy, để sớm tháo gỡ khó khăn cho người lao động thì bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp cũng rất cần sự khẩn trương vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Cục vừa hoàn tất việc thẩm tra hồ sơ mà các công ty XKLĐ trình để giải quyết hỗ trợ cho người lao động. Trong thời gian sớm nhất, Cục sẽ làm ủy nhiệm chi gửi tiền hỗ trợ vào tài khoản của các doanh nghiệp để doanh nghiệp kịp thời trả cho người lao động. Cụ thể theo báo cáo của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước thì số tiền hỗ trợ theo Quyết định 1012 là 3.982.000 đồng cho 1.753 lao động, với mức hỗ trợ thấp nhất là 1 triệu đồng/người, cao nhất là 5 triệu đồng/người, tùy thời gian làm việc 3 tháng, 6 tháng hoặc trên 1 năm.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng khẳng định là không có khó khăn gì trong việc chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động nhưng chậm ở giải quyết thủ tục. Ngay sau khi hoàn tất, Cục sẽ đôn đốc để người lao động sớm được nhận hỗ trợ. Thực tế, việc đưa người lao động về nước từ Lybia lần này đã có kinh nghiệm hơn, mức hỗ trợ đưa ra cũng kịp thời hơn. Tuy nhiên, đối với người lao động đang trong hoàn cảnh khó khăn như lúc này thì số tiền hỗ trợ là vô cùng quý giá. Mong rằng các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ LĐ-TB&XH nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước sớm đến được với người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lao động trở về từ Lybia: Bao giờ được hỗ trợ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.