Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời khen chê của người dân: Nên được coi là liều "thuốc thử"

Bảo Hân| 20/11/2015 16:09

(HNMO)- Nhiều ĐB Quốc hội đều có chung quan điểm việc xử phạt với 3 cán bộ tại An Giang phải căn cứ vào quy định của pháp luật chứ không thể theo kiểu suy diễn, áp.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)


Ngày 20/11, trao đổi với báo giới, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, từ hiện tượng này các cơ quan chức năng phải vào cuộc nếu một cách nghiêm túc để xử lý, công bằng và quan trọng là để lại một quy định thành văn hoặc không thành văn về quan hệ giữa người lãnh đạo và người dân.

Cũng theo ĐB này, những lời khen chê của người dân phải được coi là liều "thuốc thử". Ví dụ số đông người không tán thành với lời bình luận ấy thì đó là sự ủng hộ của người lãnh đạo. Qua hiện tượng này cũng nên quan tâm để góp phần điều chỉnh các vấn đề chung của xã hội, trong quan hệ giữa người lãnh đạo với người dân.

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng nhận định việc xử phạt cán bộ vì nói xấu Chủ tịch tỉnh trên facebook có thể coi là một chuyện “đặc biệt” bởi đây là lần đầu tiên có sự việc này xảy ra và bị xử lý.

Theo ông Thắng, các cơ quan chức năng phải có căn cứ vào pháp luật cụ thể để đưa ra một kết luận chính xác. Còn nếu chỉ căn cứ vào hiện tượng và câu nói đó, cùng một lúc xử lý mấy cá nhân, kể cả những người liên quan chỉ "like" trạng thái như vậy là không thoả đáng. Mức xử phạt hành chính 5 triệu đồng/người tôi cho rằng là quá cao.

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)


ĐB này cũng khuyến cáo việc dùng mạng xã hội phải hết sức thận trọng bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, có thể ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực với một người nào đó. Đặc biệt trong trường hợp này là ảnh hưởng đến một đồng chí lãnh đạo đứng đầu tỉnh.

Bày tỏ băn khoăn về mức xử phạt trên,theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), khi đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì phải xem lại cơ sở, căn cứ có phù hợp. Nếu sự việc chỉ đáng nhắc nhở mà xử phạt tiền lên tới 5 triệu đồng thì không thoả đáng. Trường hợp đã xử lý bằng luật pháp rồi thì người bị xử lý nếu thấy oan ức, quyết tâm đấu tranh thì có thể sử dụng công cụ khiếu nại theo Luật Khiếu nại tố cáo và sau đó nếu thấy việc giải quyết không thỏa đáng thì có thể khởi kiện ra tòa.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM)


Tuy nhiên, cũng từ sự việc này, ông Nghĩa cho rằng cũng cần suy nghĩ về việc xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau trên mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời khen chê của người dân: Nên được coi là liều "thuốc thử"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.