Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề án tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ: Không có “vùng cấm”

Hiền Thu| 16/05/2015 06:35

(HNM) - Với quyết tâm đi đầu thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Nội vụ đề ra mục tiêu tinh giản tối thiểu 15% biên chế từ năm 2015 đến 2021. Đây là nội dung được đại diện Bộ Nội vụ khẳng định tại hội nghị triển khai cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, chiều 15-5.


Điểm đáng chú ý trong dự thảo Đề án tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ là đặt ra mục tiêu: Trong vòng 7 năm (2015-2021) sẽ tinh giản 15% biên chế. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, tinh giản 15% biên chế nhằm phấn đấu nâng cao chất lượng CBCC. Việc xác định tỷ lệ này căn cứ theo yêu cầu của Nghị quyết 39-NQ/TƯ: Tinh giản tối thiểu 10% biên chế; đồng thời, căn cứ vào kết quả đánh giá phân loại công chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ trong năm vừa qua (hiện tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ ở trong khoảng 2,3- 3,6%). Cũng theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Việc mạnh dạn đưa ra tỷ lệ tinh giản đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả bộ máy, các tổ chức chính trị - xã hội. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực về cải cách hành chính thì cần xác định đầy đủ nhiệm vụ, gương mẫu đi đầu trong triển khai, thực hiện.

Mục đích của tinh giản biên chế là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: Ngọc Châm



Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quốc Khánh cho biết: "Đội ngũ biên chế hiện đông nhưng chất lượng không cao, đó là điều đáng lo ngại. Vì thế, để bảo đảm mục tiêu tinh giản biên chế thì những công chức nào trì trệ, không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liền nhất định phải tinh giản". Được biết, từ năm 2013 đến nay, Bộ Nội vụ rất quan tâm đánh giá công chức hàng năm. Đơn vị nào đánh giá xuê xoa, thiếu chính xác đều phải đánh giá lại nên đến nay, việc đánh giá công chức đã đi vào nền nếp. Bộ cũng là đơn vị tiên phong trong việc xác định vị trí việc làm - một trong những yếu tố quan trọng của tinh giản biên chế. Đó cũng là tiền đề thuận lợi trong việc triển khai chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đang tiến hành nhiều giải pháp khác như: Tiến hành rà soát lại các đơn vị thuộc và trực thuộc để tinh gọn bộ máy; xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của các vụ, các phòng trong vụ; nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của bộ…

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Tinh giản biên chế không có "vùng cấm" đối với bất cứ ai. Những người không đáp ứng yêu cầu công vụ đều phải đưa vào diện tinh giản biên chế. Và khi đã xác định được tỷ lệ tinh giản, được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trách nhiệm người đứng đầu là phải hoàn thành mục tiêu đó; nếu không hoàn thành thì cũng bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ bởi vì đó cũng là một nhiệm vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị. Để tránh xuê xoa, cả nể hoặc cảm tính trong công tác đánh giá, phân loại công chức thì phải căn cứ vào luật, nghị định, các quy định liên quan CBCCVC.

Dự kiến, trong tuần sau, Đề án tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ sẽ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt. Ngay sau khi được phê duyệt, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ gửi các văn bản hướng dẫn để các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ triển khai thực hiện. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Khi bắt tay vào việc thực sự sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, va chạm. Vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm khi thực hiện tinh giản biên chế thì đơn vị ổn định, đoàn kết, nhất trí cao và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ: Không có “vùng cấm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.