Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự hào dáng vóc Thủ đô

Lê Hoàn| 01/11/2015 05:40

(HNM) - Cách ngày khai mạc Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2015-2020 hơn một tuần, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Đan Phượng - huyện đầu tiên của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Hà Nội hôm nay. Ảnh: Vũ Long


Sát phiên khai mạc, Hà Nội có một loạt sự kiện: Công bố quy hoạch chi tiết Khu di tích thành Cổ Loa; khởi công Bệnh viện Nhi Hà Nội; khánh thành Trung tâm Thương mại AEON Mall Long Biên, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ, khánh thành nút giao thông Bắc Hồng... Những sự kiện đó như những nét vẽ sinh động trong bức tranh Thủ đô có nhiều điểm sáng ở cả đô thị và nông thôn.

Đô thị hiện đại

Với một Thủ đô đang trong quá trình CNH, HĐH, quy mô và tốc độ đô thị hóa rất nhanh thì những gì Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội nỗ lực thực hiện trong nhiệm kỳ qua rất đáng tự hào. Khi nói về chặng 5 năm qua vượt lên những khó khăn, thách thức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị từng nói: "Tôi hình dung như một con tàu đi ra biển khơi, số ngày thời tiết thuận lợi trong năm dường như ít hơn số ngày sóng to gió lớn. Nhưng điều rất mừng là cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng, lúc bình thường cũng như lúc khó khăn gay gắt, cam go nhất, chúng đã vượt qua rất thành công, cả trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh, đối ngoại".

Quả vậy, kinh tế Hà Nội 5 năm qua dù còn một số chỉ tiêu chưa đạt nhưng vẫn tăng gấp gần 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. Trong khó khăn mới thấy hết ý chí quyết tâm, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân vì mục tiêu dựng xây Thủ đô phát triển, văn minh, hiện đại và đây chính là nguyên nhân quan trọng tạo nên thành công của nhiệm kỳ vừa qua. Nhìn diện mạo đô thị ngày hôm nay so với mười mấy năm trước ai ai cũng cảm nhận rất rõ là sự lớn lên, đổi thay, khang trang, hiện đại từ hạ tầng giao thông, các khu đô thị, trung tâm thương mại đến các công trình văn hóa...

Một góc Hồ Tây. Ảnh: Trà My


Không chỉ có mặt tích cực, Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận rõ mặt làm chưa tốt, chưa kiểm soát hết trong quá trình phát triển. Từ công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, vấn đề bảo đảm giao thông, một số lĩnh vực và cả lối sống ứng xử của một bộ phận người chưa thực sự xứng đáng với truyền thống thanh lịch, văn minh. Cách nhìn đa chiều giúp Hà Nội cắt nghĩa và tìm được những giải pháp hữu hiệu. Chẳng hạn khi nói tới ùn tắc giao thông, Hà Nội đánh giá trên cả hai mặt.

Mặt tích cực là nhìn vào một đất nước, một Thủ đô đang có sự phát triển nhanh, khả năng mua sắm phương tiện của các gia đình ngày càng tăng, tiến xa so với những năm trước đây. Mặt chưa tích cực là sự gia tăng đột biến của các phương tiện gây nên những bất cập vì hạ tầng chưa đáp ứng. Để giải được bài toán khó, Hà Nội tìm cách huy động nguồn lực, vốn đầu tư, không chỉ ngân sách trong nước, nguồn xã hội hóa mà cả vốn ODA nước ngoài, thậm chí là kêu gọi nước ngoài đầu tư BT, BOT... Trong 5 năm qua, Hà Nội đã dồn tổng nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng: Mở rộng các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm, xây dựng cầu mới qua Sông Hồng, 7 cầu vượt nội đô... Tất cả những việc làm đó từng bước cải thiện giao thông nội đô.

Ngoài lo chuyện đi lại của người dân, thành phố đã cố gắng cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng điện, cấp thoát nước, xây dựng mới nhiều trường học, bệnh viện lớn, phát triển mạng ống truyền dẫn và phân phối nước sạch, cải tạo các hồ nước, công viên, vườn hoa, trồng mới và chỉnh trang đô thị. Hà Nội cũng xây dựng nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở hiện đại gắn với điều chỉnh phân bố dân cư; phát triển nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên, nhà ở cho công nhân, các đối tượng chính sách và người có thu nhập thấp; cải tạo chung cư cũ; di dời một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học ra ngoài khu vực nội đô. Những việc làm thiết thực đó giúp cho cuộc sống của người dân đô thị tốt, tiện nghi, hiện đại hơn.

Nông thôn đổi mới

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đan Phượng - huyện đầu tiên của thành phố đạt chuẩn NTM là món quà ý nghĩa dành tặng Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Theo quy định, để đạt huyện NTM phải có ít nhất 75% số xã đạt chuẩn NTM trở lên, nhưng đến hết năm 2014, Đan Phượng có 13/15 xã (86,67%) đạt danh hiệu này. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau, song cách của Đan Phượng là tập trung huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nông dân gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Trong hơn 2.150 tỷ đồng đầu tư, người dân đóng góp gần 202 tỷ đồng, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đóng góp gần 98 tỷ đồng. Số tiền này để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông liên xóm, giao thông nội đồng, xây dựng kênh mương, trường học, làm nhà văn hóa... Không chỉ có đường đẹp, trường học, nhà văn hóa khang trang, quá trình xây dựng NTM còn giúp Đan Phượng thực hiện cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng tổng kết, thành công của chương trình NTM đã giúp huyện hình thành hơn 950ha diện tích sản xuất chuyên canh, trồng nhiều loại cây có giá trị thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm.

Không riêng Đan Phượng, khu vực nông thôn, nông nghiệp, nông dân ở Thủ đô Hà Nội thực sự có bước chuyển về chất. Hơn 5.800 tỷ đồng đã được đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, xây dựng trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa... tại khu vực ngoại thành. Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn nhẩm tính, chỉ riêng 3 xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân (trước đây thuộc tỉnh Hòa Bình), số kinh phí được đầu tư trong 5 năm qua bằng tổng kinh phí đầu tư của 30 năm trước. Tại 3 xã này, đường nhựa, đường bê tông về tới tận thôn; trạm y tế được xây dựng đạt chuẩn; hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại…

Được thụ hưởng thành quả NTM, bà Đinh Thị Hương, xã Tiến Xuân (Thạch Thất) so sánh: "Từ khi trở thành một xã của Thủ đô, quê tôi thay đổi rất nhiều. Đường đi lại tốt hơn, điện cũng đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp về đầu tư các ngành nghề trên địa bàn xã giúp cho người dân thêm công ăn việc làm, kéo theo dịch vụ cũng phát triển". Còn tại Thanh Trì, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Khương cho rằng, thành công lớn nhất là phát huy và nhân rộng mô hình đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp cùng với mô hình "nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng, ngõ xóm", trong đó có hộ hiến đất trị giá 1 tỷ đồng phục vụ sự nghiệp đổi mới.

Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng và toàn dân, ngoại thành Hà Nội hôm nay đường khang trang rộng mở, nhà cao tầng san sát... song hành cùng một đô thị hiện đại. Vóc dáng Thủ đô đã xanh - sạch - đẹp và văn minh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào dáng vóc Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.