Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ "núi tiền" chống ngập: Cần cân nhắc kỹ

Bài, ảnh: Trọng Ngôn| 04/03/2015 07:00

(HNM) - Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã dành rất nhiều công sức và tiền của để đầu tư các dự án chống ngập. Sắp tới, hàng chục nghìn tỷ đồng tiếp tục

Còn nhiều thách thức

Khu vực thấp trũng của TP Hồ Chí Minh rộng tới khoảng 255.000ha. Ngoài ra, thành phố còn có khoảng 80.000ha tiếp giáp với tỉnh Long An vốn là khu vực nằm ở vùng cửa sông của nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai nên chịu ảnh hưởng mạnh của biến động dòng chảy, đặc biệt là dòng thủy triều. Hiện TP Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu đến hết năm 2015 phải xóa được 58 điểm ngập do mưa, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để xóa tiếp 11 điểm ngập còn lại. Tuy nhiên, tình trạng tái ngập vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Cụ thể, đã phát sinh nhiều điểm tái ngập do triều cường trong năm 2014, nhất là khu vực ngoại thành. Bên cạnh đó, việc xóa điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập khác đang là thách thức không nhỏ của thành phố, đặc biệt là các điểm tái ngập do mưa.

Chống ngập đang là bài toán nan giải nhất của TP Hồ Chí Minh.


Với tốc độ đô thị hóa trong giai đoạn hiện nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu không lường trước được, mức độ ảnh hưởng do ngập sẽ tác động gây cản trở đến sự phát triển đô thị ngày càng trầm trọng. Để giải quyết tình trạng ngập cho thành phố, bên cạnh công tác phát triển hệ thống thoát nước, việc tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cống kiểm soát triều, xây dựng đê bao bờ hữu sông Sài Gòn theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cần được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn sắp tới. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (SCFC), nhu cầu cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước của thành phố còn rất lớn. Hiện chỉ đáp ứng được 60% theo quy hoạch tổng thể thoát nước, thiếu hơn 2.500km cống và trong thời gian qua chỉ thực hiện được 45% kế hoạch. Do đó, việc đạt được các chỉ tiêu về chiều dài hệ thống thoát nước đến năm 2020 là điều không thể trong điều kiện kinh tế hiện nay của thành phố. Với đặc điểm địa hình tự nhiên là nền đất thấp, hệ thống thoát nước của thành phố bị ảnh hưởng nhiều bởi thủy triều

nên việc nghiên cứu giải pháp quy hoạch, tích hợp, ứng phó biến đổi khí hậu với mục tiêu giữ đất, trữ nước là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề thoát nước cho thành phố. Trong đó, cần rà soát, thống kê diện tích cây xanh, kênh rạch, mặt nước hiện có và theo quy hoạch chi tiết 1/2.000 để từ đó xây dựng tiêu chí về vùng đệm, hồ điều tiết… làm cơ sở để quản lý và xây dựng định hướng quy hoạch cho thành phố. Cũng theo SCFC, trong quá trình thực hiện các dự án chống ngập gặp không ít khó khăn như nguồn vốn đầu tư quá lớn, việc phê duyệt dự án quá phức tạp, liên quan đến nhiều sở, ngành… đã góp phần hạn chế việc chống ngập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Cần nghiên cứu nghiêm túc

Tại cuộc họp với các sở, ban, ngành mới đây về phương án chống ngập trong thời gian tới, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết dự kiến vay khoảng 23.000 tỷ đồng để đẩy nhanh thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn thành phố.

Các chuyên gia trong ngành lo ngại rằng, TP Hồ Chí Minh bỏ ra "một núi tiền" để thực hiện giải pháp xây dựng công trình chống ngập bằng cống ngăn triều cần phải nghiên cứu lại một cách nghiêm túc. Đầu tiên có thể nhận thấy, khi mưa lớn là lúc cần phải tiêu thoát nước nhanh, lúc này cống ngăn triều không những không giúp thoát nước mà còn phản tác dụng, ngăn dòng chảy thoát nước. Trong khi đó, việc nạo vét lòng kênh rạch hay hồ điều tiết tích trữ lượng nước mưa kết hợp với hạ mực nước triều thấp để đón nước mưa lại không khả thi khi thực hiện. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp gom nước mưa vào bể chứa để xây dựng trạm bơm nước mưa đi cũng không khoa học, vừa tốn kém chi phí đầu tư lại không lâu bền trong khi chỉ cần sử dụng, xây mới hoặc nâng cấp ống cống dẫn nước vào các kênh sẵn có là được.

Một số ý kiến cho rằng, bài toán chống ngập úng của TP Hồ Chí Minh thực chất là bài toán chống ngập úng trong mùa mưa. Do đó, chỉ cần xây dựng tốt hệ thống tiêu thoát nước mưa từ các tuyến đường đến hệ thống kênh rạch là đủ, hạn chế xây dựng những cống ngăn triều to lớn và tốn kém. Còn việc chống ngập trong mùa khô (chủ yếu ngập do triều cường) có thể giải quyết cục bộ, như xây dựng cống ngăn triều nhỏ hay giải phóng tất cả các khu đất trống, đất hoang hóa để làm hạ tầng, tôn cao hơn mực nước triều sẽ khắc phục được cơ bản ngập nước.

Có thể thấy rằng, chiến lược chống ngập của TP Hồ Chí Minh đang gặp nhiều thách thức. Làm thế nào để số tiền đầu tư đạt mức thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất đang còn là bài toán nan giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ "núi tiền" chống ngập: Cần cân nhắc kỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.