Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để mỗi ngày đều là Ngày Pháp luật

Hà Phong| 01/12/2015 06:56

(HNM) - Không chỉ tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL) trước, trong ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9-11), TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, phấn đấu mỗi ngày trong năm đều là ngày Pháp luật.

Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho người dân tại các điểm trung chuyển xe buýt.


Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, GDPL TP Hà Nội - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương xung quanh vấn đề này.

- TP Hà Nội vừa nhận giải A của Ban tổ chức cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp trung ương vì có nhiều bài dự thi nhất cả nước và chất lượng bài thi cao (đạt nhiều giải trong đó có 1 bài đạt giải nhất). Song, dư luận còn băn khoăn, hoạt động tìm hiểu pháp luật nếu chỉ tổ chức trong những đợt cao điểm sẽ không có tác dụng lâu bền. Làm thế nào để phấn đấu mỗi ngày trong năm đều là ngày Pháp luật như Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi, thưa bà?

- Chúng tôi xác định rõ, việc phát động cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, một hình thức hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam của Hà Nội. Để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả dài hơi, phấn đấu mỗi ngày trong năm đều là ngày Pháp luật, thành phố luôn coi việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phổ biến, GDPL là công việc của cả hệ thống chính trị. Hội đồng Phối hợp phổ biến, GDPL các cấp đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương từng bước đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền và rút kinh nghiệm trong việc vận dụng, áp dụng pháp luật trong giải quyết công việc hằng ngày của cán bộ, công chức, viên chức.

Rất nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến GDPL đã được các cơ quan, đơn vị áp dụng như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật mới gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tăng cường giao lưu, đối thoại chính sách giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân hoặc tổ chức các diễn đàn, hội nghị góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, gắn với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Những nội dung này đã được các cơ quan báo chí Thủ đô vào cuộc khẩn trương, nhiệt tình, thông tin nhanh nhạy, kịp thời.

Ngoài ra, Hà Nội đặc biệt chú trọng tăng cường tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; tổ chức triển lãm tranh, hình ảnh, tài liệu về xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật, tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động để thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân; xây dựng, phát hiện nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả trong công tác phổ biến, GDPL.

- Vậy, những đơn vị nào có nhiều sáng kiến tiêu biểu, thưa bà?

- Hiện nay, có khá nhiều mô hình mới thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết, tinh thần học hỏi của các cơ quan, đơn vị. Điển hình là Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức triển khai đồng loạt một ngày trợ giúp pháp lý miễn phí tại các quận, huyện, văn phòng, công ty luật. Các quận, huyện, sở, ngành chọn một ngày nhất định hoặc ngày thứ hai của tuần đầu tiên mỗi tháng để thực hiện ngày Pháp luật. Năm 2015, CATP đã phối hợp với hơn 80 trường đại học, cao đẳng phổ biến pháp luật cho 72.000 sinh viên; tổ chức 13 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TTATGT.

Bên cạnh đó, CATP còn duy trì tuyên truyền trực tiếp về pháp luật giao thông tại các trường, các ngã tư, góp phần nâng cao ý thức của học sinh, sinh viên và mọi người khi tham gia giao thông. Riêng với thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, CA các quận phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các đoàn thể và gia đình để theo dõi, hướng dẫn các em tự rèn luyện bản thân, tham gia các hoạt động cộng đồng... Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc tổ chức ngày Pháp luật chưa thực sự đi vào chiều sâu, mới chỉ triển khai theo hình thức được hướng dẫn, một số quận, huyện còn lẫn hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo kế hoạch với hoạt động của ngày Pháp luật.

- Vậy, theo bà cần những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả tổ chức ngày Pháp luật hơn nữa?

- Theo tôi, đầu tiên cần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về nguồn lực thực hiện từ con người đến cơ sở vật chất của các cấp ủy đảng, chính quyền để triển khai thực hiện ngày Pháp luật. Tiếp đến, phải nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mới tuyên truyền tốt. Ngoài ra, cần tác động mạnh vào ý thức chấp hành của người dân cũng như tăng chất lượng tài liệu phổ biến pháp luật phát cho người dân; tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện ngày Pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phổ biến pháp luật, thực thi và chấp hành pháp luật.

Có như vậy mới nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các quan hệ pháp luật; cán bộ, nhân dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình đúng quy định pháp luật, giảm bớt tình trạng khiếu nại không có căn cứ, kéo dài, vượt cấp, xây dựng môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để mỗi ngày đều là Ngày Pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.