Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá đúng để sắp xếp đúng

Võ Lâm| 25/05/2016 07:00

(HNM) - Xác định vị trí việc làm không phải nhằm



Kết luận hội nghị, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, xác định vị trí việc làm không phải nhằm "giảm ai, ai giảm", nhưng thành phố kiên quyết xử lý những cán bộ "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", làm đủ 8 tiếng nhưng không ra sản phẩm gì.

Thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TƯ về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Ảnh: Thái Hiền


Không chỉ tinh giản biên chế

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, việc thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TƯ về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC các cấp; thu hút những người có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan Đảng và hệ thống chính trị của thành phố. Đây cũng là khâu đột phá đã được nêu trong Chương trình 01-CT/TU của Thành ủy và được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội của thành phố phải xác định đây là việc bắt buộc phải làm và phải làm tốt.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CBCC là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến con người. Yêu cầu đặt ra là phải làm tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau khi thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong đội ngũ CBCCVC về mục đích, yêu cầu. Việc xác định vị trí việc làm không phải nhằm "giảm ai, ai giảm", mà nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Tinh giản biên chế chỉ là một nội dung trong việc xây dựng đề án xác định vị trí việc làm. Việc sắp xếp lại cần được thực hiện đúng nguyên tắc, thận trọng và khách quan, tuyệt đối không để xảy ra khiếu kiện, mất đoàn kết nội bộ. Quá trình thực hiện phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Khi thực hiện phải tuyệt đối bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo, sau khi rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, phải bắt tay ngay vào việc xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch CCVC theo chức danh nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị. Bố trí CBCCVC phải căn cứ vào kết quả đánh giá 3 năm gần nhất và dự báo tình hình 3 năm tới. Việc đánh giá CBCCVC phải căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn, trong đó bằng cấp chuyên môn là một trong các tiêu chuẩn, chứ không phải tiêu chuẩn cứng. Việc đánh giá cán bộ không cào bằng, lấy chất lượng cán bộ làm tiêu chí hàng đầu. Quy trình đánh giá phải toàn diện từ năng lực thực thi công vụ, kỹ năng thực tiễn đến kinh nghiệm công tác, hết sức coi trọng thái độ, tinh thần trách nhiệm phục vụ. "Nhiều đồng chí có chuyên môn rất cao, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng tinh thần trách nhiệm không có, "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", làm đủ 8 tiếng nhưng không làm ra sản phẩm gì, không làm công việc gì thì chúng ta phải kiên quyết xử lý" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, sau khi rà soát, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện tinh giản biên chế. Việc này cần thực hiện có lộ trình, từng bước chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng. Văn phòng Thành ủy, các ban đảng Thành ủy sẽ gương mẫu làm trước và có thể thực hiện luân chuyển, sắp xếp cán bộ giữa Văn phòng Thành ủy với các ban đảng với nhau; đối với các quận, huyện, thị xã cũng có thể làm tương tự hoặc lựa chọn bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có kinh nghiệm, có nhiệt huyết đưa về các ban đảng. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đặc biệt lưu ý các cấp ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp CBCC, người lao động dôi dư, giữ ổn định ngay từ cơ sở.

Hoàn thành trước ngày 30-11

Trước đó, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đã thông tin và trao đổi với các đại biểu dự hội nghị nội dung Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 5-5-2016 của Thành ủy Hà Nội về "Rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội thành phố".

Theo kế hoạch, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội thành phố phải rà soát, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đánh giá, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy biên chế, số lượng người làm việc, lao động hợp đồng theo hướng "tinh gọn, thực sự hiệu quả, giảm bớt khâu trung gian, tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách". Trên cơ sở rà soát, mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế; xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp nhằm xác định biên chế và bố trí CCVC. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết, đây là vấn đề hoàn toàn mới đối với các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, nhưng phải được hoàn thành trước ngày 30-11-2016 để trình Thành ủy phê duyệt. Theo Hướng dẫn số 02-HD/BTCTU ngày 5-5-2016 của Ban Tổ chức Thành ủy về việc thực hiện Kế hoạch số 12 của Thành ủy, cả các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập đều thực hiện quy trình 8 bước.

Đáng chú ý, theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, việc thực hiện Kế hoạch số 12 của Thành ủy phải bám sát và thực hiện đúng các quy định của Trung ương và hướng dẫn của thành phố, nơi nào đã "phình ra" thì phải "co lại". Ban Tổ chức Thành ủy sẽ là đầu mối chắp nối, vào cuộc, giúp đỡ, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy nhấn mạnh: "Tinh thần vào cuộc thực hiện của chúng ta là không cầu toàn. Việc tổ chức thực hiện phải tiến hành từng bước".

Quyết tâm thực hiện đúng tiến độ

(HNM) - Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham dự hội nghị thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao với Kế hoạch 12-KH/TU ngày 5-5-2016 của Thành ủy Hà Nội, đồng thời quyết tâm thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Báo Hànộimới xin giới thiệu một số ý kiến:

Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải:
Nên có bộ phận giải đáp thắc mắc

Thực hiện Kế hoạch số 12 của Thành ủy, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ trong toàn quận, coi trọng sự thống nhất từ cấp lãnh đạo quận tới các phòng, ban; làm từng bước vững chắc, làm bước nào chắc bước ấy. Long Biên sẽ thực hiện theo đúng lộ trình mà Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu. Đề nghị Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy bố trí, hình thành một tổ công tác hoặc một bộ phận chuyên trách để giải đáp kịp thời những vướng mắc, khó khăn mà cơ sở kiến nghị.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng:
Không nên tuyệt đối hóa

Theo tôi, xây dựng được Đề án vị trí việc làm là rất cần thiết, nhất là xác định được vị trí việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng từ xác định vị trí việc làm đến bố trí cơ cấu ngạch bậc phù hợp, chúng tôi quan niệm là cần phải được thực hiện dần dần, điều chỉnh từng bước, không nên tuyệt đối hóa vì thực tế đội ngũ cán bộ hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, lấy hiệu quả công tác làm thước đo đánh giá cán bộ và chú ý giải quyết tốt chế độ, chính sách cho CBCCVC dôi dư.

Chánh Văn phòng Thành ủy Hoàng Minh Dũng Tiến:
Hoàn thành đề án trong tháng 9

Văn phòng Thành ủy đã xác định tiến độ là đến tháng 9-2016 sẽ hoàn thành Đề án vị trí việc làm trình Thành ủy phê duyệt. Tinh thần vào cuộc của chúng tôi là bám sát các quy định của Trung ương, kế hoạch của Thành ủy và hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy với quyết tâm thực hiện cao nhất. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ xem xét đến tính chất đặc thù công việc, những vấn đề đặt ra để kịp thời trao đổi, phối hợp với các cơ quan liên quan và kiến nghị, đề xuất Thường trực Thành ủy để thực hiện đạt hiệu quả cao.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Ngọc Việt:
Lãnh đạo phải vào cuộc

Qua quá trình thí điểm thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu lại bộ máy CCVC ở quận Long Biên, huyện Đan Phượng, Sở Nội vụ và Sở TN-MT thời gian qua, chúng tôi thấy rằng, để làm được, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải chủ trì, cán bộ lãnh đạo tất cả các phòng, ban đều phải tham gia tổ công tác. Kinh nghiệm cho thấy rằng, ở mỗi cơ quan, đơn vị, nên lựa chọn nơi khó khăn, phức tạp nhất để làm trước, làm mẫu, từ đó nhân rộng ra.

Hiền Lươngghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá đúng để sắp xếp đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.