Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gần 99% quận, huyện của Việt Nam có người nhiễm HIV

Vân An| 01/04/2015 16:27

(HNMO) – Ngày 1/4, trong khuôn khổ phiên họp Ban chấp hành Đại hội đồng IPU-132, đoàn đại biểu Việt Nam đã có tham luận về tình hình thực hiện mục tiêu phòng chống HIV/AIDS.


Theo báo cáo của ông Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, tại Việt Nam, từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tính đến ngày 31/12/2014, toàn quốc có 226.819 trường hợp báo cáo hiện nhiễm HIV.

Tuy nhiên, theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS, năm 2014 ước tính toàn quốc có khoảng 256.500 người nhiễm HIV trong cộng đồng. Trong số này, 71.050 bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Đến nay có 71.332 trường hợp người nhiễm HIV/AIDS tử vong.

Đáng lưu ý, mặc dù số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm, nhưng tổng số người đang nhiễm HIV ngày càng gia tăng, khoảng 12.000-14.000 ca mỗi năm. Hiện đã có 80,3% số xã, phường, thị trấn và 98,9% số quận, huyện đã báo cáo có người nhiễm HIV. Số bệnh nhân đang tham gia chương trình điều trị ARV là 92.843 người.

Nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao là những người nghiện chích ma túy (NCMT), nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và phụ nữ bán dâm (PNBD).



Để chặn đứng căn bệnh thế kỷ, Việt Nam hiện đang thực hiện một số ưu tiên gồm: Tăng cường các hoạt động dự phòng, đặc biệt là tuyên truyền và các biện pháp can thiệp giảm tác hại (chương trình Methadone, bơm kim tiêm sách, bao cao su..); Tăng số người được điều trị ARV, thực hiện việc điều trị ARV tại cộng đồng; Tăng cường các biện pháp để huy động các nguồn lực trong nước.

Ở góc độ luật pháp, các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS như thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS; hạn chế xung đột pháp luật trong các luật, pháp lệnh liên quan; ban hành nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống AIDS.

Đồng thời, Quốc hội đã giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS làm cơ sở để có các quyết sách về nguồn lực đầu tư cho phòng, chống AIDS; giám sát tình hình ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS; thẩm tra và phê duyệt ngân sách cho phòng chống AIDS khi quyết định chi tiêu ngân sách quốc gia hàng năm; vận động sự ủng hộ cho phòng chống AIDS…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 99% quận, huyện của Việt Nam có người nhiễm HIV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.