Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng chống cháy nổ mùa nóng: Vẫn còn nhiều bất cập!

Diệu Linh| 12/04/2016 14:26

(HNMO) - Chiều ngày 12/4, trong buổi họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội đã có những chia sẻ về diễn biến tình hình cháy nổ trên địa bàn cũng như các công tác trọng tâm trong thời gian tới.

(HNMO) - Chiều ngày 12/4, trong buổi họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội đã có những chia sẻ về diễn biến tình hình cháy nổ trên địa bàn cũng như các công tác trọng tâm trong thời gian tới.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội.


Theo báo cáo nhanh tại họp báo, trong quý đầu năm 2016, Trung tâm Thông tin chỉ huy - Cảnh sát PC&CC Thành phố đã tiếp nhận và xử lý trên 1.000 tin báo cháy và yêu cầu cứu nạn, cứu hộ. Qua xử lý và phân tích thống kê, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 61 vụ cháy, 1 vụ nổ khí gas, 275 sự cố (cháy nhỏ không thiệt hại đáng kể) khiến 2 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 7 tỷ đồng và 3ha rừng. Lực lượng đã tham gia 8 vụ cứu nạn-cứu hộ, cứu được 10 người. 


Tăng cường hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn toàn thành phố

Phát biểu tại buổi họp giao ban, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PC&CC Thành phố Hà Nội - cho biết trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, Thành uỷ, HĐND và UBND Thành phố để tăng cường tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị, Kế hoạch của Thành uỷ và UBND Thành phố về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới. 

Tập huấn kĩ năng phòng cháy và chữa cháy tại Báo Hànộimới năm 2016.

Được biết, sau khi hoàn thành công tác triển khai lực lượng, phương án bảo vệ an toàn 31 điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa cùng các hoạt động đón mừng năm mới trên địa bàn, Cảnh sát PC&CC Thành phố trong thời gian tới cũng sẽ tập trung tối đa cả lực lượng, phương tiện nhằm triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV; bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và các kỳ cuộc khác diễn ra trên địa bàn thành phố. Mặt khác, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện, rà soát - phát triển các nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các khu vực còn thiếu, mở rộng lưới trụ sở đơn vị PCCC, đảm bảo công tác trực chiến đấu sẵn sàng xử lý nhanh, kịp thời các vụ cháy, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ của thành phố.

Vẫn nhiều tồn tại bất cập trong công tác PC&CC nhà cao tầng
Theo thống kê cho thấy, trong số 61 vụ cháy xảy ra trên địa bàn thành phố trong quý đầu năm 2016, có tới hơn một nửa có nguyên nhân do điện. Trong đó, địa điểm xảy ra cháy chủ yếu là ở nhà dân, cơ sở sản xuất, quán ăn - bên cạnh nhiều trường hợp phương tiện cháy trong khi đang di chuyển. Điều này đặt ra nhiều lo ngại về công tác phòng cháy tại các khu dân cư, đặc biệt là các toà nhà cao tầng, nhà ống. 

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo chí.

Giải đáp thắc mắc về vấn đề này của phóng viên HMNO, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC Thành phố Hà Nội cho biết: qua công tác kiểm tra cơ bản cho thấy hiện trên địa bàn Hà Nội có 891 toà nhà cao tầng. Trong đó có 779 công trình đã đi vào hoạt động và 112 công trình đang trong giai đoạn thi công. Nhìn chung, phần lớn các công trình này đều tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng và đã được các cơ quan PC&CC thẩm duyệt trước khi thi công và nghiệm thu sau khi đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, một số công trình cũng nảy sinh nhiều bất cập. Khi phát hiện, lực lược PCCC cũng đã kiến nghị với cơ quan quản lý để khắc phục. 

Vụ cháy chung cư CT4A thuộc khu đô thị Xa La là tín hiệu báo động về công tác PC&CC tại các chung cư cao tầng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Cảnh sát PC&CC, một số tồn tại điển hình có thể điểm tới như việc chủ đầu tư biến đường giao thông thành bãi đỗ xe hoặc nơi bán hàng khiến xe chữa cháy gặp khó khăn khi cần tiếp cận toà nhà. Ngoài ra, một số công trình không tuân thủ khoảng cách giữa các khối nhà do cơi nới để làm trông giữ xe. Ngay trong các khu nhà, một số chủ đầu tư cũng thiếu sự quan tâm đúng mức tới công tác PCCC - đặc biệt là bảo dưỡng trang thiết bị. Trong khi đó, về phần mình, nhiều người dân cũng chưa chấp hành tốt các quy định về PCCC, biến cầu thành thoát hiểm toà nhà thành nơi hút thuốc, làm việc riêng hoặc kho chứa đồ, chặn các cửa cầu thang thoát nạn, "né" các đợt tập huấn kĩ năng PC&CC...


Tăng cường rà soát chống cháy nổ 
Sau vụ nổ ngày 9/3 tại khu đô thị Văn Phú, nhiều lo ngại liên quan đến những hiểm hoạ tiềm ẩn đã dấy lên trong dư luận. Trước vấn đề này, đại diện cơ quan PCCC Hà Nội cho biết khi vụ việc vẫn đang được phòng PC45 Công an Thành phố Hà Nội điều tra, lực lượng Cảnh sát PC&CC sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để tránh rủi ro đáng tiếc có thể tái diễn. Theo đó, những cơ sở thuộc diện quản lý PC&CC sẽ được mở hồ sơ giám sát và kiểm tra theo định kỳ, hướng dẫn công tác PC&CC theo quy định. Với những vựa thu gom, cửa hàng buôn bán đồng nát nhỏ lẻ, Cảnh sát PC&CC Hà Nội sẽ thường xuyên tiến hành nhắc nhở các phòng cảnh sát PC&CC huyện tư vấn, nhắc nhở không tàng trữ vật liệu cháy nổ. Tuy nhiên, công tác này vẫn cần tới sự hợp tác của người dân để có thể đạt được hiệu quả thực sự. 

Cảnh sát PC&CC Thành phố Hà Nội sẽ tích cực kiểm tra, giám sát các để tránh rủi ro cháy nổ xảy ra như vụ việc ở Văn Phú vừa qua.


"Riêng với vật liệu nổ công nghiệp, trước khi đơn vị xây dựng kho tàng đều phải được thẩm duyệt hồ sơ trước xây dựng và nghiệm thu sau hoàn thiện. Trong quá trình vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, họ phải được cấp giấy phép vận chuyển của Bộ Công an. Khi công trình đưa vào hoạt động, mỗi năm sẽ phải trải qua bốn lần kiểm tra - bao gồm cả kiểm tra đột xuất" - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Hà Nội sẽ chưa mua sắm trực thăng "ngàn tỷ"
Trước những dư luận về thông tin trực thăng tham gia phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết đây là chủ trương cần thiết và hiện nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng đã tổ chức thực hiện. Bản thân máy bay trực thăng không thuần tuý chỉ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong các vụ cháy mà đảm nhận cả công tác cứu nạn, cứu hộ trong nhiều trường hợp khác - đặc biệt là những nơi có điều kiện tiếp cận, cứu chữa nạn nhân gặp khó khăn.

Hà Nội sẽ chưa mua sắm ngay trực thăng chữa cháy trong tương lai gần.

Ở Hà Nội, Cảnh sát PC&CC cũng đã được Chính phủ và Bộ Công an giao tham mưu cho UBND Thành phố trong công tác triển khai thực hiện thông qua Đề án chung phát triển lực lượng PC&CC cơ sở, lực lượng Cảnh sát PC&CC Hà Nội tới năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, có nội dung đầu tư trang thiết bị phương tiện PC&CC nói chung và trang bị máy bay trực thăng nói riêng. Tuy nhiên, trước mắt, trong điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở còn nhiều điểm chưa phù hợp cho loại hình phương tiện mới này (nhà ga, bãi đỗ, phương tiện hỗ trợ, công tác duy trì bảo quản, diễn tập... đòi hỏi đầu tư rất lớn).

Chính  vì vậy, trước mắt Cảnh sát PC&CC sẽ phối hợp với quân đội nếu có yêu cầu sử dụng tới trực thăng cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Riêng với việc đầu tư mua sắm, dự kiến của đề án là phải tới giai đoạn năm 2025-2030. "Tuy nhiên, tới thời điểm đó chúng ta cũng phải tuỳ theo điều kiện kinh tế xã hội để tính toán, đưa ra phương án cụ thể" - Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khẳng định.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống cháy nổ mùa nóng: Vẫn còn nhiều bất cập!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.