Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ly nông mà không ly hương: Bài toán khó!

Nguyễn Mai| 01/05/2016 11:06

(HNM) - Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, các trục đường chính ở ngoại thành vẫn tấp nập dòng người vào nội đô tìm kiếm việc làm, mưu sinh. Thiếu việc làm tại chỗ, có việc làm nhưng thu nhập không cao... là những lý do khiến lao động nông thôn đổ về thành phố. Bài toán

Một ngày bán hàng rong của chị Lan, xã An khánh.


Nặng gánh mưu sinh

Vài cái thảm chùi chân, mấy cây chổi lau nhà, chổi đót, chổi tre, phất trần, vòng lắc, gối mây… được chằng buộc cẩn thận trên chiếc xe đạp cà tàng, từ sáng sớm chị Lan, thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức đã rời nhà vào nội đô bắt đầu một ngày làm việc mới. "Đất nông nghiệp đã bị thu hồi hết, không có nghề gì nên phải đi bán hàng rong hơn chục năm nay. Sáng đi, tối về, mỗi ngày chỉ kiếm được 60-100 nghìn đồng thôi. Chị em trong xã cũng không muốn đi bán hàng rong đâu. Lớn tuổi nên ngại không muốn đi học nghề. Hơn nữa, một số nghề đưa về xã dạy như trồng rau, cây cảnh nhưng ở đây đã bị thu hồi hết đất nông nghiệp nên ít người đi học" - chị Lan cho biết.

Chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Huy Hoán trầm tư: Sau thu hồi đất nông nghiệp, lao động - việc làm trở thành một trong những gánh nặng đối với địa phương. Cả xã đã bị thu hồi trên 400ha đất nông nghiệp, diện tích còn lại khoảng 100ha cũng đã nằm trong các quy hoạch sẽ thu hồi trong nay mai. Tuy vậy, chỉ một số lao động trẻ có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp, còn lại những lao động tuổi từ 45, 50, 60 thì thiếu việc làm nghiêm trọng.

Không riêng xã An Khánh, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Kim Thư cho biết, Hoài Đức có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi lớn, nông dân nhiều xã phải bươn đủ nghề để kiếm sống. Ngoài An Khánh còn có xã Di Trạch với hàng trăm hộ dân có nghề buôn bán hoa quả khắp các chợ nội thành.

Nếu như các xã An Khánh, Di Trạch người dân tìm được việc làm ngay tại nội đô thì ở xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, vì cuộc sống mưu sinh hàng trăm đàn ông trai tráng trong xã phải đi làm ăn ở xa. Chị Nguyễn Thị Yến, Thôn 4 thở than: "Cả năm chồng tôi chỉ về nhà mấy ngày Tết rồi đi biền biệt. Anh ấy làm xây dựng ở khu vực Hòa Bình. Tôi ở nhà vừa phụng dưỡng cha mẹ già yếu vừa nuôi nấng, dạy bảo các con thơ. Không có người đàn ông trong nhà, việc nặng, việc nhẹ đều đến tay đã đành nhưng cuộc sống còn khó khăn hơn gấp bội khi thiếu thốn tình cảm, đặc biệt là dạy bảo các con khi chúng đang tuổi trưởng thành".

Việc người dân ngoại thành đổ về buôn thúng bán bưng đã khiến các ngả đường ở nội đô thêm đông cứng, ùn tắc... Làm thế nào để giải quyết tình trạng trên - đó là vấn đề nan giải rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành.

Để ly nông không phải ly hương

Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội: Những năm qua, nhiều vùng nông thôn đã bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị nhưng việc chuyển đổi nghề cho nông dân chưa theo kịp. Cùng với đó, Hà Nội cũng đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa, cơ giới hóa được đưa vào sản xuất nên giải phóng sức lao động. Lao động dôi dư nhiều rất cần có thêm việc làm để cải thiện cuộc sống và làm giàu chính đáng.

Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đến công tác dạy nghề, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân việc dạy nghề kết quả chưa cao. Ông Nguyễn Danh Thưởng, Trưởng phòng Khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội là đơn vị được giao dạy nghề, truyền nghề cho khu vực nông thôn chỉ ra rằng: Các lao động trẻ thuộc vùng ven đô có thể vào thành phố làm việc thời vụ như đi chợ, xe ôm, lao động chân tay khác... kiếm tiền nhanh và tự do nên ham hơn học nghề và làm nghề. Nhiều hộ dân được đền bù đất nông nghiệp nên có nhiều tiền, ban đầu không mặn mà với việc học nghề. Ý thức văn hóa, kỷ luật của lao động nông thôn chưa cao vì hầu hết xuất phát từ nông dân và có trình độ hạn chế khiến người dân không muốn học nghề.

"Quyết định 1956 của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn ra đời rất kịp thời, nhiều hỗ trợ cho nông dân khi học nghề nhưng khi thực hiện thì chưa hiệu quả. Do việc khảo sát chưa kỹ nên sau học nghề lao động bám trụ được với nghề chưa nhiều. Thời gian học ngắn (3 tháng) lại yêu cầu phải tìm được "đầu ra" mới đào tạo là rất khó" - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Kim Thư cho biết.

Bài toán lao động - việc làm, làm sao để ly nông mà không ly hương đã và đang tiếp tục đặt ra đối với khu vực nông thôn, đặc biệt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Lao động có việc làm thường xuyên sẽ thúc đẩy nhiều tiêu chí khác trong bộ 19 tiêu chí nông thôn mới như thu nhập, đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục, nhà ở dân cư...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ly nông mà không ly hương: Bài toán khó!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.