Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống bức cung nhục hình: Cần phân định rõ trách nhiệm

Hà Phong| 05/05/2015 06:19

(HNM) - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây đã chính thức đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ độc lập hơn với cơ quan điều tra trong dự án Luật Tạm giữ, tạm giam mà Bộ Công an đang xây dựng.

Mô hình vẫn khép kín

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - người từng kiên trì kiến nghị Bộ Công an tách nhà tạm giữ ra khỏi Công an cấp huyện, tách trại tạm giam ra khỏi Công an cấp tỉnh - khẳng định, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đã tách nhưng mới chỉ là bước đầu, cần bước tiến mới. Qua khảo sát ở các tỉnh, trại tạm giam Công an tỉnh và phòng điều tra cùng hệ thống Công an địa phương có quan hệ mật thiết. Ở cấp huyện cũng tương tự nên dễ có sự "thông cảm", "tạo điều kiện" cho nhau vào lấy cung. Vì lý do đó, nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiên trì đề nghị tách nhà tạm giam theo hệ thống dọc, chỉ chịu sự quản lý của Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp để bảo đảm minh bạch trong quá trình điều tra.

Luật sư Cao Minh Vượng, Đoàn Luật sư Hà Nội đề xuất tổ chức mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc của Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an nhằm bảo đảm quyền công dân của người bị tạm giữ, tạm giam. Việc làm này sẽ chấm dứt hiện tượng "ông" nhà tạm giữ và "ông" điều tra cùng chung một thủ trưởng là trưởng Công an huyện; "ông" trại tạm giam và phòng điều tra có chung một thủ trưởng là giám đốc Công an tỉnh, gây sự nghi ngờ thiếu minh bạch.

Ở góc nhìn khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phạm Xuân Thường phân tích, cả nước hiện có 400 nhà tạm giữ ở 400 huyện và hơn 100 trại tạm giam. Nếu tách ra khỏi hệ thống Công an cấp tỉnh, huyện thì quỹ đất và kinh phí để xây trụ sở rất lớn. Trong điều kiện hiện nay, nếu chưa đủ kinh phí cho xây dựng, quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc, vẫn duy trì mô hình hiện tại thì phải quy định rõ trách nhiệm của giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ, người đứng đầu trong việc chống bức cung, nhục hình. Theo ông Phạm Xuân Thường, nếu có chế tài, chắc chắn chuyện bức cung, nhục hình trong các cơ sở giam giữ sẽ khó xảy ra. Song song với đó, cũng cần được đưa vào luật việc đầu tư trang thiết bị camera, máy ghi âm ở buồng xét hỏi để có cơ sở bố trí nguồn vốn thực hiện.

Có quản được?

Cho rằng việc xây dựng dự án Luật Tạm giữ, tạm giam sẽ thông tin chính xác, toàn diện, kịp thời quan điểm của Bộ Công an về công tác quản lý tạm giam, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến về việc quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trại tạm giam, nhà tạm giữ và các cấp quản lý cao hơn trong việc để xảy ra bức cung, nhục hình. Riêng đề xuất thay đổi mô hình quản lý các cơ sở tạm giữ, tạm giam, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng không nên triển khai bởi, tạm giữ, tạm giam giống như việc quản lý chặt chẽ một tài sản đặc biệt là con người, có nhập vào, xuất ra. Bộ Công an đã thành lập Cục Quản lý hướng dẫn tạm giam, tạm giữ thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp. Trong khi các cơ quan điều tra của Bộ Công an thuộc Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát với hai thủ trưởng khác nhau nên quản lý như hiện nay là phù hợp. Ở cấp tỉnh, trại tạm giam là đơn vị cấp phòng độc lập. Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đảm nhiệm công tác quản lý trại tạm giam. Phó Giám đốc Công an tỉnh không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra trực tiếp làm phụ trách thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp nên hoàn toàn tách bạch. Cán bộ, đặc biệt là điều tra viên muốn gặp gỡ, xét hỏi nghi can, bị cáo phải qua giám thị và có giấy giới thiệu mới được vào trại giam.

Hơn nữa, dự án luật đã quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam bám sát tinh thần Hiến pháp và nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Theo đó, người bị tạm giữ, tạm giam có quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp, nhưng bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trong trường hợp cần giao dịch dân sự hợp pháp thì phải thông qua luật sư hoặc người đại diện theo pháp luật. Đây cũng là một trong các giải pháp chống bức cung, nhục hình.

Theo lịch trình, dự án Luật Tạm giữ, tạm giam sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ chín diễn ra vào tháng 5-2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống bức cung nhục hình: Cần phân định rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.