Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố nguyên nhân cá chết ở miền Trung

Nhóm phóng viên| 30/06/2016 17:05

(HNMO) - 17h chiều nay (30/6), lãnh đạo Chính phủ cùng đại diện hàng loạt các bộ ngành chủ trì họp báo công bố kết quả điều tra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở miền Trung.

18:47 30/06/2016

Phát biểu kết thúc buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, tại phiên họp Chính phủ diễn ra vào chiều nay, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát tất cả quy hoạch liên quan tới môi trường, các tiêu chuẩn liên quan tới môi trường các và các hoạt động khác. Với các cán bộ có liên quan trực tiếp tới công tác này, dù có ở cấp nào cũng phải xử lý theo đúng pháp luật.

Thứ trưởng Nông nghiệp: Bộ Nông nghiệp với vai trò quản lý nhà nước về thuỷ sản ngay từ đầu đã chỉ đạo 3 việc: lấy mẫu, giám sát và xác định vùng ảnh hưởng để tham mưu cho Chính phủ. Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khoanh vùng ảnh hưởng, Bộ đã tham mưu là tính từ bờ ra ngoài khơi 20 hải lý. Những vùng ảnh hưởng trong 20 hải lý ở 4 tỉnh, những tàu khai thác dưới 90CV, nếu phát hiện hải sản nhiễm độc thì lập tức tiêu hủy và tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ.

Vùng ngoài 20 hải lý là an toàn. Bộ đã tham mưu địa phương tổ chức kiểm định chứng nhận an toàn cho hải sản ngoài vùng 20 hải lý. Nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo 2-3 ngày lấy mẫu một lần, nếu phát hiện độc tố vẫn xử lý. Đối với nuôi trồng thuỷ sản, chúng tôi khuyến cáo khi chưa xác định rõ nguyên nhân thì đề nghị không nên thả nuôi. Khi lấy mẫu hàng ngày phát hiện mẫu an toàn thì khuyến cáo địa phương có thể lấy nước, nhưng phải qua ao lắng và quy trình nghiêm ngặt trước khi thả nuôi. Hiện nay nước lấy vào cơ bản an toàn, khi chưa xử lý hết tồn dư thì hàng ngày vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo an toàn. Bộ liên tục cử người để hỗ trợ người dân 4 tỉnh miền Trung làm việc này.

Hỏi: Bộ Y tế đánh giá mức độ an toàn của nước biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế như thế nào?
Thứ trưởng Y tế: Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, quản lý, Sở Y tế tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khoẻ người dân, tập trung xét nghiệm hải sản sống. Trong 3 tuần đều tiến hành các xét nghiệm hàng ngày, cập nhật thông tin cho người dân, đăng tải trên website của Bộ. Tất cả hải sản xét nghiệm đã có công bố minh bạch. Các cơ quan của Bộ hiện nay triển khai đồng bộ giám sát, quan trắc và các biện pháp cần thiết giám sát sức khoẻ người dân.

Hỏi: Quá trình nhà máy Formosa vận hành, tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm tra việc xả thải đối với dự án này như thế nào? Trách nhiệm của địa phương sau khi phát hiện sự cố?
Lãnh đạo Hà Tĩnh: Thời gian qua nhân dân Hà Tĩnh đã kiên trì chờ đợi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân. Hôm nay Chính phủ tổ chức công bố họp báo công bố nguyên nhân, Formosa đã xin lỗi, phần nào giải tỏa được sự chờ đợi của người dân. Dự án của Formosa rất lớn, nhiều việc vượt ra ngoài Hà Tĩnh. Mặc dù vậy tỉnh đã phối hợp với các bộ ngành Trung ương trong việc kiểm tra giám sát. Tỉnh đã giao việc giám sát cho các sở ngành liên quan. Sự cố xảy ra, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân và công bố rộng rãi. Quá trình vừa qua do khả năng có hạn, việc kiểm tra giám sát chưa làm được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc và xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình.

18:43 30/06/2016

"Mức đền bù 500 triệu USD dựa trên cơ sở nào?" - Trả lời câu hỏi của hãng Nikkei Nhật Bản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đây không phải là số tiền lớn. Mức đền bù này đưa ra dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, môi trường biển. Tuy nhiên, những thiệt hại lớn hơn rất nhiều đó là tổn thương tâm lý, những hệ lụy khác chưa thể tính được.

“Điều chúng tôi muốn không phải là tiền, chúng tôi muốn Formosa và cổ đông hiểu rằng họ phải có trách nhiệm với những gì đã ra gây ra tại Việt Nam” - Bộ trưởng Hà nói thêm.

18:40 30/06/2016

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc Formosa đã từng có nhiều “tiền án” gây ra các sự cố môi trường ở nhiều nước nhưng vẫn trót lọt trong hoạt động đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, thời điểm cấp phép đầu tư dự án với Formosa, Việt Nam đã thực hiện Luật Đầu tư 2005 phân cấp cho địa phương thẩm định. Chúng tôi có nhận được văn bản hỏi ý kiến của Hà Tĩnh và Bộ đã yêu cầu bổ sung phần đánh giá tác động môi trường còn sơ sài.

Sự cố xảy ra là điều đáng tiếc. Đây cũng là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước, rà soát chức năng nhiệm vụ để việc thu hút đầu tư nước ngoài theo đúng quy định pháp luật. Chính phủ Việt Nam khẳng định không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư nước ngoài.

18:27 30/06/2016

Trước câu hỏi cơ quan công an có khởi tố vụ án hay không? - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trước hết sẽ khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục đời sống người dân ven biển như hỗ trợ lãi suất, việc làm, mua hải sản của ngư dân đánh bắt; công bố sớm vùng hải sản an toàn và cảnh báo vùng hải sản không an toàn để người dân tránh dùng sản phẩm không an toàn.

Việc đấu tranh tìm ra thủ phạm là thái độ cương quyết của Đảng, Chính phủ Việt Nam; xử nghiêm không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo lập hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, được các nhà đầu tư đánh giá cao về ổn định chính trị, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thành công là thể hiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ.

Ở Việt Nam có câu “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”, Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng để cho thấy nếu các nhà đầu tư nước ngoài có vi phạm nhưng nhận lỗi thì sẽ xem xét. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo cho hoạt động hiệu quả, nhưng nếu vi phạm pháp luật chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.

"Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không là việc cân nhắc của Chính phủ Việt Nam. Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng..." - “Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không là việc cân nhắc của Chính phủ Việt Nam”, ông Dũng nói.

18:25 30/06/2016

Về vấn đề Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xả thải cho Formosa theo quy trình nào, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết:

Nguồn nước thải gồm nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, từ cảng, xử lý cốc... Tiêu chuẩn với ngành công nghiệp sắt thép gồm nhiều nhân tố. Về mặt quy chuẩn, chúng ta sử dụng quy chuẩn 40 đối với nước thải công nghiệp. Còn quy chuẩn 50 với ngành công nghiệp gang thép gồm 12 thông số.

Về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu chúng ta cần tính toán và bao quát các thông số. Tuy nhiên, quy chuẩn 52 cũng không thể bao quát các thông số, bởi vậy cần kết hợp quy chuẩn 40 và 52.

Nguồn nước thải gồm phenol, xyanual và kim loại nặng, chưa có cơ quan nào được đưa vào để giám sát vận hành. Nên chúng ta không thể kiểm soát ngay từ đầu nguồn.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà (trái) và Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (phải). Ảnh: Zing

18:19 30/06/2016

Trả lời câu hỏi của Infonet về việc có thông tin cho rằng có việc ngăn cản, không cho phép cơ quan thông tấn đưa tin về vấn đề này và liệu có hay không việc giấu thông tin với nhân dân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Việc chờ đợi là cần thiết trong một sự cố phức tạp như vừa rồi. Sự điều tra của báo chí không thể thay thế các cơ quan chuyên môn. Tuy vậy, nhìn chung, các cơ quan báo chí đã có thông tin kịp thời và hậu thuẫn tích cực để cơ quan chức năng điều tra nhanh chóng tìm ra nguyên nhân.

Trả lời câu hỏi về quá trình công bố nguyên nhân cá chết đến nay xác định là chậm so với bức xúc của dư luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định, ngay từ đầu, các đồng chí lãnh đạo cao nhất đã tích cực, quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành địa phương và tổ chức hàng chục cuộc họp về vấn đề này, yêu cầu điều tra nhanh chóng, xác định nguyên nhân, thủ phạm gây ra, đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, kịp thời có giải pháp hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và chỉ đạo công bố nguyên nhân là để kịp thời giải quyết hậu quả, công bố thủ phạm là để xử lý sai phạm.

Việc điều tra nguyên nhân và điều tra thủ phạm là hai quá trình khác nhau. Việc điều tra nguyên nhân được tiến hành bởi các nhà khoa học với đối tượng là các dữ liệu. Còn việc điều tra thủ phạm được tiến hành bởi các cơ quan điều tra, nhà khoa học với đối tượng là con người nên phức tạp hơn nhiều.

Việc công bố ai là kẻ gây ra cần có quá trình điều tra để xác định căn cứ. Quá trình điều tra có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý chuyên ngành, nhà khoa học và địa phương.

Kết quả điều tra là khách quan chỉ dựa trên chứng cứ và hoàn toàn loại trừ mọi sự can thiệp làm chậm quá trình điều tra. Các cơ quan đã làm hết năng lực và trách nhiệm của mình.

Trong thời gian qua, dư luận trên các trang mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ứng việc chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết. Sự phản ứng đó là chính đáng và dễ hiểu bởi vì sự cố này liên quan đến sự an lành của đất nước, đời sống của hàng vạn ngư dân ven biển 4 tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, sự phả ứng thái quá và suy diễn không dựa trên kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến qúa trình điều tra. Một số đối tượng đã lợi dụng để công kích sự lãnh dạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, kích động gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân.

"Chúng tôi tôn trọng sự bức xúc chính đáng của nhân dân nhưng không chấp nhận sự lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước. Đến giờ phút này, khẳng định việc công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố là kịp thời" - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định

17:59 30/06/2016

Cuộc họp báo chuyển sang phần hỏi đáp:

Báo Tiền phong: Quá trình xác định nguyên nhân chết tại các tỉnh miền Trung được thực hiện như thế nào và quá trình các nhà khoa học tham gia ra sao?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Chúng ta biết rằng việc xác định nguyên nhân cần có chứng cứ khoa học, chặt chẽ, rõ ràng. Theo Thủ tướng chỉ đạo, đây là sự cố diễn ra trên diện rộng, bởi vậy cần có sự thận trọng và khách quan. Chúng tôi cũng xác định cần tiến hành một cách có kế hoạch và đầy đủ để đảm bảo những chứng cứ và cơ sở khoa học sau này, không chỉ xác định nguyên nhân mà còn xác định ai gây ra hậu quả.

Chúng tôi chia ra các nhóm tiến hành:

Nhóm 1: Xác định nguyên nhân, điều gì đang diễn ra trên biển miền Trung, và cơ chế gì khiến hải sản và thủy sinh vật chết hàng loạt.

Nhóm 2: Nguồn gây ô nhiễm từ lâu. 

Đây là 2 nhóm độc lập nhưng có quan hệ biện chứng và liên quan chặt chẽ với nhau. Nhóm 1 gồm 100 nhà khoa học trong và ngoài nước trên các lĩnh vực hóa học, sinh học, khí tượng học ,vũ trụ học, hải dương học và đã tiến hành rất nhiều công việc, từ lấy mẫu cá, mẫu nước, trầm tích đáy...

Đồng thời, nhiều hoạt động khác nhau cũng được thực hiện và hồi tố lại sự việc. Nhiều nhà khoa học và cán bộ đã phải xuống biển để lần theo dấu vết và phát hiện bản chất. Qua quá trình lao động diễn ra rất vất vả, từ hàng nghìn phân tích thí nghiệm trong thời gian dài, có ý kiến của nhiều nhà khoa học và phòng thí nghiệm quốc tế kiểm chứng để đảm bảo tính pháp lý khi đưa ra xem xét giải quyết.

Khi đã có kết quả, chúng tôi tổ chức hội đồng khoa học nhà nước để đánh giá. Lúc đó, chúng tôi mới có đầy đủ căn cứ để công bố nguyên nhân. Đó là do một hợp chất được hình thành từ Hidroxit sắt 2, phenol và xyanua – hoạt như một tấm đệm hấp thụ kim loại, có nhiều nhu cầu oxy, đi tới đâu lấy oxy tới đó.

Vậy hợp chất này tới từ đâu? Chúng tôi đã rà soát hàng trăm cơ sở tại Hà Tĩnh và phát hiện ra sai sót, sự cố. Hàng loạt vấn đề liên quan tới quản lý, xử lý chất thải, kiểm soát chất thải đầu ra. Từ đó, chúng tôi xác định chỉ có lò luyện cốc thải ra phenol và xyanua. Và tới giờ, chúng tôi mới có đầy đủ chứng cứ, bằng chứng thuyết phục khiến nhà đầu tư phải thừa nhận.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời tại cuộc họp báo.

17:54 30/06/2016

Văn phòng Chính phủ đã cho phát một đoạn video clip xin lỗi người dân Việt Nam của ban lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Video clip xin lỗi người dân Việt Nam của ban lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Người đại diện doanh nghiệp này nói Formosa mong muốn đến Việt Nam đầu tư kinh doanh bền vững, lâu dài, để phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa nói, ông và Ban lãnh đạo đại diện cho 6.300 nhân viên công ty để nói lời xin lỗi. Trong quá trình hoạt động của công ty cũng như đã có đánh giá của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cho thấy những sự cố về xả thải của công ty đã gây ra hiện tượng ô nhiễm môi trường, khiến thuỷ hải sản chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung thời gian qua. Công ty Formosa xin nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân Việt Nam, nhất là người dân 4 tỉnh miền Trung vì việc gây ra sự cố ô nhiễm môi trường này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

"Chúng tôi xin cam kết thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục lại môi trường biển, cam kết thực hiện các nghĩa vụ đã nêu, xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường của Việt Nam" - ông này nhấn mạnh, đây là lời xin lỗi từ trái tim và mong nhận được sự cảm thông của Thủ tướng, Chính phủ và người dân Việt Nam.

17:49 30/06/2016

- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Với nhận thức sâu sắc sự cố môi trường nghiêm trọng vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân tại 4 tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai khẩn trương và đồng bộ các giải pháp, thực hiện ngay công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân theo đúng quy định với tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế, có sự tham gia giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí và giám sát.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm với 5 cam kết trên; Triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, triển khai xử lý môi trường bị ô nhiễm và tập trung phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, nhân dân bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, không để kẻ xấu lợi dụng, các tổ chức phản động lợi dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, những cá nhân sai phạm liên quan đến sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua.

Chính phủ đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm đồng tình của nhân dân trong và ngoài nước, nhất là nhân dân 4 tỉnh miền Trung, sự nỗ lực quyết tâm của các nhà khoa học, sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, các tổ chức chính trị, xã hội, các bộ ngành, địa phương và các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong suốt quá trình giải quyết sự cố môi trường đồng thời Chính phủ hoan nghênh thái độ và dư luận Đài Loan đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ Chính phủ Việt Nam xử lý nghiêm sai phạm vừa qua, yêu cầu Formosa hợp tác để xử lý vụ việc.


"Qua sự cố môi trường nêu trên, các bộ ngành địa phương phải tiếp tục nêu cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Có thể nói đây là bài học cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phải tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường" - ông Mai Tiến Dũng cho biết.

17:42 30/06/2016

Mở đầu cuộc họp báo, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố kết luận đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

"Đó là những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong tháng 4 vừa qua" - Ông Mai Tiến Dũng khẳng định.

Với những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chủ trì phối hợp với các bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cùng các tỉnh Hà Tĩnh và các bộ ngành khác có liên quan, nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan và Công ty Formosa của Hà Tĩnh.

Ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, đồng thời cam kết 5 điểm:

Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.

Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền trung Việt Nam với tổng số tiền tương đương 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.

Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, xử lý triệt để chất thải trước khi ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra vừa qua.

Phối hợp với các bộ ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung... Bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường tương tự, tạo niềm tin với người dân Việt Nam và tạo niềm tin với bạn bè quốc tế.

Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công bố nguyên nhân cá chết ở miền Trung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.