Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hỏi về thi hành án và chất lượng hoạt động xét xử

Hà Phong| 26/10/2014 06:13

(HNM) - Chỉ trong năm 2014, ngành công an đã khám phá 303 vụ án kinh tế, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng...



Đó là thông tin Chính phủ cung cấp tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) ngày 25-10 về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, thi hành án. Tuy nhiên, những dẫn chứng của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lại cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Làm tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cán bộ sẽ góp phần giảm sai phạm trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ảnh: Linh Ngọc


Báo cáo chưa phản ánh hết thực tế

So với báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây nửa tháng, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật và tội phạm; thi hành án bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Bộ Công an phân tích rõ diễn biến tội phạm. Thông tin đáng lưu ý là, năm 2014, tội phạm giết người giảm, nhưng tội phạm mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng. Về tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên các địa bàn trọng điểm, một phần vì người thất nghiệp nhiều; công tác cai nghiện ma túy ở một số địa phương chưa hiệu quả; quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực còn sơ hở.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhận định, việc tranh tụng tại tòa được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc phát hiện các vụ án có tính chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn chưa cao. Trong khi đó, qua báo cáo của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho thấy, công tác thụ lý các vụ án năm 2014 đạt 92,8%.

Chưa bằng lòng với những kết quả đạt được, các ĐBQH cho rằng, báo cáo của Bộ Công an chưa phản ánh được toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và việc xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực của đời sống KT-XH. Báo cáo của Viện KSND Tối cao chưa phân tích rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Báo cáo của TAND Tối cao chưa đánh giá một số nội dung như tỷ lệ tăng số vụ án xét xử có tranh tụng tại phiên tòa, chất lượng tranh tụng, việc áp dụng hình phạt đối với những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản…

Cần tránh sự đã rồi

Dẫn trường hợp vừa qua có phạm nhân đem điện thoại vào trại giam, ĐB Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh) đặt câu hỏi, vậy ở đây có chuyện thông đồng hay là vô trách nhiệm? Theo ĐB Nguyễn Thị Khá, thời gian tới phải làm rõ, xem xét, xử lý từng tổ chức, cá nhân có liên quan để khắc phục tình trạng cơ quan quản lý trực tiếp phạm nhân "không biết" như trường hợp nêu trên. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, bên cạnh công tác giam giữ, công tác xét xử, thi hành án là mảng tối đáng báo động, gây mất lòng tin của người dân, vì vậy cần phải đánh giá thật nghiêm túc vấn đề này, cũng là để tránh sự đã rồi.

Đề cập chi tiết hơn, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Đoàn Vĩnh Phúc) dẫn chứng, qua tiếp xúc cử tri, theo dõi, giải quyết các đơn, thư khiếu nại của người dân, ông có cảm nhận người dân chưa thực sự tin tưởng vào việc đưa ra tòa để xử, phán quyết các đơn, thư có nội dung "kiện" các hành vi của cán bộ, công chức thi hành công vụ mà người dân cho là sai. Với một số vụ việc, ĐB Bùi Mạnh Hùng khẳng định đã cùng các cơ quan chức năng nhiều lần hướng dẫn người dân có quyền khởi kiện ra Tòa Hành chính. Nhưng, khi người dân nộp đơn và hồ sơ lên Tòa Hành chính thì không ít trường hợp bị cán bộ Tòa Hành chính từ chối tiếp nhận vì nhiều lý do khác nhau, với sự hướng dẫn, giải thích thiếu chu đáo, thiếu cụ thể. Hệ quả là khiếu kiện vượt cấp đã xảy ra. Liệu có cách nào để tăng cường giám sát, nâng cao trình độ cán bộ Tòa Hành chính không là câu hỏi ĐB Bùi Mạnh Hùng đặt ra và đề nghị ngành tòa án xử lý rốt ráo.

Một bất cập nữa cũng liên quan đến yếu tố con người mà dư luận băn khoăn, đó là hiện tượng xuê xoa, nể nang, dễ dãi trong bổ nhiệm cán bộ. ĐB Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) phản ánh, UBND cấp xã nhiều địa phương chưa phân công theo dõi người chấp hành án treo, có trường hợp người thi hành án đã bị tòa cấm đảm nhiệm chức vụ nhưng vẫn được chính quyền bố trí chức vụ. Trường hợp đang khiến dư luận quan tâm là số phận ông Phạm Đăng Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND và ông Lê Thanh Liêm, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Cụ thể, tháng 8 năm 2013, ông Hoan và ông Liêm bị tuyên phạt tổng cộng 39 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và 78 tháng thử thách, cấm đảm nhiệm chức vụ trong các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong thời hạn 1 năm do có liên quan đến vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn hồi năm 2012. Dù vậy, vào ngày 17-4-2014, UBND huyện Tiên Lãng đã có văn bản đồng ý với đề xuất ký hợp đồng với ông Hoan và ông Liêm làm cán bộ kế toán và cán bộ địa chính nông nghiệp của UBND xã Vinh Quang. Tương tự, trường hợp ông Nguyễn Văn Chính (xã Xuân Châu, Thọ Xuân, Thanh Hóa) là cán bộ địa chính, vào tháng 5-2012 đã bị tuyên 30 tháng tù treo với tội cố ý gây thương tích nhưng sau khi xét xử, huyện đã cho ông Chính giữ nguyên vị trí công việc nhưng chuyển từ xã Xuân Châu sang xã Thọ Lập.

Theo ĐB Trần Thị Dung, trong khi hàng chục nghìn người tốt nghiệp đại học và chưa có việc làm thì chính quyền các địa phương nêu trên đã ký hợp đồng với những người thi hành án vào làm việc hoặc chuyển xã này sang xã khác để "xoa dịu" dư luận đã khiến người dân đặt dấu hỏi. Điều nghịch lý là hiện tượng này đang diễn ra ngày một nhiều hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện:
Đẩy nhanh tiến độ rà soát đơn, thư kêu oan

Năm 2014, tỷ lệ quyết định các vụ án dân sự bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán giảm, nhưng số lượng các bản án quyết định bị kháng nghị phúc thẩm tăng. Đường lối xét xử án dân sự không thống nhất, mỗi cấp một cách. Có vụ án xét xử 13 lần qua sơ thẩm, phúc thẩm, 3 lần giám đốc thẩm, trong đó 2 lần do hội đồng thẩm phán tòa án tối cao xét xử giám đốc thẩm; đã qua 19 năm, nay lại trở về sơ thẩm, không biết khi nào kết thúc. Việc xét xử như vậy gây mất lòng tin của nhân dân. Đề nghị Chính phủ, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao xử lý có hiệu quả các vụ án, khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm, tránh lạm dụng hình thức tạm giam với những trường hợp không thực sự cần thiết; đẩy nhanh tiến độ rà soát những đơn thư kêu oan, nhất là các trường hợp có mức phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình...

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng):
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp

Phải thẳng thắn thừa nhận, tuy có phát hiện được một số vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chất lượng rất thấp, chỉ hơn mười mấy phần trăm. Nguyên nhân do khối tài sản ấy không phải do người trực tiếp tham nhũng đứng tên mà thường "ẩn", đứng tên bởi những người xung quanh như vợ, chồng, con cái, anh chị em… Đây là vấn đề rất khó, nhưng chúng ta phải có giải pháp với những chế tài cụ thể để điều tra, thu hồi bằng được. Trước hết cần bổ sung quy định, khi kê khai tài sản không chỉ người thuộc đối tượng kê khai phải kê khai tài sản mà những người thân như vợ hoặc chồng, con của người đó cũng phải kê khai. Có như vậy, mới có thể biết tài sản đó đi đâu, nằm ở chỗ nào để tìm hướng xử lý thích hợp.

Bách Senghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hỏi về thi hành án và chất lượng hoạt động xét xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.