Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động ô nhiễm môi trường nông thôn

Kim Văn| 30/09/2015 06:20

(HNM) - Chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải từ làng nghề xả bừa bãi ra môi trường… khiến môi trường sống nhiều nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Trước đây, rác thải ở nông thôn chủ yếu là các loại hữu cơ, dễ phân hủy, nhưng nay có thêm nhiều loại rác thải độc hại song lại không được thu gom, vận chuyển kịp thời để xử lý. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2014: Khối lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn là khoảng 6,6 triệu tấn/năm; tỷ lệ thu gom rác tại các vùng ven đô đạt khoảng 80%, một số vùng sâu, vùng xa chỉ đạt trên 10%...

Người dân làng Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ) sử dụng nước ao trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.


Bức xúc hơn là tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề. Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề, đa dạng cả về ngành nghề lẫn phương thức sản xuất. Đánh giá mới đây của UBND TP Hà Nội khẳng định: Dù đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm song môi trường làng nghề chưa đạt mục tiêu đề ra do ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp, hộ gia đình còn thấp. Việc đầu tư các dự án xử lý nước thải theo hình thức xã hội hóa còn khó khăn, hạn chế nên ở nhiều làng nghề vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường ở các làng nghề hiện nay đang ở mức báo động đỏ, khi một số nơi mức độ ô nhiễm do kim loại nặng, độc hại cao gấp 3.000 lần quy chuẩn cho phép, chưa kể chất thải của các làng nghề tái chế nhựa, giấy, dệt nhuộm có sử dụng lượng hóa chất công nghiệp lớn đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tại nhiều làng nghề, các chỉ số ô nhiễm như BOD, COD, chất ô nhiễm hữu cơ trong nước thải đều vượt ngưỡng cho phép. Các chỉ số ô nhiễm về không khí như CH4, H2S, NH3 phát sinh từ việc sử dụng hóa chất trừ sâu, chất thải chăn nuôi không đúng quy cách là rất cao. Người dân ở khu vực nông thôn đang đối mặt với nhiều bệnh tật mới phát sinh do ô nhiễm môi trường, do sử dụng các nguồn nước từ ao hồ, kênh rạch không bảo đảm để sinh hoạt hằng ngày. Thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ) là một trong 10 làng có nguồn nước ô nhiễm nhất Việt Nam, bị gắn danh xưng "làng ung thư". Hiện thôn này có hơn 400 hộ dân, với khoảng 2.000 nhân khẩu nhưng chưa có công trình cấp nước sạch tập trung, đa số người dân sử dụng nguồn nước mặt để sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước này hiện đang bị ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, tồn dư hóa chất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Có thể đây là nguyên nhân khiến gần đây, nhiều người làng Lũng Vị chết khi tuổi đời còn rất trẻ.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe người dân, cả nước đang đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Trong đó, môi trường là một trong 19 tiêu chí có số điểm cao nhất các địa phương phải hoàn thành nếu muốn được công nhận nông thôn mới. Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, dù đã cố gắng tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường nhưng nhiều xã vẫn bị trừ điểm ở tiêu chí này với các lỗi chủ yếu là xây dựng nghĩa trang không theo quy hoạch, thiếu hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chưa có nước sạch…

Năm 2015, trong chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy chủ đề "Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững", nhấn mạnh vai trò của khu vực nông thôn Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường cũng như xây dựng nông thôn mới hướng tới một nền sản xuất tiên tiến và bền vững. Để bảo vệ môi trường, cách đơn giản mà mỗi người đều có thể làm được là phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố, công viên, khơi thông dòng chảy, trồng thêm nhiều cây xanh; giáo dục, vận động mọi người trong gia đình, cơ quan, cộng đồng cùng có ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, lên án đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, năng lượng của những người xung quanh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động ô nhiễm môi trường nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.