Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Thừa phát lại “chê” chi phí tống đạt thấp

Hồ Bách| 25/05/2015 19:30

(HNMO) - Ngày 25-5, Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá tác động kinh tế xã hội của việc thí điểm chế định TPL trên địa bàn TP Hà Nội.


Thông tin đáng lưu ý tại hội nghị là tỷ lệ người dân biết về TPL chưa cao, một số Văn phòng TPL hoạt động chưa hiệu quả. Theo TS Dương Thanh Mai, thành viên Ban chỉ đạo Thí điểm chế định TPL Trung ương, năm ngoái qua tiếp xúc, khảo sát với một số người dân trên địa bàn các quận nơi có các Văn phòng TPL đặt trụ sở tại Hà Nội thì tỷ lệ người dân biết về chế định TPL là 58%. Tuy nhiên, năm nay, khảo sát đến thời điểm này cho thấy tỷ lệ người dân biết về chế định TPL chỉ khoảng 53%.

Về phía Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội là đơn vị có số lượng án và giá trị phải thi hành lớn trong số các Cục Thi hành án dân sự (THADS) trong cả nước, đã hướng dẫn chỉ đạo cho các Chi cục Thi hành án dân sự ký và thực hiện Hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với các Văn phòng TPL theo địa hạt đã được phân chia; hướng dẫn cho các Chi cục THADS lập dự toán và đã cấp chuyển kinh phí tống đạt cho các đơn vị đã ký hợp đồng DV tống đạt. Song cơ quan này cho rằng, quá trình triển khai thực hiện, các Văn phòng Thừa phát lại không đảm đương việc tống đạt hết các địa bàn toàn thành phố. Gặp các trường hợp đương sự chửi bới, cố tình không nhận văn bản hoặc không tống đạt được trực tiếp được thì TPL gặp nhiều lúng túng, xử lý không đúng quy định, hoặc lập biên bản không có đương sự ở địa chỉ tống đạt để trả lại thi hành án.

Trong tống đạt văn bản, có trường hợp không giao được do đương sự không nhận nhưng không lập biên bản không tống đạt được trước khi niêm yết và việc niêm yết không đủ 03 nơi theo quy định dẫn tới việc tống đạt không đúng quy định. Lại có trường hợp, việc tống đạt khi giao cho người khác nhận thay, không ghi xác định quan hệ của người nhận thay là gì, có đủ điều kiện nhận thay theo quy định hay không; thời gian tống đạt thường bị chậm, trả kết quả chậm nên chưa phục vụ kịp thời cho hoạt động.

Một số trường hợp Chấp hành viên, Thư ký thi hành án phải trực tiếp đi tống đạt lại quyết định, văn bản thi hành án. “Đặc biệt, một số Văn phòng TPL chưa thật tích cực chủ động trong triển khai ký hợp đồng tống đạt và thực hiện tống đạt văn bản vì cho rằng chi phí tống đạt thấp trong khi trình tự, thủ tục tống đạt đòi hỏi chặt chẽ, trách nhiệm cao”- ông Chu Quang Tiến- Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Thừa phát lại “chê” chi phí tống đạt thấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.