Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chủ, khách” thiếu mặn mà!

Hương Ly| 22/10/2014 07:08

(HNM) - Liên tiếp trong 3 ngày 18, 19 và 20-10, bốn vụ cháy nổ lớn đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Câu hỏi đặt ra là dù đã có quy định của Chính phủ về việc tham gia bảo hiểm cháy nổ (BHCN) bắt buộc nhằm san sẻ rủi ro khi không may xảy ra sự cố ngoài ý

Bảo hiểm cháy nổ mặc dù đã được quy chuẩn thành luật, song lại chưa nhận được sự quan tâm của người dân.



Bốn vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước cho thấy, hệ thống PCCC tại các vụ việc hầu như đều sơ sài và không bảo đảm. Bên cạnh thiệt hại không thể bù đắp về tính mạng con người, ước tính tổng tài sản bị phá hủy đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong các loại hình BH phi nhân thọ, BH tài sản là một trong những nghiệp vụ truyền thống và khá phổ biến trên thế giới. Khi tham gia BHCN và rủi ro tài sản, khách hàng có thể giảm được thiệt hại nhờ được bồi thường. Tại Việt Nam, từ năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nghị định nêu rõ những cơ sở phải tham gia BHCN bắt buộc gồm: Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng; chợ, trung tâm thương mại; nhà chung cư, khách sạn; rạp hát, rạp chiếu phim, nhà thi đấu thể thao, vũ trường; nhà ga, cảng hàng không; cảng biển… Song trên thực tế, có nhiều rào cản khiến doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và khách mua bảo hiểm chưa thể "gặp nhau".

Đại diện một DNBH cho biết, hệ thống PCCC của nhiều cơ sở hiện nay đều trong tình trạng không bảo đảm, thậm chí không có. Thêm vào đó, ý thức PCCC của đại đa số người dân chưa cao. Nhiều khu chợ, trung tâm thương mại vẫn xảy ra tình trạng người dân đốt vàng mã tùy tiện. Hệ thống điện không bảo đảm an toàn, trong khi hệ thống cấp nước phục vụ cho công tác PCCC đa phần trong tình trạng không đáp ứng yêu cầu. Từ 2 vụ cháy tại Hà Nội vừa xảy ra cũng có thể nhận thấy, hệ thống cấp nước cứu hỏa quá yếu khiến công tác khắc phục hậu quả trở nên khó khăn và góp phần khiến thiệt hại gia tăng. Thực tế này đã khiến tại một số nơi, dù người mua bảo hiểm đã nhận thức được lợi ích của loại hình BHCN và muốn tham gia nhưng DNBH cũng không mặn mà do rủi ro quá lớn.

Trong khi đó, việc mua BHCN theo quy định cũng không đơn giản bởi muốn mua bảo hiểm thì đơn vị phải đạt tiêu chuẩn để được cấp giấy chứng nhận an toàn PCCC. Khi DN đạt chuẩn này thì mới đủ điều kiện để mua BHCN. Thêm vào đó, chi phí mua BHCN bắt buộc quá cao nên DN chưa muốn tham gia. Ngoài ra, do lợi ích khi tham gia BHCN không nhìn thấy được ngay nên nhiều người dân vẫn không "mặn mà" với loại hình BH này.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho thấy, ước tính, cả nước có khoảng 40 nghìn cơ sở có nguy cơ cháy nổ thuộc diện phải mua BHCN bắt buộc, nhưng thực tế, chỉ có hơn 13 nghìn cơ sở tham gia loại hình BH này. Để nghiệp vụ BHCN triển khai hiệu quả, đại diện nhiều DNBH cho rằng, các ngành chức năng cần có chế tài xử lý vi phạm rõ ràng nhằm nâng cao ý thức của các đối tượng thuộc diện bắt buộc phải tham gia bảo hiểm. Phía DNBH cũng cần đẩy mạnh truyền thông để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, chi phí cho công tác PCCC và mua BHCN cũng cần phải được xem như những chi phí cố định khác của DN. Bởi việc làm tốt công tác PCCC sẽ giúp DN yên tâm sản xuất, kinh doanh đồng thời tối thiểu hóa thiệt hại khi rủi ro xảy ra.


Hà Nội: Hai vụ cháy lớn gây thiệt hại trên 130 tỷ đồng

(HNM) - Chiều 21-10, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC cho biết, cơ quan điều tra đã làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh để làm rõ nguyên nhân vụ cháy xảy ra ngày 18-10. Các hoạt động khám nghiệm hiện trường đã được tiến hành. Cơ quan điều tra sẽ công bố thông tin về nguyên nhân vụ cháy trong thời gian sớm nhất. Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, vụ cháy đã gây thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng. Trong đó, Công ty sơn Nippon thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng, Công ty Việt Hà thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Vụ cháy này đã thiêu trụi toàn bộ nhà kho 13.000m2 được hai công ty nói trên thuê chứa hàng hóa. Về vụ cháy ki ốt bên đường Dương Đình Nghệ (phường Yên Hòa, Cầu Giấy), Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, ngày 20-10, việc khám nghiệm hiện trường được tiến hành. Khu vực xảy ra cháy có diện tích khoảng 3.000m2, là khu nhà khung thép, mái tôn được 5 đơn vị sử dụng. Thông tin chưa đầy đủ, thiệt hại ước tính khoảng 3,5 tỷ đồng.

Cũng theo thông tin từ Sở Cảnh sát PCCC, 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 126 vụ (124 vụ cháy và 2 vụ nổ); làm 18 người chết, 14 người bị thương và gây thiệt hại tài sản khoảng 50 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2013, số vụ cháy nổ không tăng nhưng số người chết tăng.

Quốc Bình
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chủ, khách” thiếu mặn mà!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.