Theo dõi Báo Hànộimới trên

Máy bay chữa cháy khó… cất cánh?

Tiến Thành| 16/03/2016 09:19

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang có hàng trăm tòa nhà cao từ 10 tầng trở lên. Thế nhưng, các phương tiện chữa cháy, cứu hộ mặt đất chỉ đáp ứng nhu cầu chữa cháy đến tầng thứ 15. Máy bay chữa cháy là một giải pháp khắc phục hạn chế này, nhưng...

Hệ thống xe thang hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng.


Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh, thời điểm cuối năm 2015, trên địa bàn thành phố có 488 công trình cao 10-20 tầng, 103 công trình cao 20-30 tầng và 17 công trình cao trên 30 tầng. Riêng chung cư cao tầng, có 223 nhà cao từ 10 tầng trở lên. Tại các tòa nhà cao tầng, việc vi phạm quy định PCCC diễn ra phổ biến, khiến nỗi lo cháy nổ luôn thường trực.

Các phương tiện chữa cháy hiện tại chưa đủ khả năng chữa cháy tại các tòa nhà có chiều cao 15 tầng trở lên. Xe thang cao nhất của Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh hiện tại cao 72m được trang bị từ năm 1999. Tuy nhiên, xe này chủ yếu "nằm kho" bởi thời gian sử dụng đã lâu nên thường xuyên bị trục trặc kỹ thuật, lại không phù hợp trong các tình huống chữa cháy tại hẻm, ngõ nhỏ.

Nhằm giải "bài toán" chữa cháy, cứu hộ cứu nạn nhà cao tầng, cuối năm 2015, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 60/2015/TT-BCA quy định, mỗi đô thị đặc biệt sẽ được trang bị 1 - 2 máy bay trực thăng phục vụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt dự án "Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn thành phố đến năm 2025", trong đó từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ mua 4 máy bay trực thăng chuyên dụng, trong 5 năm tiếp theo sẽ mua thêm 2 chiếc nữa.

Về vấn đề trên, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho rằng, trang bị trực thăng chữa cháy là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề hạ tầng, không lưu, quy chế bay, bảo trì bảo dưỡng, đào tạo nhân lực vận hành... là trở ngại cần giải quyết trước khi mua máy bay. Bên cạnh đó, khi đưa phương tiện có kinh phí lớn vào sử dụng phải đạt hiệu quả cao nhất, nếu lâu năm mới sử dụng đến sẽ lãng phí, chưa kể dễ trục trặc kỹ thuật. Quan trọng hơn, việc quản lý bay liên quan đến nhiều ngành nên việc một chiếc máy bay chữa cháy cất cánh rất phức tạp, trong khi chữa cháy đòi hỏi thời gian phải rất nhanh chóng, kịp thời.

Trong khi đó, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia về quy hoạch hạ tầng đô thị nhận định, một trực thăng chữa cháy có trị giá hàng chục triệu USD, nhưng tần suất sử dụng 1 năm là rất ít trong 15 năm tuổi đời của máy bay. Hơn nữa, lượng nước trực thăng có thể mang không lớn, lượng người có thể ứng cứu cũng thấp. Một trực thăng trung bình chỉ có thể cứu khoảng chục người/lần bay, đồng thời khi nhà cao tầng cháy thì lửa và khói bốc lên cao làm trực thăng không thể hạ cánh và người không thể tụ tập trên mái chờ ứng cứu.

Do đó, nên ưu tiên dùng kinh phí cho việc kiện toàn luật xây dựng về PCCC, xây dựng các trụ nước chữa cháy cho các khu vực có nguy cơ cao trong thành phố, tổ chức lại phương án PCCC tại các địa bàn còn yếu kém, đặc biệt là nhà cao tầng. Cũng theo ông Sơn, ở quốc gia có nhiều siêu đô thị như Hoa Kỳ, đa phần các thành phố không xem trọng việc chữa cháy và ứng cứu trên cao bằng việc tập trung chữa cháy và ứng cứu dưới mặt đất. Thậm chí, siêu đô thị như New York cũng không trang bị trực thăng chữa cháy.

Với kinh nghiệm của một chủ đầu tư chung cư cao tầng, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành lại nêu quan điểm khác. Theo đó, TP Hồ Chí Minh rất cần có trực thăng để thực hiện PCCC và cứu hộ cứu nạn tại các tòa nhà cao tầng. Bởi năng lực của lực lượng PCCC hiện nay chỉ chữa cháy, cứu hộ được dưới 15 tầng, thao tác cũng rất chậm chạp, lúng túng. Trực thăng có thể thực hiện hai nhiệm vụ PCCC và cứu hộ từ trên không, giải quyết được khiếm khuyết về độ cao của phương tiện chữa cháy mặt đất hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Máy bay chữa cháy khó… cất cánh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.