Theo dõi Báo Hànộimới trên

16 năm người dân chờ sổ đỏ, vì sao?

Trung Nguyên| 29/08/2016 06:44

(HNM) - Người dân cụm 13, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) phản ánh tới Đường dây nóng Báo Hànộimới rằng họ đã kê khai, nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nông nghiệp từ năm 1999, nhưng 16 năm qua vẫn chưa được nhận sổ đỏ. Đâu là nguyên nhân của sự việc?


Năm 1997, xã Tân Lập thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa. Năm 1999, xã triển khai xét cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) đất nông nghiệp cho các hộ trên địa bàn toàn xã và cơ bản hoàn thành, đạt 99%. Sau khi nhận được GCNQSDĐ nông nghiệp, cán bộ xã tổng hợp, kê khai tên hộ, diện tích, số thửa… lưu vào sổ địa chính xã, rồi mới chuyển cho các trưởng cụm, kế toán cụm để trả tới hộ dân. Tuy nhiên, nhiều hộ dân phản ánh có hàng chục trường hợp ở cụm 13, đến nay vẫn chưa được nhận GCNQSDĐ nông nghiệp.

Trao đổi với phóng viên (PV) Báo Hànộimới, ông Nguyễn Hữu Quy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Do thời gian quá lâu và từ các khóa trước, nên chính quyền địa phương không nắm được có bao nhiêu hộ ở cụm 13 chưa được nhận GCNQSDĐ nông nghiệp. Trong khi đó, liên tiếp trong 2 năm 2004 và 2005, hai cán bộ có liên quan đã mất nên không có manh mối để tìm ra số GCNQSDĐ của các hộ này ở đâu? Năm 2012, một số hộ dân ở cụm 2 và 13 phản ánh tới UBND xã về việc chưa được cấp GCNQSDĐ tại các khu đồng Pheo, Cánh Bảng, Cây Đa, Trầm Cừ, Cổ Lộng, Đồng Mầu… Cũng trong năm đó, xã Tân Lập đang được triển khai thực hiện dự án VLAP (dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam - PV). UBND xã đã động viên các hộ này chờ địa phương thực hiện xong dự án VLAP, sẽ hoàn thiện hồ sơ để xét cấp GCNQSDĐ cho các hộ. Đến năm 2016, qua các đợt tiếp xúc cử tri, tiếp nhận ý kiến, đơn của công dân về việc chưa được cấp GCNQSDĐ, xã Tân Lập đã kiểm tra thực tế, thống kê được tại cụm 2 và 13, có tới 51 trường hợp chưa được nhận GCNQSDĐ nông nghiệp. Trong đó, cụm 13 có 26 trường hợp bị “tạm giữ” GCNQSDĐ, do có một số hộ gia đình… nợ sản với HTX. Cụm 2 có 25 hộ cũng bị giữ lại GCNQSDĐ, trong đó có hơn chục hộ vi phạm xây nhà cấp 4 để ở, xây chuồng chăn nuôi lợn, gà trên đất nông nghiệp từ năm 2000. Hiện xã không tìm được hồ sơ, biên bản của các hộ có vi phạm. Riêng đối với những hộ không nợ sản, không vi phạm, UBND xã không xác minh được lý do vì sao họ chưa được nhận GCNQSDĐ.

Sau khi xác minh, UBND xã Tân Lập đã hướng dẫn các hộ dân làm “Đơn xin trình báo” với nội dung: “Trong quá trình bảo quản, do sơ suất, gia đình tôi đã làm mất GCNQSDĐ nông nghiệp nêu trên…” để đài truyền thanh xã thông báo, đồng thời mỗi hộ sẽ phải đăng 3 kỳ trên báo địa phương Hà Nội với chi phí 500.000 đồng và lệ phí sổ đỏ là 450.000 đồng/thửa (sổ)… Bà Nguyễn Thị Thu, ở cụm dân cư 13 bức xúc: “Gia đình tôi không nợ sản, không vi phạm, cũng không được nhận GCNQSDĐ, cớ sao lại bắt chúng tôi phải trình báo là mất? Từ năm 2010, gia đình tôi và một số hộ khác gửi đơn đến UBND xã đề nghị trả lại GCNQSDĐ, nhưng không được giải quyết. Các năm 2012 và 2014, chúng tôi tiếp tục gửi đơn, thì được UBND xã hướng dẫn phải làm đơn báo mất GCNQSDĐ. Chúng tôi không chấp nhận. Sau đó, tháng 6-2016, UBND xã lại yêu cầu các hộ chúng tôi phải ký “Đơn xin trình báo” về việc mất sổ đỏ, thì mới được hoàn thiện hồ sơ”.

Xác minh việc UBND xã Tân Lập hướng dẫn công dân trình báo mất GCNQSDĐ là không đúng quy định, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Tân Lập rà soát, hoàn thiện thủ tục để cấp GCNQSDĐ cho 51 hộ tại cụm 2 và 13, thời gian xong trước ngày 31-8-2016, không thu phí thẩm định đối với các hộ.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các hộ này, UBND xã Tân Lập đang phải rà soát lại từng khẩu được giao ruộng theo Nghị định 64/CP và những hộ có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án từ năm 2000 đến nay. Đồng thời, xã cũng yêu cầu các hộ này phải ký cam kết “chưa được nhận GCNQSDĐ”. Khó khăn hiện nay là có 3 hộ, chủ sử dụng đã chết, hoặc đang có tranh chấp, gia đình chưa thống nhất được việc cử người đại diện. Do đó, nếu các hộ này không thống nhất, sẽ bị để lại hồ sơ để làm đợt sau. Đến ngày 22-8, vẫn còn 4/51 hộ gia đình ký cam kết “chưa được nhận GCNQSDĐ”…

Sự việc cho thấy, UBND xã Tân Lập không thể viện lý do cán bộ cũ bị chết, nên mất thông tin, để cho các hộ dân bị thiệt thòi suốt 16 năm qua vì không có GCNQSDĐ, đồng thời "bỏ qua" những trường hợp vi phạm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Đề nghị UBND huyện Đan Phượng chấn chỉnh UBND xã Tân Lập trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai, hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp GCNQSDĐ không đúng và xử lý nghiêm cán bộ để xảy ra sai sót, vi phạm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
16 năm người dân chờ sổ đỏ, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.