Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe buýt cho nữ giới ở Hà Nội - Đề xuất phải phù hợp với thực tế

Tuấn Kiệt| 29/12/2014 11:34

(HNMO) - Câu chuyện về một đề xuất xây dựng tuyến xe buýt dành riêng cho nữ giới tại Hà Nội đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong tuần qua.


Thực tế là ý tưởng được đưa ra sau khi Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam, ActionAid quốc tế tại Việt Nam công bố kết quả khảo sát trong một hội thảo, có 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) cho rằng đường phố là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt, 20% người chứng kiến trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không hành động gì. Mà ngay chính hội thảo này nội dung của nó cũng không phải tập trung vào vấn đề quấy rối tình dục trên xe buýt. Theo giải thích của một chuyên gia về nghiên cứu giới và gia đình thì “các thông điệp hội thảo hướng tới là xây dựng thành phố an toàn và thân thiện dành cho trẻ em gái, bao gồm nhiều vấn đề trong đó có giao thông và các phương tiện công cộng”.

Vấn đề như vậy dường như đã khá rõ ràng. Việc một vị Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội căn cứ trên cơ sở điều tra xã hội học từ đó đề nghị doanh nghiệp vận tải nghiên cứu làm tuyến xe buýt riêng dành cho phụ nữ, xét cho cùng cũng chỉ căn cứ vào số liệu … khảo sát tại hội thảo này. Tuy nhiên, kết quả đó mới chỉ là khảo sát trên một nhóm nhỏ, 2.046 người. Thế nên, nó còn thiếu tính thuyết phục, chưa phù hợp thực tế. Bí thư Thành ủy Hà Nội sau khi xem xét đã chỉ đạo dừng việc đề xuất của vị Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Hiện tại Hà Nội không có chủ trương thực hiện tuyến buýt dành riêng cho nữ giới. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Giadinh.net.vn)


Vấn đề là với Thủ đô luôn có nhiều người quan tâm đề xuất các giải pháp, biện pháp nhằm xây dựng phát triển. Lãnh đạo thành phố cũng luôn trân trọng lắng nghe, nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng. Điều này thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của các nhà quản lý. Đây là cách suy nghĩ tích cực, cho thấy thái độ rất có trách nhiệm của lãnh đạo thành phố Hà Nội đối với những vấn đề liên quan đến chỉ đạo điều hành, hoạt động xã hội cũng như những bức xúc của người dân trong cuộc sống hàng ngày.

Trên thế giới, những “góc riêng cho nữ giới” không phải chuyện lạ, đó là những mô hình xe buýt riêng, bãi đỗ xe riêng cho phụ nữ... Song, những mô hình ấy có phù hợp với điều kiện trong nước hoặc ở Thủ đô Hà Nội hay không thì cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, sát với thực tế và do đó phải khả thi. Sự thực thì “xe buýt cho nữ giới” cũng mới là ý tưởng đang được đề xuất nghiên cứu. Còn nếu có mở tuyến xe buýt này, các cơ quan chức năng còn cần phải nghiên cứu một cách tổng thể nhiều mặt, trên tình thần phù hợp yêu cầu thực tế. Vì vậy, trước một đề nghị dù nhiệt tình đến đâu lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng phải xem xét, cân nhắc, nghiên cúu, thẩm định một cách khách quan, khoa học mới quyết định. Theo tinh thần đó, đề xuất nào phù hợp thì thành phố đồng ý, đề xuất nào không phù hợp (dù nhiệt tình đến đâu) thì không thể chấp nhận. 

Nếu chỉ căn cứ trên kết quả điều tra xã hội học được thực hiện theo cách ngẫu nhiên với vài trăm, vài nghìn người mà cho triển khai ngay thì không khách quan, không đại diện cho tất cả. Riêng với “nạn quấy rối”, lý do mà dư luận chưa đồng tình cũng bởi mức độ quấy rối tình dục trên xe buýt Hà Nội tại thời điểm hiện nay chưa phải là vấn đề bức xúc, nổi cộm. Điều này cũng có cơ sở theo số liệu của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, trong số trên 43.000 thông tin phản ánh của hành khách tới đường dây nóng Tổng công ty từ ngày 1/4 đến 31/11/2014 chỉ có 5 phản ánh liên quan đến quấy rối tình dục, chiếm tỉ lệ 0,4% trong số vụ phản ánh về chất lượng dịch vụ và 0,01% trong tổng số cuộc gọi khách hàng gọi đến đường dây nóng của công ty. Tức là với 10.000 lượt khách hàng phản ánh chỉ có 1 lượt khách phản ánh về tình trạng liên quan đến quấy rối tình dục. Đặc biệt, cũng theo thống kê này thì “chưa có vụ nào nghiêm trọng mà chỉ ở lời nói khiêu khích hoặc cử chỉ thiếu văn hóa”.

Cách đây không lâu, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị là người đã đích thân lên một chuyến xe buýt chật ních. Ông chọn vị trí đứng gần cửa xuống phía cuối xe và trò chuyện với hành khách đứng cạnh. Ông hỏi người dân về cuộc sống, công việc và tất nhiên cả câu hỏi “vì sao chọn xe buýt là phương tiện đi lại trong thành phố”, “đánh giá như thế nào về an ninh, an toàn trên xe buýt”... Như vậy hẳn rằng Bí thư Thành uỷ cũng cảm nhận được, hiểu được thực trạng của xe buýt ở Thủ đô. Và trước một ý kiến dù cũng nhằm để phục vụ tốt hơn cho người dân như “xe buýt riêng cho nữ giới”, chính Bí thư Thành ủy cũng đã cân nhắc, suy xét kỹ lưỡng và cho rằng chưa cần thiết trong thời điểm này.

Hiện tại lãnh đạo Hà Nội không có chủ trương thực hiện một số tuyến buýt dành riêng cho phụ nữ. Đó là khẳng định cuối cùng về câu chuyện tranh cãi trong dư luận tuần qua. Ở đây, chúng ta đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của lãnh đạo thành phố trước các thông tin phản ánh của người dân về hiện tượng bức xúc. Còn với xe buýt, vấn đề quan trọng trước mắt sẽ vẫn là nâng cao chất lượng, các lực lượng tham gia phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách, phải bám sát, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm an ninh, hành vi quấy rối phụ nữ. Nếu cải thiện được tình trạng chen chúc, bố trí các chỗ ngồi hợp lý, nâng cao chất lượng phục vụ, trong đó bảo đảm an ninh hành khách thì sẽ nạn quấy rối tình dục không có đất sống đồng thời ngăn chặn cả các hành vi xấu khác trên xe buýt!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe buýt cho nữ giới ở Hà Nội - Đề xuất phải phù hợp với thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.