Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có chuyện đánh nhau tại Lễ hội Gióng

Việt Nga| 03/03/2015 17:32

(HNMO) - Chiều ngày 3-3, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức giao ban báo chí thông tin về việc phục vụ của ngành giao thông vận tải trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 và việc tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn.


Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, ngành phối hợp với Công an Thành phố các chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao thông tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn…do vậy trong những ngày giáp Tết đã không xảy ra ùn tắc giao thông lâu. Thành phố cũng không có những sự cố đáng kể xảy ra liên quan đến tai nạn giao thông. Ngành cũng bố trí, đáp ứng các phương tiện vận chuyển để bảo đảm không xảy ra cảnh người dân bị lỡ tàu xe.

Kết quả, từ ngày 10-2 (22 Tết âm lịch) đến 18-2 (30 Tết) vận tải hành khách liên tỉnh đã thực hiện 35.300 lượt chở 693.000 lượt khách, tăng cuờng thêm 329 xe; xe buýt đã thực hiện 114.000 lượt xe chở trên 10.8 triệu lượt khách; taxi đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Thanh tra Sở GTVT cũng đã tăng cuờng kiểm tra, xử lý vi phạm 584 trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải; phạt tiền 1,54 tỷ đồng; tạm giữ 10 phương tiện, tước 77 giấy phép lái xe. Trong 3 ngày Tết (19 đến 21-2, tức mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết) các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh, taxi, xe buýt cũng đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân với việc vận chuyển hàng trăm nghìn lượt khách di chuyển an toàn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Vào những ngày sau Tết Nguyên đán, việc vận chuyển hành khách đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Cụ thể, từ ngày 21-2 đến ngày 23-2 vận tải hành khách liên tỉnh đã thực hiện 5.800 lượt xe chở 80.000 luợt hành khách; xe buýt thực hiện 26.400 lượt xe chở 1,6 triệu người. Lực lượng thanh tra giao thông cũng đã xử lý 140 trường hợp vi phạm trật tự giao thông đô thị; phạt tiền gần 207 triệu đồng; tạm giữ 11 phuơng tiện; tước 40 trường hợp giấy phép lái xe. Trong các ngày từ 14-2 (26 Tết) đến 23-2 (mồng 5 tết) trên địa bàn Thành phố xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông làm 11 người chết, 8 người bị thương, giảm 10 vụ (giảm 50%) và giảm gần 50% số người chết so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại buổi giao ban báo chí, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cũng đã thông báo về tình hình tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn. Theo đó, từ năm 1989 Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước đã ban hành quy chế về tổ chức lễ hội và tiếp tục được bổ sung, sửa chữa cho đến nay. Đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện quản lý việc tổ chức lễ hội tương đối nề nếp. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại khó tránh khỏi.

Về thông tin một số cơ quan báo chí đưa tin xảy ra đánh nhau ở một số lễ hội như Hội Gióng… Phó Trưởng ban Tuyên giáo Phan Đăng Long khẳng định không có chuyện đánh nhau ở lễ hội này. Theo ông Long, ở một số lễ hội có tục “cướp” lộc và đây được coi là hành động mang ý nghĩa tâm linh thể hiện sự mong muốn gặp may mắn của người dân, du khách, cho nên thường thu hút đông đảo người dân tham gia, do vậy không tránh khỏi xô xát ngoài ý muốn nhưng không có chuyện đánh nhau.

Cũng theo ông Phan Đăng Long, cả ban tổ chức lễ hội, công an địa phương cũng khẳng định không có chuyện người dân đánh nhau ở lễ hội như báo chí đưa tin. Vị lãnh đạo Ban Tuyên giáo cũng cho biết trong việc đưa tin về lễ hội, một số cơ quan báo chí đã sử dụng ảnh cũ từ các lễ hội của những năm trước nên thông tin không chính xác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có chuyện đánh nhau tại Lễ hội Gióng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.