Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Bản hùng ca chiến thắng

Đại tá, PGS, TS Lê Đình Sỹ| 07/05/2016 07:32

(HNM) - Năm 1954, quân và dân Việt Nam anh hùng đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, tạc vào trang sử vàng của dân tộc một trận quyết chiến chiến lược vĩ đại. Đó là đỉnh cao của chiến công giữ nước trong lịch sử Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.


Chín năm đối mặt với kẻ địch là một cường quốc tư bản phương Tây đi trước ta về phương thức sản xuất, có nền kinh tế phát triển, có quân đội được trang bị vũ khí kỹ thuật quân sự tiên tiến, dân tộc Việt Nam đã từng bước trưởng thành và giành thắng lợi cuối cùng bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Đó là sự kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước anh hùng của dân tộc ta, một dân tộc nhỏ bé mà thường xuyên phải chống lại những thế lực ngoại xâm lớn mạnh gấp nhiều lần. Điện Biên Phủ xứng đáng là mốc son chói lọi bằng vàng như lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trận Điện Biên Phủ được hình thành từng bước trong tính toán chiến lược của ta và thực dân Pháp, là một trận đánh cả hai bên đều chủ động chuẩn bị. Lúc bấy giờ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương - Tướng Nava đề ra một kế hoạch đầy tham vọng với mục tiêu giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Nội dung cơ bản của kế hoạch là tập trung binh lực, xây dựng khối cơ động chiến lược thật mạnh, đủ sức tiến công tiêu diệt chủ lực ta, nhằm giành thế chủ động trên chiến trường.

Tuy nhiên, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh ta đã mở những đợt tiến công trên nhiều hướng khiến kế hoạch tập trung quân của Nava ở Đồng bằng Bắc Bộ bị thất bại. Bộ chỉ huy quân Pháp buộc phải từng bước điều quân lên Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành một điểm tập trung quân và là tâm điểm của kế hoạch Nava, với mong muốn thu hút chủ lực của ta, để thực hiện một trận đánh quyết định. Điện Biên Phủ vì thế đã trở thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của quân Pháp, gồm 49 cứ điểm, được tổ chức thành các cụm cứ điểm liên hoàn. Lực lượng địch tập trung ở Điện Biên Phủ lên tới hơn 16.000 quân, chiếm một phần ba số quân cơ động của Pháp trên toàn chiến trường Bắc Bộ và phần lớn là các đơn vị Âu - Phi tinh nhuệ. Với lực lượng đông và mạnh, Nava cùng các tướng cao cấp của Pháp và Mỹ đều coi Điện Biên Phủ như "một pháo đài không thể công phá".

Về phía ta, từ việc đề ra phương châm, kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 khiến địch phải phân tán lực lượng, đầu tháng 12-1953, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm tập trung lực lượng mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sự lựa chọn này là kết quả của một quá trình xem xét, tính toán, cân nhắc với tầm nhìn chiến lược rộng lớn của Bộ Chính trị đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ta, Điện Biên Phủ xét theo nhiều phương diện là chiến dịch lớn nhất, một "trận quyết chiến chiến lược" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Quyết định mở chiến dịch là do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng - cơ quan chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến. Kế hoạch tác chiến do Tổng Quân ủy soạn thảo. Chỉ huy chiến dịch là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tổng quân số chủ lực của ta lên tới 55.000 người. Ngoài quân chủ lực còn có một bộ phận lực lượng bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích thuộc Liên khu 3, Liên khu 4, Việt Bắc, Tây Bắc và hơn 160.000 dân công khắp mọi miền phục vụ chiến đấu.

Trong lịch sử quân sự dân tộc, có những trận quyết chiến chiến lược chỉ thực hiện tiêu diệt chiến lược, tạo ra bước ngoặt chiến lược có lợi, nhưng chưa dẫn tới kết thúc chiến tranh. Trận Điện Biên Phủ cũng nằm trong hình thái đó. Sau khi tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp, phái đoàn ngoại giao của ta đã đến Thụy Sĩ trong tư thế của một dân tộc chiến thắng và Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Theo đó, hai bên đình chỉ chiến sự, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mỗi nước ở Đông Dương và Pháp phải rút quân, chấm dứt chế độ thực dân tại Đông Dương.

Có thể nói, Điện Biên Phủ là sự hội tụ tinh hoa nghệ thuật quân sự trong toàn bộ tiến trình cuộc kháng chiến. Nghệ thuật tổ chức và thực hành một trận quyết chiến chiến lược thường biểu hiện trên các lĩnh vực chủ yếu như: Chọn hướng và địa bàn tác chiến, tạo thế trận và sử dụng lực lượng, tạo thời cơ và thời điểm tấn công, vận dụng cách đánh hợp lý và hiệu quả nhất. Trận Điện Biên Phủ thể hiện một cách xuất sắc các nội dung nói trên. Trước hết, đó là nghệ thuật hạ quyết tâm và chọn hướng tiến công, mục tiêu tiến công và thời gian tiến công, chọn địa điểm quyết chiến chiến lược chính xác. Ta vừa hình thành thế trận bao vây Điện Biên Phủ vừa mở những đòn tiến công lớn ở Thượng Lào, Đông Bắc Campuchia và Bắc Tây Nguyên để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do và phân tán khối lực lượng cơ động của quân Pháp, cô lập địch ở Điện Biên Phủ làm cho chúng không thể phán đoán được tình hình. Trong khi đó, ta tập trung mọi nỗ lực chuẩn bị cho trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ.

Như vậy, với quân Pháp, Điện Biên Phủ hoàn toàn rơi vào thế bị cô lập, còn với ta đó sẽ là nơi thuận lợi để phát huy sở trường. Khi lực lượng chủ lực của Pháp đã bị căng ra khắp Đông Dương thì ta đã bao vây Điện Biên Phủ, do đó khả năng hỗ trợ cho Điện Biên Phủ của chúng bị hạn chế, mọi sự tiếp tế chỉ được thực hiện bằng đường hàng không. Như vậy, trước khi ta mở màn "trận quyết chiến" quân Pháp đã rơi vào thế yếu, nhất là bước vào thời tiết cuối xuân đầu hè rất không thuận lợi cho máy bay cất, hạ cánh và thả dù tiếp tế.

Trong quá trình tác chiến, ta đã thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng, xây dựng được trận địa tiến công và bao vây, tạo và nắm thời cơ để chuyển đợt chiến dịch, tổ chức tốt công tác hậu cần… Ta đã vận dụng thành công hình thức chiến đấu trận địa có bộ binh và pháo binh hiệp đồng, kết hợp vừa vây lấn vừa tiến công đánh chiếm cứ điểm, cụm cứ điểm có công sự vững chắc, rồi nhanh chóng chuyển sang phòng ngự, trụ bám đánh địch phản kích và tạo bàn đạp đánh chiếm mục tiêu tiếp theo. Đó là một hình thức chiến đấu mới, cho thấy sự phát triển linh hoạt, sáng tạo, đưa lại hiệu quả chiến đấu cao trong trận quyết chiến chiến lược.

Như vậy, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ là một trong những chiến công chống giặc ngoại xâm chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam. Đó là một bước kế thừa và phát triển truyền thống, tư tưởng và nghệ thuật quân sự biết đánh và biết thắng, tinh thần quyết chiến và quyết thắng của dân tộc ta. Điện Biên Phủ với chiến công kỳ diệu này mãi mãi đi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… Đó là khúc nhạc mở màn cho bản hùng ca chống Mỹ cứu nước. Ý nghĩa to lớn của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ luôn tồn tại và phát huy ảnh hưởng trong hiện tại và mai sau. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Bản hùng ca chiến thắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.