Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước tiến mới ở Hoài Đức

Bạch Thanh| 06/07/2015 07:18

Nằm ven đô, huyện Hoài Đức có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và dịch vụ đô thị. Dưới sự định hướng, chỉ đạo đúng, trúng của Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức, những thế mạnh đó đã được khai thác khá hiệu quả thể hiện qua nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.


Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Hoài Đức đã xây dựng Chương trình 51-CTr/HU về "Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao, bền vững, giai đoạn 2011-2015". Sau 4 năm, diện mạo nông nghiệp Hoài Đức đã có nhiều bước tiến quan trọng. Đánh giá về chương trình 51 của Huyện ủy Hoài Đức cho thấy: Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa, với tổng diện tích hơn 650ha.

Để đạt được kết quả đó, Hoài Đức đã làm tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; các cơ chế chính sách về đất đai, đầu tư hạ tầng, vốn hỗ trợ sản xuất đều được quan tâm. Nhờ đó các mặt hàng nông sản như phật thủ, cam Canh Đắc Sở, Yên Sở; rau an toàn Tiền Yên; nhãn chín muộn Song Phương, An Thượng; hoa lan Đông La; bưởi đường Quế Dương… đã có tiếng trên thị trường. Vùng chuyên canh nhãn chín muộn đã có hơn 85ha với giá trị kinh tế đạt 500-800 triệu đồng/ha. Còn vùng chuyên canh bưởi đường hiện đạt hơn 40ha với giá trị kinh tế đạt 600-800 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình chuyên canh cây phật thủ đã tăng từ 20ha năm 2010 lên hơn 100ha hiện nay, giá trị sản xuất đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Các cây ăn quả đặc sản của Hoài Đức đã được khẳng định là cây chủ lực để phát triển trong những năm tới.



Là huyện có nhiều làng nghề, ngành nghề công nghiệp, TTCN phát triển, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Hoài Đức đã xác định mục tiêu phát triển công nghiệp, TTCN, trong đó phát triển mạnh các làng nghề truyền thống để đạt tốc độ tăng trưởng 10%/năm trở lên là nhiệm vụ cấp thiết. Theo đó, Hoài Đức đã phát triển 3 tiểu vùng nhằm khôi phục các làng nghề truyền thống thuộc các nhóm ngành: Chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất bánh kẹo; dệt, may, thêu ren, mộc dân dụng, điêu khắc tạc tượng… Chính vì vậy, sản xuất công nghiệp, TTCN của Hoài Đức phát triển cả về quy mô, số lượng, mô hình sản xuất cũng như trình độ công nghệ và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hiện toàn huyện có 1.200 doanh nghiệp với 10.200 hộ sản xuất kinh doanh, đã quy hoạch 12 cụm công nghiệp - TTCN, trong đó có 6 cụm công nghiệp hoạt động sản xuất ổn định, thúc đẩy kinh tế làng nghề phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN mỗi năm của huyện đạt gần 2.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân lao động làng nghề đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.

Với mục tiêu trở thành quận trong tương lai, thời gian qua, huyện Hoài Đức tập trung chỉnh trang đô thị, kiến thiết hạ tầng, đẩy mạnh việc nâng cao ý thức của nhân dân về xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn, bảo vệ môi trường. Mỗi xã phấn đấu xây dựng ít nhất một tuyến đường văn minh đô thị, riêng thị trấn Trạm Trôi thực hiện tiêu chí "Thị trấn văn minh đô thị". Cụ thể hóa mục tiêu này, MTTQ và đoàn thể các xã, thị trấn đã vận động nhân dân tham gia ngày thứ bảy, chủ nhật tình nguyện; xây dựng đoạn đường tự quản, tuyến đường sạch, đẹp… Đặc biệt, huyện đã tổ chức cuộc thi "Giữ gìn ngõ, phố xanh, sạch đẹp", được nhân dân hưởng ứng sôi nổi, từ đó phong trào tổng vệ sinh định kỳ, tự quản tuyến đường lan tỏa rộng khắp; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu cơ bản được khắc phục; môi trường ở các làng nghề từng bước được cải thiện.

Không chỉ đầu tư cho phát triển kinh tế, mặt trận giáo dục cũng là điểm sáng của huyện thời gian qua. Nếu như năm 2009, toàn huyện mới chỉ có 16 trường đạt chuẩn quốc gia thì trong nhiệm kỳ qua, huyện đã công nhận mới được 24 trường, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 40, đạt tỷ lệ 57,1%. Đến hết năm 2015, huyện sẽ có thêm 3 trường mới đạt chuẩn, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia lên tới 43, đạt 61,4%. Để có những thành tích, huyện Hoài Đức đã quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ bản, bổ sung cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị các phòng bộ môn… đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Vương Duy Hướng khẳng định: Thời gian tới, Hoài Đức phấn đấu lên quận, do đó việc định hướng phát triển công nghiệp, TTCN, dịch vụ, nông nghiệp đều theo hướng chất lượng cao và phát triển theo quy hoạch. Theo đó, các vùng sản xuất nông nghiệp giá trị cao vừa là vùng đệm xanh cho đô thị, vừa là nơi bảo đảm an sinh xã hội, giúp nông dân làm giàu trong quá trình đô thị hóa. Các làng nghề sẽ phát triển theo hướng chuyên sâu, hạn chế các khâu sơ chế gây ô nhiễm môi trường...

Nhiệm kỳ qua, Hoài Đức đã thực hiện 1.492 dự án với kinh phí trên 2.477 tỷ đồng, tạo ra bộ mặt khang trang cho huyện, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, huyện đã có 10/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó Yên Sở vinh dự là một trong 27 xã tiêu biểu của cả nước. 9 xã còn lại đều đạt từ 14 đến 16 tiêu chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến mới ở Hoài Đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.