Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp đồng mùa vụ, dưới 3 tháng phải được đóng BHXH

Vân An| 23/10/2014 10:53

(HNMO) – Để tránh hiện tượng các DN trốn đóng BHXH cho người lao động bằng các hợp đồng mùa vụ, dưới 3 tháng, các đại biểu Quốc hội đề nghị phải luật hóa việc xác lập hợp đồng bằng văn bản khi thuê lao động có thời hạn dưới 3 tháng, mùa vụ.


Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng 23/10, các đại biểu đánh giá, dự luật trình lần này đã được tiếp thu và giải trình tốt, đảm bảo nguyên tắc đóng- hưởng, hoàn toàn có thể thông qua tại kỳ họp này, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc ràng buộc và đảm bảo trách nhiệm cho người lao động khi được thuê ngắn hạn.

Theo các đại biểu, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp nếu thuê người lao động có thời hạn dưới 3 tháng thì không cần ký hợp đồng văn bản và cũng không phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Điều này khiến nhiều doanh nghiệp “trốn” đóng BHXH cho người lao động bằng cách chỉ xác lập giao kèo thuê trong ngắn hạn như vậy.

Để tránh hiện tượng lách luật này, các đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Quảng Ngãi, Nguyễn Ngọc Phương – Quảng Bình, Hồ Thị Thủy – Vĩnh Phúc, Triệu Thị Thu Phương - Bắc Kạn đề nghị, các doanh nghiệp bắt buộc phải xác lập hợp đồng bằng văn bản khi thuê lao động có thời hạn dưới 3 tháng, mùa vụ. Đồng thời, cần đảm bảo sau 1-3 tháng, nếu doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng với người lao động thì phải tham gia đóng BHXH, như vậy mới đảm bảo nguyên tắc BHXH cho mọi người lao động. Cơ quan quản lý người lao động, chính quyền địa phương, công đoàn… cần tích cực trong tuyên truyền, hỗ trợ người lao động thực hiện chính sách này.


Cũng từ góc độ đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đại biểu Trần Thanh Hải – TP. Hồ Chí Minh đề nghị xem xét tính đặc thù của nhóm đối tượng người lao động là công nhân.

Theo phân tích của đại biểu Hải, trong tổng số 11 triệu người đang tham gia BHXH, công nhân là đối tượng chủ yếu và ngày càng gia tăng về số lượng, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đòi hỏi chính sách BHXH cho nhóm này phải đảm bảo khi nghỉ hưu, họ có mức lương hưu bằng mức sống tối thiểu của người dân. Do đó, dự luật nên cân nhắc mức lương làm cơ sở đóng BHXH căn cứ trên mức lương thực tế của người lao động, chứ không phải là mức lương ghi trên hợp đồng, bởi hiện nay, các doanh nghiệp thường lách luật bằng cách chỉ ghi mức lương tối thiểu trên hợp đồng, thấp hơn nhiều so với thực tế.

"Nếu đóng BHXH trên nền mức lương tối thiểu vùng sẽ làm thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền đóng BHXH mỗi năm và sau này, khi người lao động về hưu, mức lương hưu của họ chỉ bằng 70% mức lương tối thiểu vùng", đại biểu Hải nói.

Đại biểu Hải cũng đề nghị giữ nguyên công thức tính lương hưu và giữ chế độ hưởng BHXH 1 lần như hiện hành, có thể tăng thời gian chờ lên đến 24 tháng.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các ủy ban chức năng của Quốc hội trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp đồng mùa vụ, dưới 3 tháng phải được đóng BHXH

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.