Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vô hình ngăn tìm việc làm của giới nữ

Minh Bắc| 06/03/2015 15:18

(HNMO) - Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá cao trong việc thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới. Tuy vậy, trong lĩnh vực lao động việc làm thường có xu hướng ưu tiên cho nam giới hơn là cho nữ giới nếu căn cứ vào các quảng cáo việc làm hay câu hỏi phỏng vấn các ứng viên.


Về lao động việc làm, Luật bình đẳng giới đã có điều khoản quy định rõ nội dung bình đẳng giới. Đó là nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền lương, tiền thưởng, bình đẳng trong việc bổ nhiệm thăng tiến... Vậy mà vẫn có những “bức tường vô hình” ảnh hưởng đến điều này.

Phụ nữ thường gặp nhiều trở ngại trong tìm kiếm việc làm hơn nam giới.



Vô tình hay cố ý đều vi phạm luật

Trong một báo cáo mới đây, mang tên “Bình đẳng giới trong thực tiễn tuyển dụng và thăng tiến tại Việt Nam”của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Navigos Search một công ty chuyên tư vấn tìm kiếm lao động cho biết: 1/5 trong số 12.300 quảng cáo tuyển dụng trên bốn cổng thông tin việc làm lớn nhất Việt Nam (Vietnamworks, JobStreet, CareerBuider, Career Link) trong thời gian từ giữa tháng 11/2014 đến giữa tháng 1/2015 đã đưa ra yêu cầu về giới tính. Trong số các đăng tuyển việc làm có yếu tố giới, 70% yêu cầu chỉ tuyển nam giới trong khi chỉ có 30% mong muốn tuyển nhân viên nữ. Các công việc mang tính chất chuyên môn sâu hơn, kỹ năng cao hơn hoặc các công việc đòi hỏi phải đi lại nhiều như kiến trúc sư, lái xe, kỹ sư xây dựng và công nghệ thông tin thường được nhằm dành cho nam giới. Còn các công việc mang tính chất hỗ trợ và văn phòng như lễ tân, thư ký, kế toán, nhân sự và hành chính lại thường dành để tuyển dụng nữ giới.

Đánh giá về điều này, Giám đốc điều hành của Navigos Search đưa ra nhận xét, đa số các ngành nghề mà nam giới được ưu tiên tuyển dụng thường có kỹ năng cao hơn và thu nhập tốt hơn so với hầu hết các công việc dành cho phụ nữ. Sự tập trung về giới trên các nấc thang sự nghiệp trong cùng một nghề nhất định cũng được thể hiện qua các quảng cáo tuyển dụng cho các vị trí quản lý. Có tới 83% các thông báo tuyển dụng vị trí quản lý có yếu tố giới yêu cầu ứng viên nam. Thậm chí toàn bộ các vị trí tuyển giám đốc chỉ dành cho nam giới.

Để có báo cáo trên, vào tháng 1/2015 thì ILO và Navigos Search đã có những khảo sát nghiên cứu với các chủ lao động trong khu vực tư nhân. Kết quả khảo sát cho thấy ngoài trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc – hai yếu tố quan trọng để các ông chủ đưa ra các quyết định tuyển dụng đó là khả năng làm việc ngoài giờ và tình trạng hôn nhân. Có tới 43% chủ lao động muốn tìm hiểu về tình trạng hôn nhân của người xin việc, 30% hỏi thông tin về kế hoạch sinh con và khoảng 2/3 chủ lao động hỏi các câu hỏi về khả năng làm việc ngoài giờ.

Như vậy với hình thức quảng cáo việc làm cũng như phỏng vấn nhân sự trong quá trình tuyển dụng của các chủ sử dụng đều đề cập đến giới tính. Và đây chính là hình thức trực tiếp của phân biệt đối xử theo giới mà pháp luật đã ngăn cấm. Dù vô tình hay cố ý thì đây cũng là hành vi tạo nên bức tường “vô hình” dẫn đến sự tập trung về giới theo nghề nghiệp và chức năng công việc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng doanh nghiệp có thể hưởng lợi tối đa từ tài năng của người lao động mới được tuyển dụng.

Cơ hội thăng tiến khá cân bằng

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác liên quan đến tiền lương, thăng tiến của giới nữ trong công việc lại cho thấy khá cân bằng trong việc thực hiện bình đẳng giới. Cũng báo cáo trên cho thấy với nhân lực tầm trung, chỉ 8% số nữ giới được hỏi đã từng bị từ chối tăng lương chỉ vì họ là phụ nữ. Kết quả so với thực tế cũng cho thấy ở Việt Nam mức chênh lệch lương giữa hai giới tương đối nhỏ.

Theo Điều tra Lao động Việc làm 2013, chênh lệch tiền lương theo giới ở Việt Nam là 9,4%, so với mức trung bình của thế giới là 4-36%. Hai phần ba ứng viên nhân sự tầm trung cũng tin rằng phụ nữ và nam giới có cơ hội như nhau trong việc thăng chức tại công ty của họ. Và những người có độ tuổi từ 28 trở lên và đang ở giai đoạn giữa trong sự nghiệp cho biết, họ không nhận thấy tình trạng phân biệt đối xử về giới trong môi trường làm việc và các cơ hội thăng tiến.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đã đưa ra những điểm có thể cải thiện hơn nữa trong lĩnh vực này. Đó là các quy định về tiền lương trong thời kỳ nghỉ thai sản, bổ nhiệm thăng chức cho nữ giới. Chỉ mới 60% chủ lao động được phỏng vấn tính thời gian nghỉ thai sản vào thâm niên công tác của người lao động, như quy định của pháp luật. Nhiều người sử dụng lao động thường đưa tiêu chí thâm niên công tác là yếu tố quan trọng thứ hai để làm căn cứ ra quyết định thăng chức. Điều này quả là một bất lợi lớn đối với lao động nữ khi họ muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Năm 2015 là năm có nhiều ý nghĩa trong công tác thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ, là năm tổng kết Chương trình quốc gia vì bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, rà soát xây dựng, trình và phê duyệt các văn bản quan trọng về thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2016-2020. Do vậy, báo cáo cũng đã đưa ra các khuyến nghị cần có các quy định cụ thể để nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử về giới, như quảng cáo việc làm có đề cập đến giới tính; cải thiện việc thi hành luật; nâng cao nhận thức về lợi ích kinh tế và xã hội của bình đẳng giới nhằm gỡ bỏ những định kiến vốn tồn tại từ lâu đời; và tạo cơ chế linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật cho phép người lao động sắp xếp hiệu quả công việc cũng như những ràng buộc về thời gian dành cho gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vô hình ngăn tìm việc làm của giới nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.