Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Hoàng Sơn| 03/08/2015 06:02

Đã có 21 người thiệt mạng do mưa lũ * Cảnh báo mưa lớn diện rộng và lũ ở Bắc Bộ. (HNM) - Ngày 2-8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở Bắc Bộ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trong diện ảnh hưởng của mưa lũ;


Trận mưa lớn kéo dài từ đêm 1-8 đến sáng 2-8 tại TP Uông Bí (Quảng Ninh) đa làm cho nhiều nơi ngập nặng, khiến lực lượng chức năng phải phá đập để xả nước.



Theo dự báo, trong những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng tại các tỉnh miền núi, nhất là những khu vực đã bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua. Để chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành, tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư bảo đảm an toàn; tăng cường thông tin truyền thông, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển khai công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút…

* Trong khi đó, thông tin từ các địa phương báo về cho biết, đến chiều 2-8, những đợt mưa lớn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, tiếp tục trút xuống làm nhiều khu vực ở các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang, Vĩnh Phúc… ngập chìm trong biển nước.

Bộ đội giúp dân chống lũ tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh).



Theo đó, chiều ngày 2-8, trong khi nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh tập trung nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra trước đó thì tại TP Uông Bí, trận mưa rạng sáng 2-8 đã làm 500 nhà dân bị ngập sâu trong nước, trên 100ha lúa, hoa màu bị úng nặng. Mưa lớn kéo dài, nước đổ dồn về đột ngột gây tràn các đập, ngầm làm chia cắt xã Thượng Yên Công và gây sạt lở 50m đường bảo vệ Công ty Than Uông Bí. UBND TP Uông Bí đã kịp thời thành lập 5 tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ, đồng thời bố trí phương tiện, lực lượng tham gia hỗ trợ các hộ dân bị ngập lụt di dời đến nơi an toàn... Đối với cầu tràn qua suối bị ngập có thể gây nguy hiểm, UBND thành phố đã chỉ đạo lập rào chắn barie, cương quyết không cho người và phương tiện vượt suối...

* Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, trong 6 ngày qua, mưa lớn đã làm 21 người chết, trong đó tỉnh Quảng Ninh 18 người, Lai Châu 2 người và Sơn La 1 người. Ngoài ra, tại tỉnh Sơn La, mưa lũ đã làm hơn 200 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, tốc mái, ngập nước; gần 2.500ha lúa và 680ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; trên 11.500 con gia súc, gia cầm bị chết; gần 11.000m kênh mương và 6 hồ chứa, đập bị thiệt hại, 64 công trình thủy lợi nhỏ bị sập, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng 120.500m3.

* Tại Hà Nội, trong những ngày qua mưa xảy ra ở hầu khắp các quận, huyện, thị xã. Ngày 2-8, lượng mưa trung bình đo được ở Hà Nội là trên 20mm nên không gây ngập úng ở nội thành; đê kè, cống, hệ thống thủy nông vẫn ổn định; cây trồng, vật nuôi không bị thiệt hại.


Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội có mặt tại những “điểm nóng” về úng ngập nhằm kịp thời thoát nước tránh ngập trên địa bàn Thủ đô.



Trong ngày 2-8, Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ đã vận hành 5 trạm bơm với 25 máy, Công ty Thủy lợi Sông Đáy vận hành 1 trạm bơm 12 máy để tiêu vợi nước đệm ở những vùng trũng phòng chống úng ngập cho cây trồng. Để chủ động ứng phó với mưa lớn có thể xảy ra trong những ngày tới, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp thủy lợi, công ty thoát nước, công ty cây xanh theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; tăng cường trực ban để xử lý kịp thời các tình huống mưa lũ gây ra.

Miền Bắc tiếp tục có mưa trên diện rộng
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, trong ngày 3 và 4-8, các tỉnh miền Bắc tiếp tục có mưa vừa, mưa trên diện rộng cho nên trên hệ thống Sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7m, ở hạ lưu từ 2 đến 3m. Mực nước trên Sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên mức 31m (ở báo động 2); sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn lên mức 25,5m (báo động 2); Sông Thương tại Phủ Lạng Thương (báo động 2); Sông Cầu tại Đáp Cầu (báo động 1) và sông Lục Nam tại Lục Nam (trên báo động 2). Các tỉnh như Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và úng ngập.



Ước tính, TKV thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng do mưa lũ
(HNM) - Trong những ngày từ 26-7 đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh đã xảy ra mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân Quảng Ninh và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Mưa làm sạt lở, ách tắc hàng chục ki lô mét tuyến đường vận chuyển than chuyên dụng với khối lượng đất đá phải xử lý khoảng 200.000m3; tuyến đường sắt vận chuyển than vùng Hạ Long, Cẩm Phả bị hư hỏng nặng. Về cơ bản hệ thống vận chuyển than bị chia cắt, ngừng trệ. Hệ thống suối thoát nước của hầu hết các đơn vị bị bồi lấp, kè chắn bị hư hỏng; một số đập chắn rọ đá bị hư hỏng nặng. Toàn Tập đoàn đến thời điểm hiện nay không có thiệt hại về người. Tuy nhiên thiệt hại về tài sản, vật chất và chi phí do ngừng sản xuất, để khôi phục sản xuất là rất lớn. Theo thống kê ban đầu của TKV, tổng thiệt hại dự kiến tại thời điểm 31-7 lên đến 1.000 tỷ đồng và có thể tăng cao hơn nếu thời tiết còn diễn biến phức tạp. Đồng thời các ngày cuối tháng 7 phải ngừng sản xuất, làm giảm sản lượng than sản xuất, tiêu thụ trên 0,5 triệu tấn.

Hiện TKV đang nỗ lực cao nhất để bảo đảm an toàn và khôi phục sản xuất ngay sau khi điều kiện cho phép để tiếp tục bốc xếp, sản xuất than cho điện. Dự kiến sau khi hết mưa khoảng 4-5 ngày sẽ bắt đầu khôi phục khoảng 30-50% năng lực và sẽ ưu tiên số 1 cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện. Theo đó, ngày 31-7 đã xuất cảng 1 tàu 18.000/22.000 tấn (tàu xếp hàng từ trước khi mưa lũ phải chạy non tải 4.000 tấn do mưa chưa xếp hàng tiếp được) đi nhiệt điện Vũng Áng. Ngày 1-8 có thêm 1 tàu (non tải) đi nhiệt điện Vũng Áng và 1 tàu 6.000 tấn từ cảng Cửa Ông vận chuyển than đi nhiệt điện Duyên Hải 1. Các ngày tiếp theo nếu không mưa, TKV sẽ tiếp tục củng cố khẩn trương cấp than cho các nhà máy nhiệt điện.

Thanh Mai


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.