Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động cải thiện nhiều chỉ số

Phong Thu| 05/02/2015 06:20

(HNM) - Công tác cải cách hành chính (CCHC) đã đạt được những kết quả quan trọng, song cần tiếp tục phát huy sự chủ động, quyết tâm để hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án đã được giao.


Đó là nội dung được nêu ra trong hội nghị tổng kết năm 2014 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình số 08-CTr/TU về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) giai đoạn 2011-2015" diễn ra chiều 4-2. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ Chương trình 08-CTr/TU Ngô Thị Doãn Thanh chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cùng dự.

Các chỉ số đánh giá đều tăng

Báo cáo kết quả công tác năm 2014 của BCĐ Chương trình số 08-CTr/TU do Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn trình bày cho thấy, đến thời điểm này, các nhiệm vụ, đề án theo Chương trình số 08-CTr/TU và Kế hoạch của UBND thành phố về CCHC giai đoạn 2011-2015 đều được tổ chức, triển khai thực hiện đạt kết quả; hầu hết các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã cơ bản hoàn thành. Việc tổ chức triển khai thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của CBCCVC. Từ việc thực hiện Chương trình 08-CTr/TU, thời gian qua, các chỉ số đánh giá đều có sự cải thiện. Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2013 của thành phố được Bộ Nội vụ đánh giá đạt kết quả cao. TP Hà Nội tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu về CCHC, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, tăng 2 bậc so với năm 2012 (năm 2012 đạt 82,77%, năm 2013 đạt 85,43%). Có 5 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2012, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa hành chính. Đặc biệt, tiêu chí sáng kiến trong triển khai công tác CCHC được Bộ Nội vụ cho điểm tuyệt đối. Một số tiêu chí thành phần khác cũng được xếp hạng cao như: Điểm điều tra xã hội học đối với tiêu chí về chất lượng công chức của TP Hà Nội thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; điểm điều tra xã hội học về thái độ phục vụ của công chức Hà Nội đạt điểm cao nhất cả nước (cùng với Hải Phòng); điểm điều tra thái độ phục vụ của công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xếp vị trí thứ 2 cả nước... Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 của thành phố có sự cải thiện đáng kể (tăng 18 bậc so với năm 2012, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá). Chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam năm 2014 xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.

Điểm nhấn nữa là Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên chủ động triển khai thực hiện Đề án "Thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố". Đến nay, thành phố đã tổ chức công bố danh mục dịch vụ công và khai trương bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch số 2 Hà Nội. Đây chính là tiền đề để nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân tại tất cả các điểm có giao dịch về TTHC. Trong việc thực hiện xác định vị trí việc làm, TP Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước về triển khai sớm, tích cực thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ. Đến nay, 100% cơ quan hành chính của thành phố đã xây dựng xong đề án vị trí việc làm, đang trình Bộ Nội vụ phê duyệt. Các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố cũng đã xây dựng đề án vị trí việc làm và đang trong quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện.

Chủ động và quyết tâm

Có thể thấy, thời gian quan, BCĐ Chương trình 08-CTr/TU đã làm việc với tinh thần nghiêm túc và bài bản. Các cuộc họp giao ban được BCĐ duy trì đều đặn hằng quý nhằm đánh giá và đôn đốc việc thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, BCĐ đã chủ động, tham mưu với Thành ủy lồng ghép các nội dung, chuyên đề về CCHC tại các cuộc họp của các cấp, trong đó tập trung vào vấn đề phân cấp việc xử lý công việc cũng như các giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ CBCCVC. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân hiểu rõ hơn về CCHC và CBCCVC có thái độ, kỹ năng ứng xử phù hợp. BCĐ Chương trình 08-CTr/TU cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Riêng năm 2014, BCĐ đã kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình 08-CTr/TU tại 12 cơ quan, đơn vị. Các thành viên BCĐ chủ động bám sát lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách để đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao. Các ban, ngành, UBND các cấp tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra, qua đó, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót về công tác CCHC.

Bên cạnh kết quả đạt được, BCĐ Chương trình 08-CTr/TU thẳng thắn nêu ra những hạn chế. Đó là dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 của TP Hà Nội tăng 18 bậc so với năm 2012 nhưng một số tiêu chí đánh giá còn thấp, chưa có sự cải thiện đáng kể như: tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính năng động và tiên phong của các cấp chính quyền; chi phí không chính thức… Việc xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút đầu tư còn chậm; số lượng các TTHC thực hiện theo cơ chế "một cửa liên thông" còn ít do các cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì chưa xây dựng quy trình liên thông…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU Ngô Thị Doãn Thanh lưu ý, Chương trình 08-CTr/TU kết thúc vào thời điểm Đại hội Đảng bộ thành phố (khoảng quý IV-2015) nên dự kiến sẽ tổ chức tổng kết chương trình vào quý II-2015. Từ nay đến hết nhiệm kỳ, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tham mưu và hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án đã được giao. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công, triển khai có hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" theo hướng hiện đại. Sở Nội vụ cần rà soát, bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của TƯ về số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế "một cửa". Bên cạnh đó, cần đánh giá hiệu quả việc thí điểm thực hiện cơ chế "một cửa" trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố để tiếp tục nhân rộng mô hình, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động cải thiện nhiều chỉ số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.