Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi điều không hay xảy ra, lao động di cư luôn là người thiệt thòi

H.Đ| 18/12/2014 13:23

(HNMO) - Ngày Quốc tế về người di cư (18/12) là dịp để chúng ta nhìn nhận lại không chỉ vai trò quan trọng của hoạt động di cư, mà còn cả những thách thức mà người lao động phản ánh về điều kiện công việc và sinh hoạt của họ trong khi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, với nhiều người lao động, cơ hội luôn đi đôi với những thử thách vô cùng phức tạp, như phải tìm đến đâu để được hỗ trợ khi gặp phải các vấn đề khó khăn.

Theo một báo cáo nghiên cứu cơ sở dữ liệu ban đầu vào năm 2011 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), không người lao động nào nắm được thông tin về các chi phí cụ thể để đi làm việc ở nước ngoài hoặc họ cũng không biết chút thông tin nào về quy định của Chính phủ liên quan đến tiền dịch vụ, tiền môi giới cũng như các khoản chi phí phải được hoàn trả. Một nửa trong số 300 người được hỏi không biết họ nên đi làm việc ở nước ngoài thông qua kênh nào và 95% trong số họ không biết họ có quyền được cất giữ hộ chiếu trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Khả năng người lao động làm việc ở nước ngoài có thể tiếp cận cơ chế khiếu nại là một vấn đề tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, ghi nhận. Đây là một vấn đề khó, phức tạp đối với tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan và gần đây, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về nôi dung này.

Khi lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được chi trả mức tiền lương thấp hơn quy định, bị bóc lột hoặc không được chi trả bồi thường thương tật khi làm việc, việc tiến hành các thủ tục khiếu nại, tố cáo đối với họ là một việc khó hoặc mất rất nhiều thời gian đối với cả người lao động và các chính quyền địa phương. Những rào cản họ có thể gặp phải trong quá trình khiếu nại, tố cáo bao gồm việc thiếu hiểu biết về quyền của mình, không biết phải liên hệ với cơ quan nào để được hỗ trợ, các khoản chi phí cao có liên quan, hoặc sợ những hệ quả bất lợi từ phía người sử dụng lao động như bị cắt giảm giờ làm việc.

Người lao động cũng có thể gặp phải nhiều khó khăn trong việc thu thập các bằng chứng để hỗ trợ cho quá trình khiếu nại của mình. Điều này có thể do họ không có bản sao các hợp đồng cũng như các giấy tờ liên quan, sự khác biệt về các điều khoản trong hợp đồng mà người lao động đã ký với công ty đưa đi và người sử dụng lao động tại nước ngoài, hoặc những vấn đề khó khăn khác như hạn chế về khả năng ngoại ngữ.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng có thể gặp phải nhiều vấn đề trong việc làm thế nào để xử lý khiếu nại, tố cáo một cách có hiệu quả và cách thức phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý. Đặc biệt, các doanh nghiệp tuyển dụng đóng một vai trò quan trọng trong việc kịp thời cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan để hỗ trợ quá trình xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến người lao động.

Trong khuôn khổ Dự án Tam giác (nhằm bảo vệ người lao động Việt Nam trong và từ khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng khỏi bị bóc lột lao động), ILO đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Hội Trợ giúp pháp lý cho người nghèo Việt Nam rà soát cơ chế khiếu nại hiện hành đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài và đưa ra giải pháp nhằm tăng cường khung pháp lý về nội dung này.

Kết quả ban đầu của nghiên cứu cho thấy, trong số 44 người lao động trở về nước trước hạn gặp khó khăn trong khi làm việc ở nước ngoài được phỏng vấn, 30% trong số họ cho biết họ quyết định không khiếu nại vì họ không biết phải nộp đơn khiếu nại tới cơ quan nào hoặc cho rằng họ có thể không nhận được sự hỗ trợ nào nếu khiếu nại. 30% trong số họ đã gửi đơn khiếu nại tới doanh nghiệp dịch vụ hoặc chính quyền địa phương và cho biết họ đã nhận được sự phản hồi, tuy nhiên, 100% cho rằng khiếu nại của họ không được giải quyết một cách thoả đáng.

Ngày Quốc tế về người di cư (18/12) là dịp để chúng ta nhìn nhận lại không chỉ vai trò quan trọng của hoạt động di cư, mà còn cả những thách thức mà người lao động phản ánh về điều kiện công việc và sinh hoạt của họ trong khi làm việc ở nước ngoài. Để tiếp tục giải quyết những thách thức nói trên, tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan cần phối hợp cùng nhau để đảm bảo người lao động di cư được bảo vệ và lợi ích của việc di cư lao động sẽ ngày được tăng cường và đảm bảo trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi điều không hay xảy ra, lao động di cư luôn là người thiệt thòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.