Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi để tồn tại

Mai Hoa| 24/07/2016 06:59

(HNM)- Không thể phủ nhận tác động rất lớn của mạng xã hội (MXH) đối với các cơ quan báo chí, trong đó có truyền hình. Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và MXH, bất cứ ai cũng có thể trở thành một người đưa tin. Mặt khác, nếu các đài truyền hình không có sự kết nối với MXH, lượng thông tin cũng như


Công nghệ truyền hình đã có nhiều thay đổi nhưng lượng công chúng vẫn liên tục sụt giảm.



Thay đổi cách tiếp cận thông tin

Tại hội thảo “Vai trò và sự ảnh hưởng của MXH đến ngành công nghiệp truyền hình”, tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua, có những con số thống kê đáng lưu ý liên quan tới kênh truyền tin này ở Việt Nam. Đó là thời gian sử dụng internet của giới trẻ cao gấp 4 lần so với thời gian xem ti vi - hoàn toàn trái ngược nếu so với cách nay 4 năm, khi xem ti vi theo cách truyền thống dường như là sự lựa chọn duy nhất. Và với khoảng 40 triệu người sử dụng MXH, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có số lượng người sử dụng MXH đông đảo nhất.

“Thực tế này vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Nhất là trong xu thế hiện nay khi ti vi không phải là nơi đầu tiên cung cấp thông tin, mà MXH, như facebook, mới là kênh gần nhất cung cấp thông tin cho giới trẻ. Ngành truyền hình phải làm sao để có thể tiếp cận với khán giả trẻ tốt hơn?” - Giám đốc Trung tâm VTV Digital Phạm Anh Chiến đã đặt vấn đề như vậy. Và không chỉ những người làm truyền hình, với những người cầm bút, những người làm công tác quản lý tại các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung, đây thật sự là vấn đề rất đáng để suy nghĩ.

Ở điểm nhìn khác, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, có tới 62% thanh niên nước này tiếp cận tin tức từ MXH - cao hơn 20% so với số liệu thống kê vào năm 2012. Xu hướng rời bỏ truyền hình trả tiền để chuyển sang xem truyền hình internet ngày càng trở nên rõ rệt. Năm 2012, số người tiếp cận thông tin hằng tuần qua điện thoại thông minh chỉ là 30%, con số này đã tăng lên 50% vào năm 2015. Cách nay 3 năm, số người xem truyền hình trên nền tảng số lần đầu tiên vượt số người xem truyền hình truyền thống và con số này dự kiến tăng gấp đôi chỉ sau 3 năm nữa.

Báo chí nói chung và truyền hình nói riêng đã và đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn của "kỷ nguyên số".

Lưu ý kiểm chứng thông tin

Có thể đưa ra ví dụ cụ thể về hiệu quả của sự tương tác giữa các chương trình truyền hình và MXH với ý nghĩa đối tác. Vào dịp Tết âm lịch, VTV thực hiện chương trình “Mở ngay Zalo để nhận lộc từ VTV Go” - song song cùng chương trình “Gặp nhau cuối năm”, chỉ trong vòng 2 giờ đã thu hút thêm hơn 1,3 triệu lượt người xem. Với chiến dịch EURO 2016, nhà đài đưa phần bình luận trước trận đấu lên fanpage, thu hút thêm 4,9 triệu lượt người/tuần tương tác với VTV và gần 5 triệu lượt cài VTV Go mới trong “tháng EURO”. Với “Bữa trưa vui vẻ”, “rating” của chương trình tăng một cách rõ ràng sau khi có sự tương tác thông qua fanpage...

Một gian hàng tại Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình Việt Nam 2016.



Khẳng định rằng phải coi MXH là đối tác để cùng phát triển, nhưng ông Marc Lourdes, Giám đốc CNN Digital khu vực Châu Á lưu ý: “Các kênh truyền hình có thể sử dụng thông tin trên MXH để làm chương trình nếu thấy thông tin đó là quan trọng, cần chuyển tải đến khán giả và không vi phạm tính pháp lý theo quy định của mỗi quốc gia về việc khai thác nguồn tin. Nhưng, điều quan trọng là cần gia tăng giá trị, thêm thông tin bối cảnh, phân tích và đánh giá trước khi đưa những thông tin khai thác từ MXH lên sóng truyền hình. Nguyên tắc kiểm chứng thông tin, làm sâu hơn luôn phải được bảo đảm. Không bao giờ được phép phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin trên mạng”.

Phân tích kỹ hơn về những rủi ro của MXH đối với sự phát triển của truyền hình, ông Marc Lourdes nhấn mạnh: “Cần nhớ rằng truyền thông xã hội là công cụ, nhưng chưa chắc đã là bạn của chúng ta. Các tập đoàn truyền thông xã hội là đối tác của chúng ta, nhưng không làm việc cho chúng ta. Như MXH facebook, trong mã chương trình của họ có hàng trăm nghìn lý do để quyết định nội dung gì sẽ được đưa lên “tường” trang facebook cá nhân của bạn. Nếu mã này thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến người sản xuất nội dung”.

Rõ ràng là ngành công nghiệp truyền hình nói riêng và báo chí, truyền thông nói chung cần phải thay đổi trước tác động mạnh mẽ của MXH, nhưng, bên cạnh đó, không thể không cẩn trọng khi khai thác dạng thông tin này.

Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thành Lương: Tiến tới mô hình hội tụ

Chúng tôi nhận thức rõ về sự tác động của MXH đối với sự phát triển của Truyền hình Việt Nam (THVN). Bởi thế, THVN đã thay đổi phương thức sản xuất chương trình, tiến tới mô hình truyền hình hội tụ. Các đơn vị sản xuất phải nhằm tới hai vấn đề: Một, là sản xuất các chương trình truyền thống; hai, là sản xuất các chương trình để cung cấp cho truyền hình kỹ thuật số và MXH.

Giám đốc Trung tâm VTV Digital Phạm Anh Chiến: Mạng xã hội cũng là một kênh kinh doanh

MXH là kênh marketing rất quan trọng cho chương trình truyền hình. Trước khi một chương trình VTV được phát sóng, có nhiều bài được “post” lên MXH để thảo luận, và xu thế này còn mạnh hơn trong thời gian tới. MXH cũng chính là kênh để chúng tôi kéo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, quay trở lại với ti vi; giúp truyền hình truyền thống giữ khán giả ở lại. Hơn nữa, MXH cũng là một kênh kinh doanh của chúng ta, có thể tạo ra nguồn doanh thu lớn.

Ông Marc Lourdes - Giám đốc CNN Digital khu vực Châu Á: Gần hơn với khán giả

Điều quan trọng nhất là MXH có thể giúp chúng tôi tiếp cận với khán giả. Bên cạnh đó, với các phóng viên, MXH là phương tiện cho phép tìm và kể các câu chuyện theo cách thức mới hơn và tuyệt vời hơn. Khi có một sự kiện thú vị, những gương mặt nổi tiếng của CNN đều xuất hiện trên các phương tiện khác nhau để cùng đưa thông tin đó đến với khán giả. Chúng tôi ứng dụng cách làm này trên tất cả các mạng có lượng theo dõi nhiều nhất.


Thu Minh ghi
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi để tồn tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.