Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết hơn nữa trách nhiệm DN khi xảy ra tai nạn lao động

Vân An| 25/05/2015 11:35

(HNMO) - Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động.


Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động, các đại biểu đánh giá cao dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhận xét, dự luật còn nhiều quy định mang tính định tính, chung chung, khó xác định và gây khó khăn trong thực hiện.

Dẫn chứng về những quy định thiếu cụ thể này, đại biểu Trần Xuân Vinh – Quảng Nam cho biết, các quy định về tai nạn lao động nặng, tai nạn lao động nhẹ như trong dự luật là chưa rõ về khái niệm cũng như tiêu chí phân loại.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại – Bạc Liêu cho rằng, khái niệm “an toàn” trong luật chưa được làm rõ, chưa phân định cụ thể về an toàn kỹ thuật (với máy móc, thiết bị, dây chuyền…) và an toàn lao động (với người lao động) để có sự phân định trách nhiệm quản lý nhà nước cho phù hợp.

Về mở rộng đối tượng điều chỉnh của dự luật, các đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng, Bùi Thị An – Hà Nội... đều nhất trí mở rộng với cả các đối tượng không có hợp đồng lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự luật cần tính toán đến nguồn lực thực hiện, bởi nếu đề ra nhiều chính sách nhưng thiếu nguồn lực thì các chính sách sẽ khó phát huy tác dụng và phải tùy từng đối tượng để có chính sách phù hợp.


Đề cập đến vai trò của công đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động, các đại biểu đề nghị, dự luật cần nêu cao vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở, bổ sung quy định về vai trò của công đoàn trong việc khởi kiện khi quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm hại.

Theo các đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương – Ninh Thuận, Trần Xuân Vinh – Quảng Nam, quyền của công đoàn cơ sở được quy định trong luật chưa đầy đủ. Công đoàn cơ sở không chỉ có vai trò trong việc đối thoại để giải quyết quyền, nghĩa vụ của người lao động mà còn phải đóng vai trò trong đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề về quyền, nghĩa vụ của người lao động về an toàn vệ sinh lao động.

Về khai báo an toàn, tai nạn lao động, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời gian thực hiện khai báo, tránh sự việc đã xảy ra lâu mới khai báo hoặc né tránh khai báo, gây khó khăn trong xử lý hậu quả. Theo các đại biểu, kể cả trong trường hợp người lao động có hợp đồng lao động hay không có hợp đồng lao động, khi có tai nạn xảy ra, người sử dụng lao động đều phải báo cáo.

“Tôi đề nghị bổ sung quy định cấm cố tình không chi trả chế độ cho người lao động khi xảy ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp đồng thời có chế tài nghiêm khắc kèm theo để bảo vệ quyền lợi người lao động”, đại biểu Trần Xuân Vinh nói.

Đại biểu Vinh cũng đề nghị có chế tài xử lý, bồi thường cho người lao động trong trường hợp họ bị chậm giải quyết chế độ bảo hiểm.

“Yêu cầu bồi thường với người sử dụng lao động chưa được thỏa đáng, đặc biệt là bồi thường về tinh thần. Để tương thích với các luật khác, tôi đề nghị dự luật cần xây dựng chế định bồi thường tổn thất tinh thần trong trường hợp tai nạn xảy ra mà lỗi do người sử dụng lao động”, đại biểu Lưu Thành Công – Vĩnh Long phát biểu.

Đại biểu Bùi Thị An – Hà Nội nhận xét, danh mục cấm liên quan đến an toàn vệ sinh lao động trong dự luật tương đối đầy đủ nhưng đại biểu băn khoăn ai sẽ kiểm tra các nội dung cấm này, vào thời gian nào, ai sẽ chịu trách nhiệm?...

“Nếu chúng ta để các chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm thì rất khó, vì có những doanh nghiệp chỉ hoạt động vì lợi nhuận và chỉ khi xảy ra tai nạn, nếu chính quyền địa phương can thiệp thì họ mới có trách nhiệm”, đại biểu Bùi Thị An nói.

Dẫn chứng những vụ việc liên quan đến an toàn lao động xảy ra trong thời gian gần đây, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Hà Nội cho rằng, dự luật phải có quy định để phải đảm bảo cả an toàn lao động cho cả những người khác có liên quan, chứ không chỉ dừng ở người lao động, người sử dụng lao động.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết hơn nữa trách nhiệm DN khi xảy ra tai nạn lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.