Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa từ những cẩu tháp

Duy Biên| 05/05/2016 08:19

(HNM) - Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn công trình xây dựng cao tầng sử dụng cẩu tháp để vận chuyển vật liệu xây dựng thi công. Trong số đó có nhiều công trình nằm trong khu dân cư, sát với tuyến giao thông có mật độ phương tiện qua lại đông đúc. Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn do các cần trục tháp (cẩu tháp) của các công trình xây dựng gây ra.

Khó nói trước điều gì nếu như cẩu tháp bị gãy đổ.


Dọc các tuyến đường như Lê Văn Lương, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Đức Thọ, Cầu Giấy… người dân có thể bắt gặp khá nhiều cẩu tháp phục vụ các công trình xây dựng. Nhìn dòng phương tiện giao thông tấp nập dưới những cẩu tháp, nhiều người thấy lo ngại nếu xảy ra sơ suất nhỏ trong quá trình vận hành thì hậu quả thật khôn lường. Những lo lắng của người dân không phải là không có cơ sở vì chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay đã có nhiều vụ tai nạn do cẩu tháp công trình gây nên.

Mới đây nhất, sáng 17-3, chiếc cẩu tháp đang thi công công trình trên phố Giảng Võ đã đổ vào một tòa nhà chung cư cũ liền kề, khiến cư dân sinh sống trong tòa nhà một phen hoảng loạn. Trước đó, sáng 3-3, chiếc cẩu tháp đang hoạt động trong công trình trên đường Trương Định (quận Hoàng Mai) cũng bất ngờ bị gãy khi đang vận chuyển nhiều thiết bị, vật liệu từ Ngõ 493 vào công trường cũng khiến người dân trong tổ dân phố một phen náo loạn. Vào khoảng 10h ngày 25-2, trên đường Cầu Giấy, một cục sắt từ công trình xây dựng đã bất ngờ rơi xuống đầu xe buýt khiến tài xế và hành khách trên xe bị một phen hoảng hồn. Theo người dân, cục sắt "đáp" thẳng vào kính xe "xuất phát" từ cẩu tháp trước cửa công trình xây dựng số 265 Cầu Giấy.

Có thể thấy, đây là một mối nguy hiểm luôn rình rập, treo lơ lửng trên đầu người dân. Theo quy định, đối với công trường có sử dụng cần trục tháp (cẩu tháp), thiết kế tổng mặt bằng công trường xây dựng phải thể hiện giới hạn vùng nguy hiểm vật rơi do việc lắp dựng, nâng hạ, vận hành cần trục. Trên công trường phải có biển báo theo quy định, đồng thời niêm yết sơ đồ tổng mặt bằng công trường xây dựng. Đối với mặt bằng chật hẹp, ưu tiên sử dụng cần trục leo trong, cần trục có tay cầm dạng nâng hạ, cánh tay cần điều chỉnh tầm với bằng cách nâng lên hạ xuống, có đối trọng đặt trên cao hoặc bên dưới nhưng sát với thân tháp đứng. Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ phải bảo đảm an toàn cho khu vực ngoài phạm vi công trường xây dựng trong trường hợp khi vận hành cần trục tháp, vùng nguy hiểm vật rơi vượt ra khỏi phạm vi công trường xây dựng.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, có đến 70% cẩu ở các công trường xây dựng vươn ra đường gây nguy hiểm. Trong tháng 5-2015, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì đã kiểm tra, đình chỉ 16 đơn vị sử dụng cẩu tháp vi phạm hành lang an toàn. Giải pháp được đề ra là cho phép loại cẩu này hoạt động sau 22h đêm đến 5h sáng và phải có rào chắn, có cảnh báo, bố trí người canh gác để tránh nguy hiểm.

Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu xây dựng lớn nên việc lắp đặt các cẩu tháp phục vụ các công trình cao tầng là điều tất yếu. Tuy nhiên, để hạn chế tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, ngoài sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng, các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về an toàn lao động trong quá trình thi công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa từ những cẩu tháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.