Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ có chính sách riêng?

Kim Vũ| 26/05/2015 07:04

(HNM) - Lao động nữ dễ gặp rủi ro, thiệt thòi hơn so với nam giới và hiện vẫn chưa có chính sách riêng cho đối tượng này.

Lao động nữ làm việc tại nước ngoài cần được bảo đảm mọi quyền và lợi ích hợp pháp.


Ngành nghề mà lao động nữ thường làm ở các nước bạn là giúp việc gia đình, thợ may, y tá, điều dưỡng viên, nhân viên khách sạn… tập trung nhiều tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động nữ Việt Nam đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đóng góp đáng kể vào việc nâng cao mức sống gia đình. Tuy nhiên, vì chưa có chính sách riêng cho phụ nữ nên họ thường gặp những rủi ro hơn lao động là nam giới. Nhiều phụ nữ bị bóc lột sức lao động, bạo lực, không được trả lương, đặc biệt là những người làm các công việc có tính đặc thù như: Giúp việc trong các gia đình, hộ lý, y tá chăm sóc người bệnh tại các viện dưỡng lão… Khi về nước, họ cũng gặp sự cố trong tái hòa nhập, khó tiếp cận các dịch vụ, nhất là dịch vụ về hỗ trợ giải quyết việc làm. Về phía gia đình, nhiều phụ nữ không có sự chia sẻ của gia đình, người thân trong nuôi dạy con khi trở về.

Theo đánh giá của dự án "Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" (thực hiện từ tháng 12-2009 nhằm nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý XKLĐ), trên thực tế phụ nữ khi đi xuất khẩu lao động thường gặp nhiều khó khăn và rủi ro hơn lao động nam. Tuy nhiên, hiện lao động nữ được quan tâm hơn về các kiến thức trong kiểm soát và sử dụng tiền tiết kiệm, ngoại hối; về những khó khăn trong giải quyết các vấn đề gia đình khi họ đi XKLĐ. Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, thực hiện các quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã cử cán bộ nữ sang quản lý lao động, kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền và nhu cầu chính đáng của lao động nữ. Trước những bất cập hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải bổ sung và hoàn thiện những chính sách dành cho lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài. Muốn vậy, cần có cơ chế ưu đãi cụ thể để doanh nghiệp XKLĐ có động lực tham gia hỗ trợ cho lao động tái hòa nhập thị trường; xây dựng hệ thống dữ liệu và hồ sơ thông tin của lao động trở về. Đặc biệt, cần có sự can thiệp sớm để giảm thiểu những rủi ro mà phụ nữ có thể gặp phải khi làm việc ở nước ngoài cũng như khi trở về...

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết, những năm gần đây, phụ nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư. Chính phủ luôn quan tâm đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời ưu tiên việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đặc biệt với nữ giới. Ông Phạm Viết Hương cho biết thêm, dù phụ nữ đi làm mong muốn tích lũy kinh tế, chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ… nhưng vì có những yếu thế nhất định nên họ chịu thiệt thòi hơn. Vì vậy, để khuyến khích đối tượng này đi làm việc ở nước ngoài, Cục cũng quy định mức tiền môi giới đối với nữ giảm hơn so với nam giới. Các nước bạn cũng có động thái quan tâm hơn đến lao động nữ; chẳng hạn, một số doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên tuyển dụng vợ chồng lao động cùng làm việc tại một công ty với mong muốn họ ổn định đời sống sẽ nâng cao năng suất lao động.

Thực tế, còn có nhiều thiệt thòi mà phụ nữ thường gánh chịu nhiều hơn. Trong khi đó, hành lang pháp lý riêng nhằm bảo vệ phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài chưa được xây dựng, mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu và đề xuất thực hiện. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng chính sách riêng cho lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó không thể thiếu những đề xuất sửa đổi trong Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ có chính sách riêng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.