Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai trương trực tuyến hệ thống dịch vụ công mức độ 3 cấp phường

Châu Anh| 31/07/2016 13:20

(HNMO) - Sáng nay (31/7), UBND Thành phố Hà Nội tổ chức khai trương trực tuyến hệ thống dịch vụ công mức độ 3 cấp phường.

Lễ khai trương được tổ chức trực tuyến tại UBND Thành phố và tại 30 điểm cầu ở các quận, huyện, thị xã. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng đại diện các bộ: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố tham dự.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung bấm nút khai trương hệ thống dịch vụ công mức 3 cấp phường. Ảnh: Anh Quý


Hà Nội sẵn sàng cho triển khai dịch vụ công trực tuyến

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong (CNTT) hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016–2020, Thành phố Hà Nội xác định, ứng dụng CNTT là vấn đề quan trọng, là đòn bẩy phục vụ cải cách hành chính. Vì vậy, Hà Nội đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính.

Trong quá trình triển khai, trực tiếp Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban chỉ đạo CNTT để chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai ứng dụng CNTT. Lãnh đạo Thành phố cũng đưa chỉ tiêu ứng dụng CNTT vào tiêu chí đánh giá Thi đua - Khen thưởng, đồng thời xác định, đây là nội dung thường xuyên trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Thành phố.

Thành phố cũng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, tin học hóa thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 3, tạo mọi thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Trong đó, có những lĩnh vực Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo rà soát để giảm thiểu hồ sơ, rút ngắn thời gian như: cấp sổ đỏ, đăng ký kinh doanh. Việc ứng dụng CNTT được triển khai theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống để đảm bảo sự liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống. Lãnh đạo Thành phố cũng lựa chọn ưu tiên triển khai theo hình thức thuê dịch vụ CNTT và tăng cường, tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ của các nước, các tập đoàn hàng đầu về CNTT trên thế giới.

Một nội dung trọng tâm trong triển khai ứng dụng CNTT của Thành phố Hà Nội là tập trung cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phục vụ công dân, tổ chức. Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng đã đặt ra chỉ tiêu rất cao như: đến cuối năm 2017 cung cấp 40-50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và đến năm 2020 cung cấp 70% - 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tại tất cả các sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã.

Để thực hiện được các mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2016, UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng hệ thống nền tảng thống nhất bao gồm Cổng dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến kết nối với hệ thống một cửa điện tử và xử lý chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, Thành phố chọn 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp phường, trước tiên là cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực tư pháp, liên thông thủ tục hành chính với Công an và Bảo hiểm xã hội.


Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu trao tặng khen thưởng các đơn vị thực thiện tốt việc triển khai dịch vụ công. Ảnh: Anh Quý


Đáp ứng yêu cầu triển khai diện rộng đến các phường từ 10/8

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú, sau thời gian thí điểm, các đơn vị đã bảo đảm chất lượng, tiến độ và đủ điều kiện chính thức công bố để người dân khai thác sử dụng trên toàn địa bàn hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Với hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp phường, xã được khai trương ngày hôm nay, công dân, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi và được hỗ trợ thông tin trực tuyến (hệ thống tổng đài tin nhắn, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật..). Nhờ việc ứng dụng phần mềm để liên thông giữa các ngành, thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn đáng kể (như thủ tục liên thông theo thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 5 ngày làm việc). Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cũng sẽ góp phần hình thành công dân điện tử và hồ sơ, dữ liệu điện tử của công dân.


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú cũng cho biết, ngày 10/8 tới, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3 sẽ chính thức được sử dụng tại 144 phường thuộc 10 quận còn lại và đến hết năm 2016 sẽ triển khai tại tất cả 584 xã, phường của Thành phố.

Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã biểu dương sự đóng góp của Sở TT-TT, Sở Tư pháp, hai quận Long Biên, Nam Từ Liêm cùng các doanh nghiệp VNPT Hà Nội và Nhật Cường đã nỗ lực triển khai công việc, bảo đảm tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho người dân. Chủ tịch cho biết, để tiếp tục thực hiện cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ở các địa bàn còn lại, các đơn vị cần rút kinh nghiệm từ việc triển khai thí điểm tại một số phường thuộc quận Long Biên, Nam Từ Liêm, tại 144 phường thuộc 10 quận còn lại sẽ dừng phần mềm cũ đang dùng kể từ ngày 10/8 – thời điểm triển khai phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức 3 dùng chung của Thành phố. UBND Thành phố cũng sẽ làm việc với Bộ Tư pháp để liên thông phần mềm mã số định danh cá nhân với phần mềm dùng chung của Thành phố.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, song song với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, sẽ thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4. Phấn đấu đến ngày 1/10/2016 có thể triển khai dịch vụ công mức 3 và một số địa phương triển khai mức độ 4 tại 584 xã, phường. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị thí điểm cho phép đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng từ ngày 1/8, bảo đảm triển khai chính thức việc đăng ký này qua mạng kể từ ngày 1/9 tới.

Chủ tịch cũng yêu cầu, Sở TT-TT phối hợp với các đơn vị nghiên cứu thành lập một trung tâm thực hiện 3 chức năng: giải đáp cho người dân; thu thập thông tin tích hợp và phân tích dữ liệu phục vụ cho việc điều hành của Thành phố. Cùng với đó, Sở TT-TT và các đơn vị cũng phải triển khai các giải pháp bảo mật trong hệ thống; tiếp tục việc đào tạo lại về CNTT và phần mềm dùng chung cho 10.000 cán bộ công chức; tăng cường vai trò của chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và giám đốc các sở, ngành trong chỉ đạo cải cách hành chính, ứng dụng CNTT tại đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai trương trực tuyến hệ thống dịch vụ công mức độ 3 cấp phường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.