Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủng hộ việc duy trì song song 2 hình thức đóng BHXH

H.Vân| 27/05/2015 16:07

(HNMO) - Hôm nay, 27/5, việc sửa đổi điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 đã được đưa ra bàn tại nghị trường Quốc hội và nhận được nhiều ý kiến góp ý sôi nổi.


Nhìn chung, các đại biểu cho rằng, Điều 60 là một điều luật nhân văn tiến bộ và thực hiện được mục tiêu bảo đảm chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cũng thấy rằng nên tôn trọng quyền lựa chọn của người lao động là chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng phân tích, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa có hiệu lực thi hành nên nội dung của Điều 60 chưa ảnh hưởng, tác động gì đến đời sống của người lao động.

“Vấn đề đặt ra ở đây là có phải tất cả người lao động về một lần đều hoàn toàn thực sự khó khăn không? Liệu số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần có giải quyết được khó khăn trước mắt của bản thân và gia đình họ hay không khi mà theo báo cáo của Chính phủ trong 5 năm 2010-2014 cho thấy, trong 2.323.097 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có đến 962.638 người mới làm việc có 1 năm trở lại?”, đại biểu Thúy băn khoăn.

Ủng hộ quan điểm của Chính phủ là tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, đại biểu Thúy lưu ý thêm, thực tế, phần lớn người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội để nhận bảo hiểm xã hội một lần là những người lao động có số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa nhiều, chủ yếu là lao động từ khu vực nông thôn đi làm tại các khu công nghiệp và làm các công việc ngắn hạn, thời vụ nên việc nhận thức bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hội đủ các điều kiện hưởng lương hưu còn hạn chế. Do đó, Chính phủ cần phải chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 để người lao động nhận thức đầy đủ hơn vấn đề bảo lưu số năm đóng bảo hiểm xã hội.

Chung quan điểm, đại biểu Lê Thị Yến - Phú Thọ, Nguyễn Văn Sơn - Hà Tĩnh, Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh, Hồ Thị Thủy - Vĩnh Phúc… cho rằng, nội dung Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 là một chính sách ưu việt, là một xu hướng tiến bộ của xã hội. Người lao động nên coi việc cộng dồn số năm đóng bảo hiểm xã hội trước đây với thời gian người lao động có việc làm mới như một khoản tiền tiết kiệm dài hạn cho thời gian khi hết tuổi lao động.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh


“Điều 60, cho đến nay, tôi chưa thấy ai, đại biểu Quốc hội hoặc công nhân đòi hỏi phải bỏ Điều 60. Sở dĩ người ta phản ứng, tôi cho rằng Điều 60 đúng nhưng không đủ, vì chưa quan tâm đầy đủ lợi ích thực tiễn của cộng đồng người lao động khác nhau. Trong một người lao động cũng có 2 loại lợi ích: Lợi ích bảo lưu để lĩnh lương về hưu sau này, một lợi ích lĩnh ngay. Đôi lúc, lợi ích này dao động”, đại biểu Nghĩa nói.

Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị, Quốc hội nên có một nghị quyết riêng về việc bảo lưu Điểm c, Khoản1, Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 trong một thời hạn nhất định. Sau đó, trên cơ sở xem xét, đánh giá, tổng kết, thăm dò ý kiến một cách toàn diện đầy đủ đối tượng người lao động, Quốc hội mới tính đến việc có sửa hay không sửa Điều 60.

“Tôi nghĩ sau một thời gian thực hiện cần có báo cáo tổng kết đánh giá, lúc đó chúng ta xem xét có cần bổ sung quy định này vào Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 hay không? Tôi vẫn hy vọng rằng khi người lao động đã nhận thức đúng và đầy đủ hơn vấn đề bảo lưu số năm đã đóng bảo hiểm xã hội thì họ sẽ không chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần nữa”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói.

“Chúng tôi kiến nghị với Quốc hội tại kỳ họp này Quốc hội nên ra một nghị quyết để cho người lao động có quyền chọn lựa được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu để thực hiện bảo hiểm xã hội như năm 2014 cho đến lúc nhận lương hưu. Nên để cho người lao động có quyền chọn lựa”, đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Đồng Nai nói.

Cũng trong phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã cho ý kiến về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả khóa XIII và dự kiến chương trình bổ sung năm 2015 và chương trình năm 2016.

Các ý kiến góp ý đều cơ bản đồng ý với tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đánh giá, Quốc hội đã có nhiều cố gắng để thực hiện chương trình toàn khóa XIII. Tuy nhiên, trong công tác xây dựng luật, Quốc hội phải khắc phục những tồn tại hạn chế do nguyên nhân chủ quan, trong đó có vấn đề làm không đúng quy trình thủ tục của luật định; không đúng thời hạn, tồn đọng các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; nhiều vấn đề đánh giá tác động, phân tích chính sách chưa đầy đủ, toàn diện…

Về điều chỉnh, bổ sung chương trình năm 2015 và năm 2016, các đại biểu Quốc hội đề nghị lưu ý đến việc bảo đảm tính khả thi của chương trình xây dựng luật song song với bảo đảm chất lượng các dự án luật. Đặc biệt, các đại biểu nhất trí đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2016 các dự Luật biểu tình, Luật về hội, Luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu để bổ sung vào chương trình dự án Luật tiền lương tối thiểu, Luật giáo dục (sửa đổi) - những dự án luật rất quan trọng liên quan đến quyền công dân. Cũng có ý kiến cũng đề nghị cần phải rút một số luật ra khỏi chương trình, ví dụ như Luật dân số, Luật du lịch, Luật thể dục, thể thao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủng hộ việc duy trì song song 2 hình thức đóng BHXH

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.