Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ những điều rất nhỏ

Minh Ngọc| 27/08/2016 08:05

(HNM) - Để có một Hà Nội xanh - sạch - đẹp, văn minh, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi con người trong từng hành động, việc làm, cách ứng xử thường nhật là rất cần thiết. Đợt vận động sáng tác kịch bản sân khấu không chuyên, tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh do Trung tâm Văn hóa thành phố (Sở VH-TT Hà Nội) phát động đã cho “ra đời” các tác phẩm thấm đẫm chất liệu cuộc sống, bắt đầu từ những điều rất nhỏ.

Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.


Bắt đầu từ cuộc sống…

Không hẹn mà gặp, các tác giả tham gia đợt vận động sáng tác kịch bản sân khấu không chuyên, tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh là những người yêu Hà Nội, hiểu Hà Nội. Tình yêu ấy bắt đầu từ những điều giản dị mà họ nghe, họ thấy hằng ngày.

Trong tác phẩm “Người làm đẹp phố phường” (đạt giải C), tác giả Trần Chỉnh (khu dân cư số 2, thôn Thọ Lão, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh), lấy nhân vật chính là một người già (bà Bẻo), ngày ngày không quản nắng mưa, sớm tối, bà cặm cụi nhặt rác trên vỉa hè, lòng đường; nhắc nhở bà con đổ rác đúng nơi quy định; can ngăn không cho xe tải đổ trộm vật liệu, phế thải vào khu đất quy hoạch. Việc làm của bà Bẻo vấp phải sự phản đối của con cháu, bà nhẹ nhàng giảng giải: “Tuổi già cần noi gương sáng. Bà không thể đứng nhìn đường phố đầy rác rơi vãi, không thể thờ ơ khi thấy đêm đêm xe to, xe nhỏ chất đầy phế thải đổ trộm vào khu đất chưa xây dựng.

Bà làm điều hay, lẽ phải, có làm gì mất tư cách đạo đức đâu mà sợ dân làng cười”. Với những người có hành vi thiếu văn hóa, bà Bẻo kiên quyết can ngăn: “Ai cho phép anh đổ phế thải ở đây? Đề nghị anh bốc, vận chuyển mang đi đổ đúng nơi quy định…”. Việc làm bị cho là “rỗi hơi” của bà Bẻo không ít lần mang lại phiền toái, rắc rối cho bà và gia đình, song bà không bỏ cuộc. Cuối cùng, người dân hiểu ra và cùng bà chung tay giữ gìn môi trường khu dân cư xanh - sạch - đẹp.

Tác giả kịch bản Trần Chỉnh cho biết: “Tôi luôn quan niệm, đường phố sạch như mạch nước trong, mọi người cùng chung tay giữ gìn thì chúng ta mới có sức khỏe tốt, mới làm đẹp cảnh quan đô thị. Vì thế, tôi đã lồng ghép nhiều người thực, việc thực mà tôi được biết như ông Đỗ Sáng Luyện (phường Ngọc Hà, Ba Đình) thường xuyên dọn rác ở hồ Hữu Tiệp; ông Nguyễn Văn Minh (khu tập thể Rạng Đông, Thanh Xuân) âm thầm bóc, xóa quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định… thành nhân vật bà Bẻo hiểu biết, quyết liệt, có chút đanh đá như nội dung kịch bản”.

Vẫn theo mạch chủ đề tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh, qua tác phẩm “Người giúp việc” (đạt giải A), tác giả Nguyễn Vượng (Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 8, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) mong muốn chuyển tải thông điệp, hãy nhìn nhận giúp việc là một nghề và các gia đình có người giúp việc nên ứng xử với họ sao cho đúng mực. Ở tác phẩm “Chạy hưu” (đạt giải B), ông bí thư chi bộ yêu nghệ thuật của phường Tràng Tiền mạnh dạn đưa “góc khuất” của một bộ phận cán bộ, đảng viên vào kịch bản sân khấu. “Trong những thứ “chạy”, một số cán bộ, đảng viên tổ chức “cưới chạy” cho con cái với mục đích trục lợi khi sắp nghỉ hưu là việc không nên làm. Hơn ai hết, đảng viên cần là những người tiên phong, gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy, với số lượng khách mời không quá 300 người/đám cưới. Nhưng trên thực tế, hiện tượng này khá phổ biến” - ông Nguyễn Vượng chia sẻ.

Ngoài ra, đợt vận động sáng tác còn nhận được hơn 40 tác phẩm của 29 tác giả không chuyên, đề cập đến nhiều vấn đề được và chưa được ở các địa phương trong lộ trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trở lại phục vụ cuộc sống

Nhà viết kịch Ngọc Thụ, Trưởng ban Sáng tác (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội) đánh giá, hiếm có đợt vận động sáng tác không chuyên nào thu hoạch được các tác phẩm chất lượng như đề tài tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh. Điều đó phần nào cho thấy, không ít người dân Thủ đô đã và đang trăn trở trước sự xâm nhập của những luồng văn hóa độc hại, làm ảnh hưởng, phai nhạt nét đẹp vốn có trong cách sống, ứng xử, giao tiếp của người Hà Nội. Những tác phẩm này được dàn dựng, biểu diễn trong các hoạt động văn nghệ quần chúng sẽ góp phần thiết thực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong thời kỳ mới.

Ông Dương Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội cho biết thêm, những tác phẩm hay, gần gũi với đời sống đã được Trung tâm in thành tuyển tập kịch ngắn, phát cho trung tâm văn hóa, nhà văn hóa các quận, huyện, thị xã và đội ngũ cán bộ văn hóa làm tài liệu tuyên truyền. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ phát động liên hoan sân khấu không chuyên từ thành phố đến cơ sở theo chủ đề xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để những câu chuyện được khái quát từ cuộc sống, có cơ hội quay trở lại phục vụ cuộc sống.

Là đối tượng được “thụ hưởng”, ông Nguyễn Chí Nguyện, Giám đốc Nhà văn hóa huyện Ba Vì khẳng định, với người dân nông thôn, tiểu phẩm sân khấu là hình thức tuyên truyền dễ đi vào lòng người nhất, bởi nó đơn giản, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Khi xem, người dân như thấy câu chuyện về bản thân, gia đình, quê hương mình trong đó và rất thích thú. Mỗi khi có chương trình liên hoan văn hóa, văn nghệ nào được tổ chức, bà con luôn hào hứng tham gia. Số khán giả xem chương trình nghệ thuật quần chúng đôi khi đông hơn các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp. Do đó, tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh đến với người dân càng sớm, càng rộng, càng sâu thì hiệu quả sẽ càng lớn.

Qua đó có thể thấy, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp, có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ những điều rất nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.