Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng để TP Hồ Chí Minh cất cánh

Hà Phạm| 30/04/2016 09:17

(HNM) - Trong định hướng phát triển đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh xác định phát triển hạ tầng đô thị gắn liền với liên kết vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị được xem là


Tăng cường kết nối vùng

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho hay, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó, việc phát triển hạ tầng đô thị sẽ gắn chặt với liên kết vùng.

Trước hết, phải kể đến giao thông đường bộ, ngoài 2 tuyến cao tốc đã hoàn thành và đưa vào khai thác là TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (kết nối TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai) và TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL), hiện Bộ GTVT đang triển khai xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến hoàn thành năm 2018, với tổng chiều dài 57km. Khi đó, giao thông đường bộ sẽ được kết nối liên vùng phía Tây và Đông Nam Bộ mà không cần qua TP Hồ Chí Minh, nối trực tiếp với mạng lưới đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống Cảng biển Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh), Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và với Sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), Cụm khu công nghiệp tại Bến Lức (Long An). Cùng với đường Vành đai 3 (dài gần 90km, đi qua: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An), khi hoàn thiện tuyến cao tốc này, TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối với các quốc lộ: 1, 1K, 13, 22, 50 và các tuyến cao tốc hiện hữu.

Chiều ngược lại, hệ thống cầu mang tầm quốc gia đã và đang được xây dựng tại khu vực ĐBSCL. Đến nay, bên cạnh vừa đưa vào sử dụng cầu Mỹ Lợi (rút ngắn chiều lưu thông TP Hồ Chí Minh đến Tiền Giang khoảng 50km) và Cổ Chiên (rút ngắn 70km từ TP Hồ Chí Minh đi Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng), hiện ĐBSCL có 7 cây cầu giúp tăng kết nối với TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ gồm: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Năm Căn (đã đưa vào sử dụng), Vàm Cống và Cao Lãnh (hoàn thành năm 2017). Một cây cầu "khủng" khác được xây dựng cuối năm 2015 là cầu Đại Ngãi (dài hơn 3km) nằm trên QL60, nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Khi hoàn thành (năm 2018), cầu sẽ nối thông toàn tuyến để khai thác thế mạnh toàn bộ các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...; đồng thời, rút ngắn khoảng 70km khi đi từ TP Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng.

Phát triển hạ tầng đô thị

Nằm trong kế hoạch đa dạng hóa hạ tầng đô thị, TP Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với Bộ GTVT cùng các địa phương trong vùng, hình thành các trục hành lang quốc tế. Cụ thể, ngoài việc có các tuyến QL22 đi Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), QL1 đi ra phía Bắc và nhánh phụ là QL51 đi Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo xác định của chính quyền TP Hồ Chí Minh, sau năm 2020, sẽ phát triển các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Vành đai 2, cao tốc Bắc - Nam, nhánh phụ nối Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải chuyển thành đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời, trục hành lang TP Hồ Chí Minh - Lộc Ninh - Campuchia, giai đoạn sau năm 2020 sẽ chuyển thành tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước).

Cũng theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển các tuyến đường sắt kết nối với các tỉnh lân cận và ĐBSCL. Ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia tới Mỹ Tho - Cần Thơ; tuyến đường sắt đôi TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh, định hướng kéo dài lên Cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát, và kết nối với tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ.

Không thể bỏ qua thế mạnh về đường thủy và cảng biển của cả vùng phía Nam. Về đường thủy, luồng Soài Rạp đang được UBND TP Hồ Chí Minh kêu gọi vay vốn tiếp tục thực hiện dự án nạo vét (giai đoạn 3) nhằm bảo đảm cho tàu 70.000 tấn lưu thông. Cùng với luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải, luồng tàu biển Soài Rạp sẽ giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trong những vùng phát triển quan trọng bậc nhất đất nước, thương cảng quan trọng trong khu vực. Bên cạnh đó, hiện TP Hồ Chí Minh đang mở rộng 2 luồng chính nối TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL là tuyến đi Cà Mau và Kiên Giang theo sông Sài Gòn - Kênh Tẻ...

Cuối cùng, đường hàng không cũng được xác định là "mũi nhọn" trong quá trình hoàn thiện hạ tầng đô thị, xích lại gần hơn nữa cho cả vùng phía Nam với TP Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam qua cửa ngõ TP Hồ Chí Minh chiếm gần 50% tổng lượng hành khách toàn quốc. Để khẳng định vai trò trên, Bộ GTVT vừa chính thức phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó, tăng diện tích sử dụng đất lên 8ha nhằm xây dựng CHKQT cấp 4E với công suất 25 triệu khách/năm. Đồng thời, ngành Hàng không cũng sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng CHKQT Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá và tăng các chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh với các sân bay này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng để TP Hồ Chí Minh cất cánh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.