Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trầm Lộng - An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ

Bài, ảnh: Hoàng Văn| 19/08/2015 06:25

(HNM) - Xã Trầm Lộng là cái nôi giàu truyền thống cách mạng của huyện Ứng Hòa. Vào những năm 1942-1945, nơi đây đã được Xứ ủy Bắc kỳ chọn làm An toàn khu...

Địa chỉ đỏ của cách mạng

Hằng năm vào những ngày thu tháng tám, Hội Cựu chiến binh xã Trầm Lộng lại tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về lịch sử hào hùng của quê hương, nhất là những cơ sở cách mạng đã được Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ chọn làm ATK để hoạt động. Trong khuôn viên sân chùa Chòng - một địa chỉ đỏ của ATK ở thôn Trầm Lộng, ông Nguyễn Khắc Tâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trầm Lộng chậm rãi kể: Đầu năm 1942, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ sau khi kiểm tra địa thế đã quyết định lấy địa bàn Trầm Lộng làm trung tâm ATK của Xứ ủy.

Trong suốt thời gian gần 4 năm (1942-1945) được chọn làm ATK của Xứ ủy, nhân dân xã Trầm Lộng đã nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Trung ương, Xứ ủy và Tỉnh ủy Hà Đông về dự họp như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười... Cũng thời gian này, các tầng lớp nhân dân trong xã còn được các chiến sỹ cách mạng tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng nên đều ra sức ủng hộ cách mạng, tiêu biểu: Ngôi nhà của gia đình bà Tạ Thị Nấm (tức Khườn) và cụ Chủ Đàn (Lê Văn Vinh) được sắp xếp làm nơi ở, chỉ đạo cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt; nhà ông Nguyễn Văn Dần làm địa điểm liên lạc; nhà bà Nguyễn Thị Bút làm cơ sở in tài liệu; nhà ông Nguyễn Văn Thìn (tức Nghìn) là nơi họp kín của Xứ ủy... Đặc biệt, tại chùa Chòng, thôn Trầm Lộng, sáng ngày 17-8-1945 đồng chí Đỗ Mười đã đọc Quân lệnh khởi nghĩa, huy động lực lượng quần chúng từ khắp nơi kéo về đánh chiếm phủ đường, làm chủ phủ lỵ Ứng Hòa. Ngày 18-8-1945, nhân dân xã Trầm Lộng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng tại chùa Chòng.

Tại sân chùa Chòng, Hội Cựu chiến binh đã ôn lại truyền thống cách mạng cho các cháu học sinh.


Trở thành "vựa lúa, vựa cá"

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, hằng năm vào các ngày lễ tết, kỷ niệm lớn của đất nước, Đảng ủy xã Trầm Lộng đều phát động các cuộc thi tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương. Anh Lê Văn Đàm, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trầm Lộng cho biết: Những hoạt động này đã thôi thúc, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, giúp họ không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phát huy lợi thế của vùng chiêm trũng, ngay từ những năm 1993, Trầm Lộng đã tiên phong trong công tác dồn điền đổi thửa, nhờ đó đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển ổn định từ nhiều năm nay. Hiện, toàn xã có trên 400 hộ chuyển đổi được gần 240ha diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản, mô hình trang trại đa canh... cho thu nhập 250-300 triệu đồng/ha/năm, một số mô hình thu nhập 1,5-2 tỷ đồng/năm, cao hơn gấp 3-10 lần cấy lúa.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Trầm Lộng Tạ Quang Huy, điều phấn khởi nhất là từ một vùng quê nghèo, "chiêm khê, mùa thối", nay đã vươn lên trở thành "vựa lúa, vựa cá" của thành phố. Mỗi năm các mô hình kinh tế ở Trầm Lộng cung cấp cho thị trường gần 700 tấn cá, 500 tấn thịt lợn và khoảng 100 tấn thịt gà, doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng giao thông được bê tông hóa khang trang, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%... Bí thư Tạ Quang Huy cho biết thêm, trong nhiệm kỳ tới, Đảng ủy Trầm Lộng xây dựng nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đưa xã Trầm Lộng phát triển khởi sắc, xứng đáng là quê hương cách mạng - ATK của Xứ ủy Bắc kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trầm Lộng - An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.