Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa quản lý giáo dục nghề về Bộ LĐTBXH: Có hết phân tán?

Vân An| 05/11/2014 11:35

(HNMO) – Mặc dù đã được dự kiến thông qua tại kỳ họp này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề vẫn vấp phải sự lo lắng của nhiều đại biểu khi được đưa ra thảo luận sáng nay, 5/11.


Điều khiến nhiều đại biểu băn khoăn nhất về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề chính là việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật để thống nhất lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và việc phân công quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, GDNN hiện đang bị phân tách thành hai bộ phận do 2 Bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ LĐTB&XH quản lý hệ thống dạy nghề gồm 3 trình độ đào tạo sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề còn Bộ GD&ĐT quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng. Điều này không chỉ dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành chung; dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực cho GDNN, mà còn gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đào tạo.

Vì vậy, việc sắp xếp lại các trình độ đào tạo của GDNN theo hướng hợp nhất trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề; cao đẳng với cao đẳng nghề là việc làm hợp lý và cần thiết. Việc sáp nhập này không những tạo sự thống nhất về các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, khắc phục sự chồng chéo trong đào tạo nguồn nhân lực mà còn tập trung được nguồn lực đầu tư phát triển GDNN và phù hợp với các cấp trình độ đào tạo nghề nghiệp của khối ASEAN, làm cơ sở cho việc công nhận trình độ đào tạo cũng như tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch lao động giữa các quốc gia trong khu vực và với các nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về lao động.

Theo đó, dự luật quy định GDNN gồm 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; giao cho Bộ LĐTB&XH làm đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Góp ý cho dự thảo luật, nhiều đại biểu tán thành với việc sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp như trong dự án luật.

Các đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Bình Thuận, Nguyễn Trung Thu – Long An cho rằng, việc sáp nhập cao đẳng với cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp là cần thiết, đảm bảo tính hội nhập quốc tế trong đào tạo. Đại biểu Thu cũng thống nhất với nhận định rằng, việc phân công quản lý nhà nước hiện nay về GDNN là chưa hợp lý, đang bị phân tách và phát triển theo định hướng khác nhau, dẫn tới nhiều bất cập. Vì vậy, việc thống nhất cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về nghề nghiệp là hợp lý, nhưng phân công cho Bộ nào đảm nhiệm thì cần làm rõ.

“Theo tôi, ai quản lý khong quan trọng, nhưng chúng ta phải làm sao để tránh được tâm lý của anh, của tôi”, đại biểu Thu nói.



Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Tiền Giang cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của dự luật nếu phải bấm nút thông qua bởi những quy định của dự luật sẽ làm thay đổi quá nhiều thực tế hiện nay.

“Nếu thông qua, tôi đề nghị Quốc hội chỉ nên thông qua những điều sửa đổi của dự luật GDNN, còn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh thì cần phải nghiên cứu thêm. Đổi mới giáo dục phải căn cứ trên các yếu tố khoa học, không nên nóng vội, Quốc hội nên lấy ý kiến đại biểu bằng phiếu trước khi thông qua”, đại biểu Bé nói.

Theo đại biểu Bé, tình trạng quản lý Nhà nước yếu kém hiện nay trong lĩnh vực GDNN là do con người, không phải do hệ thống, nếu chúng ta tách ra từng khúc, giao các bộ khác nhau quản lý sẽ làm phân tán và khó khăn trong liên thông cho người học. Đại biểu Bé nhất trí việc gom về một đầu mối quản lý, trong đó Bộ GDĐT buộc phải quản lý các nhiệm vụ về giáo dục, đào tạo.

“Nếu luật giao thêm cho Bộ LĐTBXH lẽ nào không là gánh nặng, không làm phình bộ máy của bộ này?” – đại biểu Bé đặt vấn đề.

Chung quan điểm, các đại biểu Nguyễn Thành Tâm – Tây Ninh, Tôn Thị Ngọc Hạnh – Đắk Nông, Nguyễn Thị Phúc –Bình Thuận, Lê Trọng Sang – TP. Hồ Chí Minh… cũng cho rằng, nếu không có sự thống nhất quản lý về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GDNN thì sẽ không thoát được cái “vòng luẩn quẩn hiện nay”. Đầu tư cho đào tạo nghề của chúng ta còn khiêm tốn, đi ngược so với cơ cấu của thế giới, tình trạng thừa thầy thiếu thợ đã nói điều này. Quản lý nhà nước phải tập trung vào quy hoạch quy mô, ngành nghề, hình thức, phương thức đào tạo phù hợp nguồn nhân lực phát triển đất nước.

Theo các đại biểu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước với GDNN là chưa thuyết phục. Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đảm nhiệm công tác dạy nghề thời gian qua tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đất nước. Các đại biểu đề nghị nên để bộ GDĐT đảm nhiệm việc này, như vậy sẽ tạo sự thống nhất về giáo dục đào tạo với tất cả các cấp học, đào tạo, đảm bảo sự hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, giao Bộ GDĐT khắc phục những bất cập về giáo dục nghề hiện nay, đảm bảo thống nhất, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa quản lý giáo dục nghề về Bộ LĐTBXH: Có hết phân tán?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.