Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham gia kinh doanh đa cấp: Dễ vào, khó “thoát”!

Thùy Ngân| 19/04/2016 07:03

(HNM) - Không có tiền để tham gia bán hàng đa cấp sẽ được vay tiền cho đủ điều kiện trở thành nhà phân phối; nhưng đến thời hạn không trả đủ tiền và lãi vay sẽ bị mời lên cơ quan công an giải quyết hoặc bị các đối tượng lạ mặt đòi nợ gắt gao…


Đó là thực trạng mà không ít người tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp vướng phải khi bị lôi kéo ký những hợp đồng mà bản thân không nắm rõ các nội dung trong đó.

Vay tiền lãi suất cao để tham gia đa cấp

Trong đơn gửi Báo Hànộimới, chị Nguyễn Phương Liên (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) trình bày trường hợp ông Nguyễn Mạnh Sơn (bố đẻ) đã tham gia kinh doanh đa cấp tại Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) địa chỉ tại M2-12 ô số 3, Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy). Ông Sơn thường trú tại Từ Sơn (Bắc Ninh) được người bạn cùng quê liên hệ gặp bà Trần Thị Nga - nhà phân phối của Công ty Thăng Long.

Những người này tư vấn cho ông Sơn rằng công ty đang có chương trình khuyến mãi giờ vàng khi mua các mã sản phẩm trị giá 46 triệu đồng thì sẽ nhận được nhiều chương trình khuyến mãi, kể cả không làm gì thì một, hai năm sau cũng sẽ được nhận số tiền rất lớn là 138 triệu đồng dành tiết kiệm tuổi già. Ông Sơn nói không có tiền thì được bà Nga gợi ý sẽ cho vay. Trao đi đổi lại thế nào, ông Sơn đồng ý ký giấy vay nợ 50 triệu đồng của bà Nga, nhưng thực tế chỉ cầm 4 triệu đồng để đi lấy hàng là máy lọc nước. Còn 46 triệu đồng được ghi nhận trên phiếu thu tiền do bà Phạm Ngọc Ánh lập (phiếu thu không số, không có lô gô, con dấu, chữ ký của đại diện Công ty Thăng Long), xác nhận ông Sơn chính thức tham gia mạng lưới đa cấp của Công ty Thăng Long.

Sau nhiều lần đi lấy máy lọc nước không được, ông Sơn nghi ngờ hoạt động của Công ty Thăng Long nên đã làm đơn xin chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp. Nhưng bà Nga và những người lúc trước nhận là tuyến trên của ông Sơn từ chối giải quyết. Ngay cả khi ông Sơn và con gái gửi đơn đến trụ sở chính của Công ty Thăng Long tại Hà Nội cũng không được giải quyết. Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, khi ông Sơn liên tục gửi đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng thì bà Nga cũng ráo riết đòi số tiền đã cho ông Sơn vay bao gồm cả lãi suất 1%/tháng. Ông Sơn không chỉ bị người lạ gọi điện đòi số tiền vay mà còn bị cả Công an TP Bắc Ninh triệu tập đến làm việc để giải quyết đơn tố cáo của bà Nga.

Trước sự việc diễn biến ngày càng phức tạp, con gái ông Sơn đã kêu cứu đến nhiều cơ quan chức năng và Báo Hànộimới với mong muốn "làm thế nào để bố tôi và gia đình thoát khỏi cái bẫy đa cấp và bẫy vay tiền lãi suất cao này"?

Nhân viên sai chứ công ty không sai?

Liên hệ làm việc với Công ty Thăng Long về trường hợp của ông Sơn cũng như một số biểu hiện kinh doanh sai quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, phóng viên Báo Hànộimới được hẹn sẽ trả lời bằng văn bản. Ngày 7-4-2016, Công ty Thăng Long có Công văn số 39/CV-NQTL do ông Giám đốc Phạm Ngọc Tuân trả lời. Nội dung văn bản khẳng định, ông Sơn tự nguyện cam kết, ký kết hợp đồng, tự nguyện mua tài liệu khởi nghiệp. Ông Sơn đã nhận hàng quá 30 ngày nên đề nghị trả lại hàng là không thực hiện được…

Tuy nhiên, Công ty Thăng Long cho biết, qua phản ánh của ông Sơn và cơ quan báo chí, đã tiến hành tìm hiểu và điều tra thông tin từ các nhà phân phối và những người liên quan. Kết quả cho thấy nhà phân phối Trần Thị Nga và nhân viên Phạm Ngọc Ánh không minh bạch trong kinh doanh và có những hành động không đúng với quy tắc đạo đức kinh doanh của công ty. Công ty Thăng Long đã tiến hành kỷ luật, thanh lý hợp đồng, hủy tư cách nhà phân phối đối với bà Trần Thị Nga và yêu cầu đại lý Bắc Ninh quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với nhân viên Phạm Ngọc Ánh. Quyết định này được cho là thể hiện sự nghiêm minh của Công ty Thăng Long đối với hành vi sai trái của nhà phân phối và để tránh gây hiểu lầm, hiểu sai, Công ty Thăng Long đồng ý thanh lý hợp đồng với ông Sơn.

Chị Nguyễn Phương Liên (con ông Sơn) cho biết, tuy Công ty Thăng Long đã đồng ý thanh lý hợp đồng nhưng vì việc tham gia bán hàng đa cấp của ông Sơn liên quan đến khoản tiền vay với bà Nga nên buổi thanh lý hợp đồng phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan mới chốt được vấn đề. Ngày 6-4-2016, được coi là ngày ông Sơn "thoát" khỏi mạng lưới đa cấp trên cơ sở chủ đại lý ở Bắc Ninh viết phiếu chi 46 triệu đồng cho bà Nga, ông Sơn trả lại 4 triệu đồng cầm trực tiếp của bà Nga để nhận lại giấy vay nợ 50 triệu đồng. Theo chị Liên, có được kết quả này nhờ sự hỗ trợ và can thiệp kịp thời của cơ quan truyền thông đại chúng chứ trước đó gia đình bà đã nhiều lần đi lại nhưng không được giải quyết.

Bị "cuốn" vào kinh doanh đa cấp và quá trình "vật vã" để thoát ra, chắc ông Sơn đã đủ ngấm. Bởi không nhiều người được may mắn như ông, có sự trợ giúp kịp thời của gia đình và cơ quan chức năng. Nhiều nạn nhân khác đã kiệt quệ tài chính và hoảng loạn tinh thần, mất cả cơ ngơi tài sản bao nhiêu năm gây dựng, thậm chí cùng đường đã tìm đến cái chết.

Hiện nay, cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các công ty kinh doanh đa cấp hoạt động sai quy định. Nhiều thông tin cảnh báo cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân phải tỉnh táo tránh rơi vào bẫy kinh doanh đa cấp vì huyễn tưởng vào các khoản lãi kếch sù không do lao động làm ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia kinh doanh đa cấp: Dễ vào, khó “thoát”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.