Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nộp tiền 13 năm, chưa được cấp đất giãn dân

Ánh Dương| 27/06/2016 07:25

(HNM) - Phản ánh đến Đường dây nóng - Báo Hànộimới (0912438855 và 0438247615), người dân thôn Trung Lạc và Ngõ Bắc, xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) bức xúc: “Hơn 30 hộ gia đình chúng tôi nộp tiền để được cấp đất giãn dân từ 8 đến 13 năm nay, nhưng vẫn không được nhận đất, trong khi hoàn cảnh nhiều hộ gia đình khó khăn, nhà ở chật chội…”.


Tự ý xây nhà trên đất đã có quy hoạch

Ngày 18-7-2002, UBND thị xã (TX) Sơn Tây ra Thông báo số 67/TB-UB, thông báo nội dung Quyết định số 67/QĐ-UB, của UBND tỉnh Hà Tây về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2002 của các xã, phường thuộc TX Sơn Tây. Cũng trong nội dung Thông báo 67, UBND TX Sơn Tây chỉ đạo UBND xã Cổ Đông thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2002, cụ thể: “Cấp đất ở cho dân (90 hộ), diện tích 11.000m2, đất màu ở Bãi Chè 50 hộ (7.000m2), ven đường 82 gồm 20 hộ (2.000m2), ven đường vào Trường Sĩ quan Lục quân I - 20 hộ (2.000m2)…”. Theo đó, UBND xã Cổ Đông thực hiện quy hoạch cấp đất giãn dân (CĐGD) cho các hộ ở các thôn Phúc Lộc và Trung Lạc. Quy chế CĐGD tại thời điểm đó, mỗi hộ có đất tại khu vực quy hoạch GD sẽ được giao một suất đất 100m2 và đóng số tiền là 5,2 triệu đồng/suất. Quá trình thực hiện, thôn Trung Lạc xét duyệt được 16 trường hợp. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, ngày 13-1-2003, UBND TX Sơn Tây ra Quyết định số 12/QĐ-UB, thu hồi 4.766m2 đất tại các khu: Bóng Mít (thôn Phúc Lộc) và Đồng Chương (thôn Trung Lạc), chuyển thành đất thổ cư để giao cho 36 hộ dân làm nhà ở; 16 trường hợp được xét duyệt ở thôn Trung Lạc đã nộp đủ tiền. Tuy nhiên, thời điểm năm 2001, hộ bà Bùi Thị Lý và Nguyễn Thị Phụ đã tự ý xây nhà ở cấp 4 (tại khu vực CĐGD Đồng Chương). Việc xây dựng trái phép của hai hộ này đã ảnh hưởng đến quy hoạch phân lô CĐGD. Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Khuất Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Cổ Đông, cho biết: Năm 2004, khi thực hiện giao đất cho các hộ, UBND xã và TX Sơn Tây đã cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng cũ của hộ bà Nguyễn Thị Phụ. Nhưng đến năm 2006, bà Phụ ngang nhiên tái xây dựng nhà, xưởng gỗ diện tích 84,6m2 (công trình này đang tồn tại).


Các công trình xây dựng của gia đình bà Nguyễn Thị Phụ, bà Bùi Thị Lý trên khu vực quy hoạch đất giãn dân Đồng Chương (thôn Trung Lạc).



Cũng tại khu quy hoạch Đồng Chương còn có trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Hành - ông Tạ Tiến Huệ (nguyên Bí thư Đảng ủy xã), được CĐGD tại lô 7, nhưng năm 2005, gia đình bà Hành - ông Huệ lại cố tình xây dựng nhà ở kiên cố trên một phần diện tích của lô đất số 15 và 16, đã được giao cho các hộ khác (?). Ngoài ra, năm 2010 có hai hộ đã nhận lô ĐGD, nhưng xây nhà ở chưa đúng mốc giới quy hoạch...

“Mớ bòng bong”… khó gỡ!

Dự án (DA) CĐGD khu Đồng Chương chưa được thực hiện xong, thì đến ngày 19-10-2006, UBND TX Sơn Tây tiếp tục ra Quyết định số 1071/QĐ-UBND, thu hồi 9.102m2 đất nông nghiệp tại khu đồng Gò Giàng, Nương Củ (thôn Trung Lạc và Ngõ Bắc, xã Cổ Đông), chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) để giao cho các hộ dân làm nhà ở. Trên cơ sở đó, UBND xã thực hiện quy hoạch CĐGD cho 45 trường hợp ở khu mặt đường tỉnh lộ 418 (địa bàn thôn Trung Lạc và Ngõ Bắc). Thời điểm thực hiện quyết định, các hộ dân không chịu nộp tiền SDĐ, do còn kiến nghị một số nội dung: Giá đất cao, một số hộ không đúng đối tượng được CĐGD…

Đến năm 2008, do có biến động về giá đất, các hộ dân lại đề nghị và được UBND TX đồng ý cho phép họ nộp tiền theo giá cũ. Thế nhưng, khi Ban Giải phòng mặt bằng (GPMB) TX Sơn Tây và xã Cổ Đông thực hiện công tác GPMB để giao đất đến hộ, thì những hộ có đất phải GPMB lại không chịu bàn giao. Trong đó, có hộ bà Nguyễn Thị Nhạn (diện tích là 277m2), liên quan đến các lô số 90, 91, 106 và đường quy hoạch đi vào tuyến 2 khu cấp đất thôn Trung Lạc. Gia đình bà Nhạn yêu cầu được xét cấp 3 lô đất, UBND xã chỉ xét duyệt 2 lô. Do không có sự thống nhất, nên UBND xã chưa cho hộ bà Nhạn vào danh sách để trình UBND TX thông qua. Vì vậy, gia đình bà Nhạn chưa được CĐGD, dẫn đến không chịu bàn giao mặt bằng (BGMB). Hiện gia đình bà Nhạn đang kiến nghị điều chỉnh BT GPMB từ đất quỹ 2 sang quỹ 1. Hộ ông Bùi Văn Đức có diện tích phải GPMB là 406m2, liên quan đến các lô số 4, 5, 6, 7, 8, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36. Ông Đức cũng chưa BGMB với lý do đề nghị điều chỉnh đền bù từ đất quỹ 2 sang quỹ 1. Ngoài ra, còn có các hộ: ông Phạm Văn Thanh có 338m2, liên quan đến các lô 25, 26, 27, 28; hộ ông Bùi Văn Giảng có 343m2, liên quan đến các lô 10, 21, 22, 23, 24 và đường đi… Các hộ này đều kiến nghị được cấp đất tại khu vực quy hoạch GD.

Một trường hợp “oái oăm” là tại khu GD Đồng Chương, gia đình ông Đỗ Văn Quý được cấp đất ở lô 16, nhưng lại bị gia đình ông Huệ - bà Hành xây nhà trên lô này, nên khi xã Cổ Đông thực hiện DA CĐGD tại khu Gò Giàng, Nương Củ, ông Quý yêu cầu “phải được nhận suất ĐGD thì mới BGMB?”. Trong khi thửa đất phải GPMB của gia đình ông Quý có diện tích 82m2, liên quan đến các lô 85, 86, 87... Vấn đề đáng quan tâm khác, năm 2009, khi Phòng TN&MT TX Sơn Tây cùng xã Cổ Đông thực hiện giao lô đất “sạch” đến các hộ dân đã thực hiện đủ nghĩa vụ, thì những hộ không chịu BGMB lại cố tình… ngăn cản! Ông Phạm Văn Tuân (ở thôn Trung Lạc), bức xúc: “Năm 2008, UBND xã tổ chức gắp phiếu số thứ tự và đo, cắm đất cho chúng tôi, mỗi hộ phải nộp 2 khoản: Tiền đất là 48.000.000 đồng và tiền thuế trước bạ là 480.000 đồng. Đến nay, mặc dù rất nhiều lần gửi đơn đến các cấp chính quyền, nhưng chúng tôi vẫn không được nhận ĐGD theo quy định”.

Trả lời PV Báo Hànộimới về những vấn đề liên quan đến công tác GPMB các DA CĐGD ở xã Cổ Đông, lãnh đạo Ban BT GPMB TX Sơn Tây cho biết: DA năm 2003 ở khu Đồng Chương, do thời điểm đó Ban BT GPMB chưa thành lập, nên không có hồ sơ. Riêng DA cấp ĐGD năm 2006, trường hợp nào “dễ”, UBND xã tự thực hiện công tác GPMB; những trường hợp khó khăn, ý kiến, xã mới chuyển lên Ban BT GPMB... giải quyết! Do đó, trong công tác GPMB, Ban chỉ có hồ sơ của một số trường hợp ở khu Gò Giàng, Nương Củ (?)...

Như vậy, từ năm 2003 đến nay, việc thực hiện các DA CĐGD ở xã Cổ Đông rơi vào “mớ bòng bong”, không thể giao đất đến hộ. Rõ ràng các DA này đều vướng mắc về công tác GPMB, nhưng hơn 10 năm qua, UBND xã và TX Sơn Tây đều chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Không những thế, chính quyền địa phương lại không kiên quyết xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép, dẫn đến tình trạng vi phạm tái diễn nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân hiện chưa được nhận ĐGD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nộp tiền 13 năm, chưa được cấp đất giãn dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.