Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền cần tham vấn cộng đồng dân cư và doanh nghiệp

Tuấn Lương| 28/11/2014 11:45

(HNMO) - Sáng nay (28-11), tại TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã diễn ra Hội thảo Quốc gia “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh để phát triển kinh tế địa phương”.

Hội thảo do Hiệp hội Đô thị Việt Nam (ACVN) phối hợp với Liên đoàn đô thị Canada tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như lãnh đạo các thành phố của Việt Nam.


Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), số lượng đô thị của Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ 629 vào năm 1999 lên tới 772 vào năm 2014. Dự kiến, số lượng đô thị sẽ tiếp tục phát triển đến con số 870 vào năm 2015 và 960 vào năm 2020. Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 cũng đã xác định đô thị là lĩnh vực được ưu tiên cao, trong đó xác định các nhiệm vụ cụ thể cần được thực hiện đối với khu vực đô thị như xây dựng các khung chính sách đô thị hóa xanh, rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể các đô thị từ cách tiếp cận đô thị, cải tạo các đô thị đạt mức trung bình trở lên về chỉ số xanh.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để đánh đổi cho tăng trưởng kinh tế một cách nhanh chóng, các địa phương đều đã phải trả những cái giá to lớn về môi trường tự nhiên và môi trường sống. PGS.TS Vũ Thị Vinh-Tổng thư ký ACVN cho rằng, sự thành công hay thất bại của việc xây dựng, phát triển ở các đô thị phụ thuộc rất lớn vào vai trò và ý chí quyết tâm của chính quyền đô thị thông qua những chính sách, cơ chế về đầu tư, tài chính, huy động mọi nguồn lực từ mọi tầng lớp nhân dân và từ khu vực tư nhân. Lập kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế của mỗi đô thị cũng chính là công cụ kế hoạch quan trọng để huy động và phân bổ nguồn lực khan hiếm của địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu ưu tiên và góp phần xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Để phát triển được kinh tế mà vẫn bảo đảm xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, bền vững, ông Brian Proskurniak-Giám đốc Cơ quan ngoại giao, thương mại và phát triển Canada khuyến cáo: chính quyền các địa phương cần phải lắng nghe các doanh nghiệp, từ đó đưa ra được các chương trình phát triển kinh tế phù hợp nhằm vừa tăng trưởng kinh tế, vừa giảm thiểu chi phí cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường sau này. Bên cạnh đó cần có sự tham vấn người dân và các tổ chức xã hội. Sự tham gia nhiều hơn của người dân sẽ giúp chính quyền thành phố đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp với quyền lợi của người dân và sự bền vững của đô thị trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền cần tham vấn cộng đồng dân cư và doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.