Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng nghìn tỷ đồng chống ngập... vẫn ngập

Hà Phạm| 25/05/2016 07:41

(HNM) - Qua mấy trận mưa đầu mùa chừng vài chục milimét, triều cường ở mức thấp nhưng TP Hồ Chí Minh đã ngập sâu trên diện rộng. Điều đáng nói là hằng năm thành phố vẫn phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng cho công tác chống ngập...

Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) ngập sâu trong nước sau gần 1 giờ mưa.


Quy hoạch thiếu tôn trọng quy luật tự nhiên

Theo dõi sát những trận mưa đầu mùa gây ngập, PGS.TS Chế Đình Lý, nguyên Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP Hồ Chí Minh khẳng định, TP Hồ Chí Minh sẽ phải trả giá cho quy hoạch và đô thị hóa thiếu tôn trọng quy luật tự nhiên. Theo PGS.TS Lý, nguyên tắc nước dâng theo kiểu "bình thông nhau" và nước sẽ chảy về chỗ trũng. Hậu quả, những vùng trũng như Quận 8, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức… luôn là vùng chứa nước mỗi khi mưa xuống và triều lên. Vì thế, dù chính quyền thành phố có làm tất cả những công trình chống ngập hay ngăn triều cũng không giải quyết hiệu quả.

Theo PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (WACC) TP Hồ Chí Minh, ngoài hiện trạng hệ thống đường ống thoát nước chưa đồng bộ và đã quá cũ kỹ thì nhiều vùng ngoại thành TP Hồ Chí Minh chưa được đầu tư công trình tiêu thoát nước, trong khi đó là những vùng trũng thấp. Đơn cử như tại Quận 8, 12 hay Thủ Đức, là những vùng trũng nhưng hiện các giải pháp đầu tư công trình còn yếu khiến tình trạng ngập nước diễn ra từ năm này qua năm khác.

TS Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, TP Hồ Chí Minh hiện làm rất tốt công tác đầu tư vào các công trình chống ngập, tuy nhiên như thế chưa đủ. Ngoài việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống chống ngập, cần làm tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng và duy tu hệ thống đường ống và cống thoát nước. "Những trận mưa đầu mùa với lượng mưa nhỏ, mức triều không đáng kể nhưng đã xảy ra ngập, thậm chí có nơi ngập đến 30 - 40cm, rất đáng báo động. Chứng tỏ trong mùa khô các đơn vị liên quan đã không quan tâm đúng mức vấn đề bảo trì, bảo dưỡng và khơi thông đường ống, khi mưa xuống sẽ làm tắc nghẽn và gây ngập nước", TS Sanh nhận định.

Cũng theo các chuyên gia, hiện TP Hồ Chí Minh vẫn chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để chống ngập nhưng rõ ràng hiệu quả chưa thấy đâu. Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ chạy theo các dự án lớn mà quên đi những tính toán thực tế để phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của vùng Nam Bộ, lẫn các yếu tố biến đổi khí hậu, sự tác động của con người… chẳng những không phát huy hiệu quả như mong muốn mà dễ bị "lạc đề"…

Quy hoạch không còn phù hợp

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, hiện các dữ liệu đầu vào để tính toán theo quy hoạch tổng thể thoát nước cho TP Hồ Chí Minh của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch 752 năm 2001) đã không còn phù hợp. Quy hoạch này sẽ kéo dài đến năm 2020, với tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với trận mưa trong 3 giờ dao động từ hơn 75 đến 95mm, mực nước triều hơn 1,3m. Thế nhưng, hiện trận mưa chỉ trong 60 phút đã đạt tới 100 đến 122mm, mức triều đạt tới 1,68m. Bên cạnh đó, do quy mô dân số ngày càng đông, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời nên hạ tầng thoát nước không còn đáp ứng đủ.

"Đồng Dù (Quận 8); đồng Chó Ngáp (Bình Thạnh); Bàu Cát (Tân Bình); Vùng Wetland rộng lớn phía Nam TP Hồ Chí Minh... là các vùng điều tiết nước trước đây. Tuy nhiên qua quá trình đô thị hóa, những vùng này đã bị san lấp. Do đó, nếu muốn chống ngập, giải pháp quan trọng là phải xây dựng các hồ điều tiết nước, đồng thời khuyến khích người dân dự trữ nước mưa mới phát huy hiệu quả", PGS.TS Chế Đình Lý đưa ra giải pháp.

Theo PGS.TS Hồ Long Phi, bên cạnh các công trình chống ngập, thành phố cần có các giải pháp thích nghi và giảm nhẹ thiệt hại để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Theo PGS.TS Phi, TP Hồ Chí Minh cần thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và quy trình ứng phó; thiết lập quy trình vận hành hồ chứa nước đa mục tiêu; ưu tiên đầu tư cho công trình thoát nước nội thành. Đối với các vùng đất trũng, cần có quy hoạch liên quan tới thoát nước, chống ngập úng; phải xem xét, đánh giá đầy đủ các yếu tố chảy tràn, quy hoạch cốt nền phù hợp, kết nối đồng bộ với khu vực. "Đặc biệt, xây dựng hệ thống ra đa quan trắc, phần mềm mô phỏng ngập lụt, phần mềm cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn… để hỗ trợ cảnh báo diễn biến ngập và thoát nước", PGS.TS Phi góp ý.

TP Hồ Chí Minh sẽ cần tới hơn 97.000 tỷ đồng cho việc triển khai các chương trình giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng giai đoạn 2016-2020. Trong đó, quy hoạch 752 (tổng thể thoát nước) hơn 82.000 tỷ đồng và quy hoạch 1547 (thủy lợi chống ngập úng) hơn 15.000 tỷ đồng. Hiện các dự án đang triển khai và đã có nguồn vốn gần 23.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính cho giai đoạn này còn lại hơn 74.000 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách TP Hồ Chí Minh gần 7.000 tỷ đồng, tức mỗi năm thành phố chi 1.400 tỷ đồng. Nguồn vốn còn lại từ ngân sách trung ương; xã hội hóa; ODA... Trong đó, hiện đã có gần 38.500 tỷ đồng, còn lại cần huy động gần 36.000 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng nghìn tỷ đồng chống ngập... vẫn ngập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.