Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao hiệu quả chưa cao?

Hà Phong| 05/08/2015 05:19

(HNM) - Sau 17 tháng triển khai thí điểm trên địa bàn Hà Nội, bước đầu hoạt động thừa phát lại (TPL) đã được đánh giá là thành công.


Tuy nhiên, người dân chưa quen nhìn nhận TPL như một dịch vụ tư pháp; sự phối hợp giữa TPL và một số cơ quan tố tụng chưa được chặt chẽ. Tại hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm chế định TPL trên địa bàn Hà Nội do UBND thành phố tổ chức chiều 4-8, nhiều ý kiến đề nghị cần hỗ trợ TPL nhiều hơn nữa.

Tâm lý do dự

Đây là vấn đề Văn phòng TPL Ba Đình phản ánh tại hội nghị. Theo ông Quách Sỹ Hiển, đại diện Văn phòng TPL Ba Đình, Văn phòng hoạt động từ 16-4-2014 nhưng đến nay, nhiều cán bộ quận, huyện, thị xã, công an cấp xã chưa hiểu tổ chức TPL là gì, khi đi thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn. "Ban đầu, khi tìm hiểu dịch vụ tổ chức thi hành án (THA) của TPL, ngay cả Ngân hàng Techcombank cũng rất dè dặt. Nhưng qua thực tế, chúng tôi đã tạo được lòng tin với Techcombank và ngân hàng này đã tiếp tục chuyển tiếp 2 việc THA nữa cho Văn phòng TPL Ba Đình. Với người dân, Văn phòng TPL Ba Đình cũng nhận thi hành 4 việc, trong đó 2 việc đã thi hành xong" - Ông Quách Sỹ Hiển cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo ông Quách Sỹ Hiển, tâm lý chung của mọi người khi đến với TPL Ba Đình là... do dự. Cũng vì vậy, TPL tổ chức THA có kết quả chưa thật rõ nét. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân mới chỉ biết đến lực lượng THA là các chấp hành viên của các cơ quan THA dân sự (tổ chức công) chứ chưa quen với hình ảnh TPL (tổ chức tư). Nhiều người còn đặt câu hỏi: Việc THA dân sự thường kéo dài nhiều năm, đặc biệt là những vụ phải bán đấu giá tài sản, vậy khi hết thời gian thí điểm, nếu TPL chưa THA xong thì cơ quan THA dân sự có chấp nhận tiếp tục thực hiện tiếp không hay họ lại đi đường vòng, phải làm lại từ đầu?

Cùng chung tâm trạng lo lắng, Trưởng Văn phòng TPL Hà Đông Bùi Trọng Hào phản ánh, có cán bộ văn phòng TPL tới gặp tổ trưởng tổ dân phố, công an xã để đề nghị xác nhận đã xác minh, niêm yết thông tin của đương sự tại xã, phường để phục vụ việc tống đạt văn bản... bị gợi ý "bồi dưỡng" mới ký. Có nơi lại cho rằng TPL chỉ là tổ chức tư nên thẳng thừng từ chối phối hợp. Ông Bùi Trọng Hào kiến nghị bổ sung, mở rộng hơn nữa thẩm quyền của TPL và trách nhiệm của các cơ quan phối hợp, có vậy mới nhanh chóng thực hiện được chủ trương xã hội hóa công tác THA.

Lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm

Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Tạ Quốc Hùng nhận định, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Tố tụng Dân sự không quy định địa vị của TPL trong giai đoạn tố tụng đã khiến TPL hoạt động khó khăn. Đã có một số trại tạm giam không nhận văn bản do TPL tống đạt dẫn đến tình trạng tòa án phải hoãn phiên xét xử. Để khắc phục, TAND thành phố đã chủ động thực hiện việc tống đạt và chưa giao TPL tống đạt văn bản của các cơ quan CA.

Với các cơ quan THA dân sự, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự TP Hà Nội Chu Quang Tiến thẳng thắn nói, vẫn còn một số chi cục THA dân sự quận, huyện để Tổng cục THA dân sự, Cục THA dân sự thành phố nhắc nhở do chưa thực hiện nghiêm chế định TPL, chậm ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản hoặc chậm chuyển giao văn bản. Đây là việc cần rút kinh nghiệm. Ngược lại, TPL cũng chưa thật chủ động nhập cuộc do lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm, cần học hỏi, nâng cao nghiệp vụ nhiều hơn nữa mới có thể khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội.

Lắng nghe phản ánh của các văn phòng TPL và các cơ quan liên quan, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, áp dụng chế định TPL là hướng đi đúng đắn về cải cách tư pháp và góp phần hội nhập quốc tế. Công tác thí điểm TPL tại 12 tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng có những khó khăn nhất định, như khi hoạt động công chứng, luật sư ở thời điểm mới xã hội hóa. Những vướng mắc của Hà Nội đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Về phía Bộ Tư pháp, sẽ nghiên cứu, xem xét gỡ vướng về cơ chế chính sách trong thời gian sớm nhất, đích đến là TPL sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận định, TPL là mô hình mới nên rất cần nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức. Chủ trương xã hội hóa TPL đã nhận được sự hưởng ứng của xã hội. Số lượng văn bản tống đạt ngày càng tăng, THA cũng đã có những kết quả bước đầu. Nhưng khó khăn nổi lên là mục tiêu xã hội hóa công tác THA còn là thách thức.

Chưa kể, hoạt động TPL mới ở giai đoạn thí điểm không ai có thể khẳng định tiếp tục hay không nên nhiều cơ quan liên quan có tâm lý e ngại. Gốc của những bất cập là ở đây. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, trong tương lai TPL dần phải thay thế các cơ quan nhà nước trong tổ chức THA thay vì hỗ trợ giảm tải công tác THA như hiện nay và phải điều chỉnh bằng quy định cụ thể trong Luật Thi hành án. Nếu không "danh chính ngôn thuận", người dùng không mạnh dạn, bên phối hợp cũng e dè, hoạt động của các văn phòng sẽ không thể thành công.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao hiệu quả chưa cao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.