Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể “đẽo cày giữa đường”!

Hà Phong| 28/11/2014 06:08

(HNM) - Thời gian vừa qua có rất nhiều trường hợp thông tư, nghị định hạn chế quyền, tăng nghĩa vụ của người dân, tổ chức; có giá trị thi hành lớn hơn luật. Nguyên nhân do luật chỉ là luật

Thảo luận về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 27-11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, đây là hậu quả tất yếu của việc thiếu đầu tư trong xây dựng văn bản, không loại trừ có lợi ích nhóm. Vì vậy, không nên để tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư tiếp tục tái diễn.

Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng văn bản quy phạm pháp luật vừa thiếu lại vừa yếu. Ảnh: Bảo Lâm


Thông tư "to" hơn luật

8 năm qua, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời. Nhiều ĐBQH cho rằng, luật có hiệu lực nhưng không được thực hiện đúng thời điểm là do chất lượng xây dựng luật còn hạn chế. Thực tế có không ít văn bản được ban hành nhưng không rõ mục tiêu, phạm vi đối tượng điều chỉnh và nguyên tắc xây dựng chính sách dẫn đến những hiểu lầm. Cũng có nội dung dự thảo không đúng với chủ trương, định hướng của người có thẩm quyền ban hành. Việc thiếu định hướng ngay từ khi xem xét đề xuất ý tưởng khiến người soạn thảo như anh "đẽo cày giữa đường". Điển hình như các văn bản quy định chỉ được bán thịt lợn trong vòng 8 giờ sau giết mổ, ngực lép không được lái xe máy...

Người dân, doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở từ chối thực hiện thủ tục hành chính vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn. Người dân còn sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định vì trong không ít trường hợp, thông tư dành thuận lợi cho cơ quan quản lý, hạn chế quyền, mở rộng nghĩa vụ cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh. Tuy nhiên, theo các ĐB Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), Bùi Ngọc Chương (Đoàn Cà Mau) thì hướng xử lý những tồn tại đang đặt ra trong dự thảo luật chưa thực sự rõ ràng. Đặc biệt, chương trình xây dựng chính sách với quy trình xây dựng luật còn chung chung.

Tránh luật "khung", luật "ống"

Giải pháp tránh luật "khung", luật "ống"; đồng thời hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng luật, pháp lệnh chờ văn bản hướng dẫn đã được nhiều ĐBQH đề xuất. ĐB Ngô Đức Mạnh (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, phải huy động đội ngũ chuyên gia, nâng cao hơn nữa vai trò của Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp và có cơ chế phối hợp giữa Hội đồng thẩm định với Hội đồng chính sách pháp luật quốc gia. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) đề xuất, quy định ngay trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về định hướng xây dựng luật là: Hạn chế những quy định, quá chung chung; đồng thời tăng cường giám sát để nâng cao trách nhiệm và lập lại kỷ cương trong thực thi pháp luật. Nâng cao vai trò của Chính phủ trong hoạch định chính sách. "Tôi đồng thuận với Ủy ban Pháp luật của QH là đề nghị đưa vào dự thảo luật quy định theo hướng Chính phủ có trách nhiệm phân tích chính sách và thể chế thành các quy định trong các dự thảo văn bản pháp luật và dự kiến chương trình luật, pháp lệnh trình QH. Vì Chính phủ cùng với các bộ, ngành là cơ quan hành pháp điều hành mọi công việc hằng ngày của đất nước, có khả năng nhận biết sớm các vấn đề có thể phát sinh trong cuộc sống để đưa vào luật điều chỉnh". - ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nói.

Cho rằng công tác xây dựng pháp luật không thể phụ thuộc vào ý thức chủ quan của cơ quan soạn thảo luật, mà là một lĩnh vực khoa học, ĐB Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị luật phải là chế định không quy định nguyên tắc chung. Theo nhiều ĐBQH, các bộ, ngành vẫn là những cơ quan soạn thảo pháp luật chủ yếu. Tuy nhiên, quy trình soạn thảo văn bản hiện hành cho thấy rõ những bất cập về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Một mâu thuẫn nữa là bộ, ngành vừa là cơ quan đề xuất, soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện vừa là cơ quan quản lý nhà nước nên không loại trừ khả năng có lợi ích nhóm, dù vấn đề này không có đơn vị nào công nhận. Vì vậy, dự thảo luật cần có quy định giới hạn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành để vừa tránh nhiều cách hiểu khác nhau trong dư luận; vừa bảo đảm tập trung thực thi đầy đủ quyền lập pháp của Quốc hội và quyền ban hành văn bản hướng dẫn luật của Chính phủ.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình):
Tách xây dựng chính sách với soạn thảo văn bản

Thể hiện thêm quy trình xây dựng chính sách trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một nội dung mới của dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, cách thể hiện trong dự thảo luật chưa thực sự rõ ràng, nên khó tạo đột phá trong công tác xây dựng luật. Tôi cho rằng nên tách quá trình xây dựng chính sách với quá trình soạn thảo văn bản làm 2 khâu rõ ràng, tập trung nhân lực thực hiện sẽ giảm thiểu việc QH phải mất thời gian thảo luận tại tổ và hội trường để sửa kỹ thuật văn bản như hiện nay.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội):
Quyền sáng kiến lập pháp của ĐBQH đang bị “treo”

Quy định ĐBQH thực hiện sáng kiến lập pháp đã có. Nhưng dự thảo luật đã nêu một cách lồng ghép với thẩm quyền của các chủ thể khác, thiếu rõ ràng. Tôi đề nghị quy định nội dung này thành một chương riêng, hoặc một mục riêng trong dự luật. Nếu ban soạn thảo không làm được, sau khi ban hành luật này, QH cần ban hành một nghị quyết riêng quy định đầy đủ về cơ chế, cách thức, điều kiện để ĐBQH thực hiện quyền hiến định quan trọng này mà trước nay chỉ là quy định treo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể “đẽo cày giữa đường”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.